MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 15/8: Thép vẫn đắt nhất 6 năm, cao su tăng trở lại

15-08-2018 - 08:12 AM | Thị trường

USD bớt nóng đã hỗ trợ giá vàng hồi phục trở lại, kéo theo giá các kim loại quý khác tăng lên. Đồng JPY yếu nâng giá cao su tại một số nước châu Á tăng cao. Thép vẫn giao dịch quanh mức cao nhất hơn 6 năm. Trong khi dầu, đồng tiếp tục giảm.

Dầu tiếp tục giảm

Giá dầu tiếp tục giảm trong ngày 14/8 do các nhà đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhu cầu tiêu thụ yếu. Dầu thô Brent chốt phiên giảm 15 UScent xuống 72,46 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI kỳ hạn giảm 16 cent xuống còn 67,04 USD/ thùng.

Giá dầu dự kiến sẽ không giảm mạnh do thị trường lo ngại về nguồn cung dầu thô giảm từ các nước sản xuất lớn. OPEC cho biết hôm đầu tuần rằng Saudi Arabia đã cắt giảm sản xuất. Xuất khẩu từ Iran có nguy cơ giảm khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, OPEC dự kiến ​​nguồn cung dầu của các nước ngoài khối sẽ tăng 2,13 triệu thùng/ngày trong năm tới, tăng 30.000 thùng/ngày so với dự báo tháng trước, nhờ sản lượng đá phiến mới của Mỹ.

Kim loại quý hồi phục khỏi mức thấp

Giá vàng hồi phục khỏi mức thấp gần 18 tháng do USD đã bớt nóng. Giá vàng giao ngay chốt phiên tăng 0,04% đạt 1.193,71 USD/ounce sau khi chạm mức thấp 1,191,35 USD trong phiên liền trước. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 tại Mỹ đã tăng 1,80 USD, hay 0,2%, đạt 1.200,70 USD/ounce.

Từ đầu năm tới nay, vàng đã giảm khoảng 8% khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng khi nghĩ rằng vàng sẽ là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang, bê bối tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ và thị trường mới nổi. Đó cũng là lý do các nhà đầu tư đã chọn đồng USD để trú ẩn đẩy USD tăng cao.

Giá bạch kim giao ngay cũng tăng 0,3% đạt 800,50 USD/ounce, sau khi giảm 3,6% xuống mức thấp nhất 3 tuần là 791,50 USD phiên liền trước. Bạc cũng bật lên khỏi mức thấp hơn 13 tháng trong phiên liền trước, tăng 0,7% đạt 15,05 USD/ounce. Palladium tăng 0,6% lên 895,50 USD/ounce.

Đồng giảm

Giá đồng giảm trong phiên giao dịch hôm qua do cuộc khủng hoảng đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và nhu cầu tiêu thụ yếu từ Trung Quốc. Giá đồng tại London chốt phiên giảm 1,8% xuống mức 6.044 USD/tấn. Nhu cầu tiêu thụ đồng yếu là do tỷ lệ tăng đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, chỉ đạt 5,5% trong 7 tháng đầu năm nay đồng thời lòng tin tiêu dùng giảm sút khi cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ ngày càng căng thẳng.

Thép cao nhất hơn 6 năm

Giá thép cây tại Thượng Hải tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 năm do nhu cầu tiêu thụ cao nhờ chính sách thúc đẩy kinh tế của Chính phủ Trung Quốc. Giá thép cây giao tháng 10 tại Thượng Hải chốt phiên tăng 1,1% lên 4.327 CNY/tấn sau khi đạt mức 4.370 CNY(635 USD)/tấn - cao nhất kể từ tháng 4/2012 vào phiên sáng.

Cao su tăng do JPY yếu

Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng cao vào cuối phiên giao dịch do JPY yếu hơn so với USD sau khi giảm vào phiên sáng.Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giao tháng 1/2018 chốt phiên tăng 0,2 JPY lên 171,9 JPY (1,55 USD)/kg, vẫn thấp hơn mức cao nhất ba tuần đạt được vào cuối tuần trước. Giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải giao tháng 1/2019 giảm 95 CNY xuống còn 12.345 CNY(1.794 USD)/tấn. Giá cao su tại Singapore giao tháng 9/2018 ổn định ở mức 134,40 Uscent/ kg.

Ớt Mexico ngày càng được tiêu thụ mạnh khắp thế giới

Tại Mexico, ớt ngọt đứng thứ nhất, trong khi ớt cay đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu, đưa những mặt hàng này trở thành nông sản chiến lược của Kế hoạch Nông nghiệp quốc gia giai đoạn 2017-2030. Theo Bộ Nông nghiệp nước này, Mexico sản xuất 3,2 triệu tấn các sản phẩm ớt mỗi năm, và giai đoạn 2013-2016 sản lượng tăng trung bình 4,82% mỗi năm. Có tới 29,71% tổng sản lượng ớt ngọt và ớt cay Mexico dành cho xuất khẩu. Đây là nước xuất khẩu ớt ngọt lớn nhất thế giới, năm 2017 xuất đi 150.304 tấn, trị giá 153,7 triệu USD. Đối với ớt cay, Mexico là nước xuất khẩu lớn thứ 3, với 1.042.751 tấn trị giá 984,7 triệu USD.

Nhu cầu đối với ớt nước này đã tăng ở 20 quốc gia khắp châu Mỹ, châu Á và châu Âu, và cả ở những nước khác – những nơi Mexico chưa ký hiệp định tự do thương mại. Ớt Mexico chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng ớt nhập khẩu vào các thị trường quan trọng như Mỹ, Canada, Guatemala…

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h30 sáng hôm nay 15/8

Thị trường hàng hóa ngày 15/8: Thép vẫn đắt nhất 6 năm, cao su tăng trở lại - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên