MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường khó khăn, hàng loạt Bluechips “phá đáy” trong năm 2019

Các Bluechips đầu ngành như MSN, HBC, CTD, MPC, SSI…đều ghi nhận mức giảm hàng chục phần trăm trong năm qua và xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Năm 2019 diễn ra không thực sự thuận lợi với TTCK Việt Nam dù chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng hơn 7%. Thị trường sideway trong biên độ hẹp khiến việc "lướt sóng" là không hề dễ dàng. Mức độ phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề nếu chọn sai cổ phiếu. Thậm chí các Bluechips đầu ngành như MSN, HBC, CTD, MPC, SSI…đều ghi nhận mức giảm hàng chục phần trăm trong năm qua và xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Masan (MSN) xuống mức thấp nhất 2 năm

Tính tới hết phiên giao dịch 24/12, thị giá MSN dừng tại 54.500 đồng/cp, giảm 30% so với đầu năm và là mức thấp nhất trong hơn 2 năm. 

Thị trường khó khăn, hàng loạt Bluechips “phá đáy” trong năm 2019 - Ảnh 1.

Đà giảm của MSN chỉ thực sự diễn ra rõ nét trong khoảng 1 tháng trở lại đây do giới đầu tư lo ngại KQKD Masan có thể chịu ảnh hưởng khi nhận sáp nhập VinCommerce, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart và VinEco.

Tại Việt Nam, Vinmart và Vinmart+ là một trong những chuỗi bán lẻ có quy mô nhất. Tính tới cuối tháng 11, VinGroup đã xây dựng được hệ thống gồm 115 siêu thị Vinmart và 2.438 cửa hàng Vinmart+ trên khắp cả nước. Dù vậy, do đang trong quá trình mở rộng nên mảng kinh doanh bán lẻ này vẫn bị lỗ.

Theo báo cáo bộ phận của VinGroup, trong năm 2018, doanh thu mảng bán lẻ của Tập đoàn này đạt 21.257 tỷ đồng nhưng lỗ 5.121 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, mảng bán lẻ ghi nhận doanh thu 23.571 tỷ đồng nhưng lỗ 3.461 tỷ đồng.

Tuy vậy, Masan cho biết đặt tham vọng sau khi về với tập đoàn này một năm, VinCommerce sẽ hòa vốn ngay trong năm 2020 (Ebitda = 0) và bắt đầu có lãi từ năm 2021.

Hòa Bình (HBC), Coteccons (CTD) cùng xuyên đáy nhiều năm

Năm 2019 được coi là năm khó khăn với ngành xây dựng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng cao, trong khi thị trường BĐS có phần "hạ nhiệt" so với những năm trước.

Với diễn biến kể trên, các cổ lớn đầu ngành xây dựng như Hòa Bình (HBC) hay Coteccons (CTD) không còn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và đồng loạt lao dốc về đáy nhiều năm.

Kết thúc phiên giao dịch 24/12, thị giá CTD chỉ còn 53.100 đồng, thấp nhất kể từ tháng 7/2015 tới nay. Việc CTD giảm bên cạnh những khó khăn của ngành xây dựng còn đến từ những mâu thuẫn nội bộ chưa được giải quyết. Nổi bật nhất là việc sáp nhập Ricons bất thành dù đã được Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và nhiều cổ đông đề nghị nhưng các cổ đông lớn như Kustocem hay Kinh doanh và Đầu tư Thành Công phản đối.

Thị trường khó khăn, hàng loạt Bluechips “phá đáy” trong năm 2019 - Ảnh 2.

Cũng trong tình trạng "thê thảm", cổ phiếu HBC thậm chí còn về mệnh giá (10.000 đồng) trong phiên 24/12, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016. Trong năm qua, những thông tin hỗ trợ như ban lãnh đạo liên tiếp mua cổ phiếu hay phát hành thành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược Hyundai Elevator đã không hỗ trợ nhiều cho HBC.

Trong 9 tháng đầu năm, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần 13.646 tỷ đồng, tăng 8% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 51% xuống còn 243,5 tỷ đồng. Tính tới cuối quý 3/2019, nợ vay của Hòa Bình lên tới 5.233 tỷ đồng, tăng 892 tỷ so với đầu năm và chiếm 32% tổng nguồn vốn công ty. Trong khi đó, khoản phải thu ngắn hạn khác hàng và phải thu theo tiến độ KH hợp đồng xây dựng lên tới hơn 10.700 tỷ đồng, tăng 450 tỷ so với đầu năm.

FPT Retail (FRT) lao dốc không phanh

Trái ngược với đà thăng hoa của Thế giới di động (MWG), cổ phiếu của "đại gia" bán lẻ FPT Retail (FRT) đã có một năm lao dốc không phanh. Kết thúc phiên giao dịch 24/12, thị giá FRT chỉ còn 23.500 đồng/cp, giảm 72% giá trị so với đỉnh cao được xác lập khi mới lên sàn vào đầu quý 2/2018.

Thị trường khó khăn, hàng loạt Bluechips “phá đáy” trong năm 2019 - Ảnh 3.

Trong những năm gần đây, mảng kinh doanh chủ lực điện thoại của FRT đã có dấu hiệu bão hòa và doanh nghiệp đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới nhưng chưa thực sự thành công. Lĩnh vực điện máy từng được FRT thử nghiệm thông qua hợp tác với Nguyễn Kim nhưng đã dừng lại chỉ sau thời gian ngắn.

Mũi nhọn dược phẩm FRT hướng đến có thể sẽ gặp nhiều thách thức từ các đối thủ cạnh tranh. Không những vậy, mảng dược dù quy mô lớn nhưng cũng có nhiều thách thức. Những tay chơi lớn như VinFa, Pharmacity, Mỹ Châu…cũng đang gặp không ít khó khăn trong lĩnh vực này. Ngay cả Thế giới di động vốn chuyển hướng kinh doanh rất nhanh cũng tỏ ra dè chừng với ngành dược phẩm và chuỗi nhà thuốc An Khang cũng chỉ được mở thăm dò.

Gần đây, FRT tiếp tục mở thêm lĩnh vực mỹ phẩm với chuỗi F.Beauty. Việc liên tục mở rộng nhiều ngành nghề mới nhưng chưa chứng minh được hiệu quả kinh doanh đã khiến giới đầu tư tạm rời xa FRT.

Lung lay "ngôi vương" ngành chứng khoán của SSI

Diễn biến ảm đạm của TTCK năm 2019 đã khiến các CTCK gặp muôn vàn khó khăn, ngay cả với "đại gia" đầu ngành SSI. Trong 9 tháng đầu năm, SSI (công ty mẹ) chỉ đạt 795 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước.

Không những vậy, áp lực cạnh tranh mạnh, đặc biệt từ các CTCK vốn Hàn Quốc càng khiến giới đầu tư có phần dè chừng hơn với các cổ phiếu ngành chứng khoán. Trong quý 3/2019, dư nợ margin của Mirae Asset đã vượt qua SSI. Thậm chí CTCK vốn Hàn Quốc này còn vượt qua SSI trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

Với nhiều tác động không thực sự thuận lợi, cổ phiếu SSI đã giảm mạnh trong năm 2019. Kết thúc phiên giao dịch 24/12, thị giá SSI chỉ còn 18.350 đồng, giảm 28% so với đầu năm.

Thị trường khó khăn, hàng loạt Bluechips “phá đáy” trong năm 2019 - Ảnh 4.

Bảo Việt (BVH) đi xuống cùng xu hướng lãi suất

Một cổ phiếu lớn khác có diễn biến kém khả quan trong năm 2019 là Bảo Việt (BVH). Đóng cửa phiên giao dịch 24/12, thị giá BVH chỉ còn 69.600 đồng/cp, giảm 21% so với đầu năm.

Diễn biến kém tích cực của BVH có thể đến từ kết quả kinh doanh chững lại trong vài năm gần đây. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm mạnh, điều này ảnh hưởng đến kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp trong những năm tiếp theo.

Thương vụ bán 41,4 triệu cổ phiếu cho Sumitomo Life với mức giá lên tới gần 97.000 đồng/cp, vượt xa giá thị trường của BVH chỉ giúp cổ phiếu này hồi phục đôi chút.

Thị trường khó khăn, hàng loạt Bluechips “phá đáy” trong năm 2019 - Ảnh 5.

Minh Phú (MPC) xuống mức thấp nhất kể từ khi trở lại sàn chứng khoán

"Đại gia" ngành tôm Minh Phú (MPC) là một trong những cổ phiếu được kỳ vọng lớn trong năm 2019 nhờ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại (EVFTA), cũng như hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung. Không những vậy, câu chuyện phát hành chiến lược 60 triệu cổ phiếu cho Mitsui, hay chia cổ tức 50% bằng tiền mặt cũng là yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu.

Tuy vậy, trên thực tế cổ phiếu MPC đã có một năm lao dốc mạnh. Kết thúc phiên giao dịch 24/12, thị giá MPC chỉ còn 21.300 đồng/cp, giảm 41% so với đầu năm và là mức thấp nhất kể từ khi trở lại sàn chứng khoán (2017).

Thị trường khó khăn, hàng loạt Bluechips “phá đáy” trong năm 2019 - Ảnh 6.

Việc cổ phiếu MPC lao dốc đến từ KQKD kém khả quan. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế Minh Phú chỉ đạt 387 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Không những vậy, doanh thu xuất khẩu 10 tháng được công bố của Minh Phú cũng giảm 10% xuống 550 triệu USD.

Minh Phú cho rằng nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt không đáp ứng đủ công suất, do đó để huy động được tôm nguyên liệu đáp ứng đơn hàng thì Công ty phải mua nguyên liệu với giá cao, dẫn đến giá thành cao và điều này đã ảnh hưởng đến KQKD.

Bên cạnh yếu tố KQKD sụt giảm, những thông tin bị cáo buộc tránh thuế phá giá tôm vào Mỹ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới biến động cổ phiếu MPC trong năm qua.

Bình Sơn (BSR), PV Oil (OIL) xuống dưới mệnh giá

Cặp đôi "đình đám" ngành dầu khí tiếp đà lao dốc trong năm 2019 sau khi giảm mạnh trong năm trước đó. Kết thúc phiên giao dịch 24/12, thị giá BSR và OIL đều chỉ còn 8.300 đồng/cp, giảm lần lượt 39% và 45% so với đầu năm. Trước đó vào đầu năm 2018, OIL, BSR đã lên sàn chứng khoán và thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.

Thị trường khó khăn, hàng loạt Bluechips “phá đáy” trong năm 2019 - Ảnh 7.

KQKD kém tích cực là yếu tố ảnh hưởng đến diễn biến cổ phiếu BSR, OIL. Với BSR, mới đây Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chấp thuận điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2019 từ mức lợi nhuận sau thuế 3.100 tỷ đồng xuống còn 1.165 tỷ đồng. PVN cho biết việc điều chỉnh này giúp BSR thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu nhập cho người lao động trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực lọc dầu có trình độ cao ngày càng khốc liệt.

Không những vậy, mỏ Bạch Hổ và các mỏ nội địa khác đang dần cạn kiệt, giá dầu trong nước có xu hướng tăng mạnh hơn giá dầu nhập khẩu, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của BSR.

Tương tự BSR, kết quả kinh doanh của OIL cũng không thực sự tích cực kể từ sau khi IPO. Trong 9 tháng đầu năm nay, OIL ghi nhận 296 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh 21% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường khó khăn, hàng loạt Bluechips “phá đáy” trong năm 2019 - Ảnh 8.

Ngoài câu chuyện KQKD ảm đạm, việc tìm kiếm cổ đông chiến lược cho các doanh nghiệp này chưa có lộ trình rõ ràng càng khiến giá cổ phiếu kém phần hấp dẫn.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên