MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 7/7: Vàng giảm, cao su phục hồi từ đáy 21 tháng, cà phê thoát đáy 4 năm rưỡi

07-07-2018 - 09:07 AM | Thị trường

Từ cà phê, đậu tương, cao su cho đến kim loại công nghiệp đều bật tăng trở lại từ mức thấp của nhiều tháng vì nhà đầu tư cho rằng các hàng hóa đã chạm đáy.

Dầu biến động trái chiều

Giá dầu kết thúc phiên cuối tuần biến động trái chiều giữa hai loại WTI và Brent do sự thiếu hụt nguồn cung Canada hậu thuẫn giá dầu thô Mỹ, trong khi sản lượng từ nhà xuất khẩu lớn nhất OPEC – Saudi Arabia – tăng đã đẩy giá dầu Brent giảm.

Dầu thô Brent tham chiếu giảm 28 cent xuống còn 77,11 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tại Mỹ tăng 86 cent tương đương 1,2% lên 73,8 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu WTI kỳ hạn giảm khoảng 0,5% sau khi đạt mức cao nhất 3 năm rưỡi trong ngày thứ ba (3/7), trong khi dầu Brent giảm khoảng 3%.

Dầu thô Mỹ tăng sau số liệu chính thức cho thấy rằng, dự trữ tại điểm giao hàng Cushing giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi, do sự cố cúp điện tại cơ sở dầu cát Canada đã cắt giảm nguồn cung khu vực này. Sự thiếu hụt này đã khiến chênh lệch khoảng cách giữa giá dầu thô Mỹ và dầu thô Brent giảm mạnh trong tháng qua, giảm xuống còn 5,54 USD/thùng so với 11,57 USD/thùng hồi đầu tháng 6.

Dầu Brent chịu áp lực bởi kỳ vọng sản lượng tại Saudi và Nga tăng cao tác động đến thị trường châu Âu và châu Á nhiều hơn so với những thị trường bị chi phối bởi giá dầu thô Mỹ.

Saudi Arabia cho biết, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng gần 500.000 thùng/ngày trong tháng trước. OPEC và các đồng minh đã thỏa thuận vào đầu tháng này sẽ tăng đáng kể sản lượng để giảm đà tăng giá dầu, đạt mức cao nhất 3 năm rưỡi. Nguồn cung tăng đã đảo ngược sự cắt giảm mà OPEC và các nhà sản xuất lớn khác đưa ra vào đầu năm 2017 nhằm kết thúc nhiều năm dư cung.

Saudi Arabia cũng cho biết, sẽ giảm giá bán chính thức cho các thùng dầu trong tháng 8. Thị trường Mỹ được hậu thuẫn từ báo cáo việc làm của chính phủ tăng trưởng hơn so với dự kiến. Điều đó làm giảm tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang. Cuộc chiến ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường dầu, nhưng Trung Quốc có thể áp đặt thuế quan đối với nhập khẩu dầu thô Mỹ. Nếu điều này xảy ra, "nhu cầu của Trung Quốc sau đó sẽ chuyển sang các nhà cung cấp khác. Bởi vì nguồn cung thị trường dầu thắt chặt do sự thiếu hụt, khiến giá dầu Brent trên thị trường thế giới sẽ tăng hơn nữa", Commerzbank cho biết.

Vàng giảm

Giá vàng do đồng USD yếu và chứng khoán tăng, nhưng kết thúc tuần tăng nhẹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Sino leo thang.

Đồng USD giảm sau số liệu cho thấy rằng, nền kinh tế Mỹ tạo nhiều việc làm hơn so với dự kiến trong tháng 6, tăng trưởng tiền lương thấp hơn so với dự báo, trong khi tỉ lệ thất nghiệp tăng.

Thuế quan của Mỹ đối với lô hàng hóa của Trung Quốc có trị giá 34 tỉ USD có hiệu lực trong ngày thứ sáu (6/7), trong khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này buộc phải trả đũa, điều đó có nghĩa là trị giá 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ cũng phải chịu mức thuế 25%.

Giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống còn 1.254,45 USD/ounce, trong phiên có lúc giảm xuống còn 1.252,15 USD/ounce và hướng tới tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 tại Mỹ giảm 3 USD tương đương 0,2% xuống còn 1.255,8 USD/ounce.

Nhập khẩu vàng của Ấn Độ giảm tháng thứ 6 liên tiếp trong tháng 6 xuống còn 44 tấn, do đồng rupee giảm xuống mức thấp kỷ lục, nâng giá thị trường nội địa lên mức cao nhất gần 21 tháng đã hạn chế nhu cầu.

Trong khi đó, giá bạc tăng 0,2% lên 16,01 USD/ounce, bạch kim giảm 0,1% xuống còn 841,24 USD/ounce. Cả 2 kim loại giảm 0,3% trong tuần. Palađi giảm 0,2% xuống còn 949,95 USD/ounce, kết thúc tuần giảm 0,1%. Tất cả 3 kim loại đều giảm tuần thứ 4 liên tiếp.

Đồng hồi phục

Giá đồng hồi phục từ mức thấp nhất 11 tháng, do một số nhà đầu tư quan tâm đến mức giảm mạnh mới đây, và cho rằng kim loại này đã chạm đáy. Đồng đã giảm 14% kể từ mức cao đỉnh điểm 4 năm rưỡi 7.348 USD/tấn hồi đầu tháng 6, được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư máy tính và thanh lý dài hạn bởi các quỹ phòng hộ Trung Quốc.

Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London giảm 2% xuống còn 6.221,5 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 25/7/2017. Giá đồng trên sàn London giảm hơn 5% trong tuần này, tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2015.

Hợp đồng kẽm tại LME tăng 1,3% lên 2.735 USD/tấn, được hậu thuẫn bởi báo cáo từ Viện nghiên cứu nhà nước Trung Quốc Antaike cho biết, sản lượng kẽm của nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 trong quý III/2018, Commerzbank cho biết.

Hợp đồng nickel tại LME giảm 1,8% xuống còn 13.945 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 13.830 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 11/5.

Hợp đồng nhôm tại LME tăng 0,1% lên 2.080 USD/tấn, trong phiên đạt 2.071 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 9/4, do các nhà máy tinh chế alumina cắt giảm sản lượng. Giá chì giảm 0,1% xuống còn 2.322 USD/tấn và thiếc giảm 0,4% xuống còn 19.325 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 19.330 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ 21/12/2017.

Thép tăng 

 Giá thép tại Trung Quốc hồi phục từ mức giảm phiên trước đó, do Bắc Kinh nỗ lực cắt giảm công suất sản xuất như là một phần của cuộc chiến chống ô nhiễm và lo ngại về thuế quan của Mỹ đối với lô hàng hóa của Trung Quốc có trị giá 34 tỉ USD vừa mới bắt đầu. 

 Hợp đồng thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 0,2% lên 3.782 NDT (569 USD)/tấn, sau khi giảm mạnh 1,1% trong đầu phiên giao dịch. Hợp đồng thép cuộn cán nóng được sử dụng trong sản xuất không thay đổi ở mức 3.857 NDT/tấn. 

 Trong tuần này, Trung Quốc sẽ đóng cửa nhiều nhà máy thép và than cốc đã lỗi thời trong 3 năm tới như là một phần của cuộc chiến chống ô nhiễm. Cụ thể, thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc – Đường Sơn – đã ra lệnh cho các công ty thép và nhà sản xuất than cốc đáp ứng mục tiêu phát thải ở mức thấp. Sự suy giảm dự trữ thép hàng tuần tại Trung Quốc cho thấy rằng, nhu cầu tại nước tiêu thụ và sản xuất lớn nhất thế giới tăng. Tổng dự trữ thép giảm 154.600 tấn xuống còn 10,098 triệu tấn trong tuần này, công ty tư vấn Mysteel cho biết.

 Giá nguyên liệu sản xuất thép cũng tăng, hợp đồng quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 1% lên 460 NDT/tấn và than luyện cốc tăng 1% lên 1.155 NDT/tấn, than cốc tăng 0,3% l ên 2.016 NDT/tấn.

Cao su hồi phục từ mức thấp nhất 21 tháng

Giá cao su hợp đồng tham chiếu chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp và hồi phục từ mức thấp nhất 21 tháng trong phiên trước đó, được hậu thuẫn bởi chứng khoán châu Á tăng sau khi Washington áp đặt thuế quan đối với nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn TOCOM kết thúc tăng 1,9 JPY lên 171,4 JPY (1,55 USD)/kg, hồi phục từ mức thấp nhất 21 tháng trong phiên trước đó. Trong tuần, giá cao su giảm 2,8%.

Tại Thượng Hải hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 5 NDT xuống còn 10.335 NDT (1.555 USD)/tấn.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn SICOM giảm 0,8 cent xuống còn 130,2 Uscent/kg.

Cà phê tăng từ mức thấp nhất 4 năm rưỡi

Giá cà phê tăng 4,5%, hồi phục từ mức thấp nhất 4 năm rưỡi được hậu thuẫn bởi đồng real Brazil tăng và hoạt động mua vào sau khi giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Hợp đồng cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 4,95 cent tương đương 4,5% lên 1,141 USD/lb. Đây là mức tăng mạnh nhất 1 ngày kể từ tháng 6/2017 và được hậu thuẫn bởi đồng real Brazil tăng so với đồng USD. Hơp đồng cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 23 USD tương đương 1,4% lên 1.662 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.610 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016.

Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,03 cent tương đương 0,3% lên 11,51 cent/lb. Kết thúc tuần, giá đường giảm 3%, tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 4/2018. Hợp đồng đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 1,1 USD tương đương 0,3% lên 331,3 USD/tấn.

Hợp đồng ca cao kỳ hạn tháng 9 trên sàn New York giảm 17 USD tương đương 0,7% xuống còn 2.465 USD/tấn trong phiên có lúc giảm 3,2% xuống còn 2.403 USD/tấn. Hợp đồng ca cao kỳ hạn tháng 9 trên sàn London giảm 24 GBP, tương đương 1,3% xuống còn 1.789 GBP/tấn. Sản lượng ca cao Ghana niên vụ 2017/18 có thể đạt 900.000 tấn, cao hơn so với dự báo 850.000 tấn của Cocobod, do thời tiết thuận lợi và kỹ thuật trồng trọt được cải thiện.

Đậu tương tăng

Giá đậu tương tăng, sau khi chạm mức thấp gần 1 thập kỷ do lo ngại về chiến tranh thương mại với Trung Quốc gia tăng. Giá tăng khi Mỹ áp đặt thuế quan đối với lô hàng hóa của Trung Quốc trị giá 34 tỉ USD và Bắc Kinh cho biết sẽ trả đũa với mức thuế như đã dự kiến đối với các sản phẩm bao gồm đậu tương.

Mức thuế bổ sung 25% của Bắc Kinh cho đậu tương Mỹ dự kiến sẽ hạn chế nhu cầu của Trung Quốc đối với các lô hàng của Mỹ hơn nữa và chuyển doanh số bán nhiều hơn sang Brazil, nước xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới. Triển vọng này đã đẩy chênh lệch giá giữa đậu tương Mỹ và Brazil lên mức cao nhất 5 năm. Giá đậu tương kỳ hạn giảm 15% trong tháng qua do lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới – giảm. Đậu tương là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Mỹ sang Trung Quốc với trị giá hơn 12 tỉ USD trong năm 2017.

Hợp đồng đậu tương kỳ hạn trên sàn Chicago tăng 4,6% lên 8,74 USD/bushel, trong phiên trước đó giá đậu tương giảm xuống còn 8,34 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2008. Hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 4,5% lên 8,94-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 8,53-1/4 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng ngày 7/7

Thị trường hàng hóa ngày 7/7: Vàng giảm, cao su phục hồi từ đáy 21 tháng, cà phê thoát đáy 4 năm rưỡi - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên