MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường mua, bán nợ xấu chưa chuẩn hoá thông tin

29-06-2021 - 07:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Hệ thống thông tin về hàng hóa và các chủ thể tham gia thị trường mua, bán nợ xấu còn thiếu, chưa được chuẩn hóa và chưa có một đơn vị làm đầu mối thu thập, phân loại, xác thực và quản lý thông tin.

Đó là đánh giá của ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh chủ đề mua bán và xử lý nợ xấu ; Đặc biệt, trong bối cảnh "chợ" giao dịch nợ xấu sắp được VAMC khai trương tới đây.

Thị trường mua, bán nợ xấu chưa chuẩn hoá thông tin - Ảnh 1.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC)

Xin ông cho biết, công tác xử lý nợ xấu của VAMC trong thời gian vừa qua đã đạt được kết quả như thế nào?

Trong thời gian qua, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt có thời hạn tối đa 10 năm, lãi suất 0% để mua các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) theo đúng giá trị còn lại của khoản nợ (nợ gốc trừ khoản tiền đã được TCTD trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ đó). Luỹ kế từ năm 2013 đến 31/5/2021, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu đạt 392.084 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 359.477 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VAMC cũng thực hiện mua nợ trên cơ sở thoả thuận và giá trị khoản nợ xấu được định giá lại. Lũy kế từ năm 2017 đến hết 31/5/2021, khoảng 336 khoản nợ của 192 khách hàng đã được mua với 11.541 tỷ đồng dư nợ gốc và giá mua nợ đạt 11.628 tỷ đồng.

Về kết quả xử lý nợ, từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 115.672 tỷ đồng, chiếm 65% tổng số thu hồi nợ lũy kế từ khi thành lập đến hết ngày 31/5/2021. Riêng hoạt động đấu giá khoản nợ trên tài sản đảm bảo của khoản nợ, VAMC đã tổ chức thực hiện đấu giá thành công 21 tài sản với tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.296 tỷ đồng.

- Từ kinh nghiệm thực tiễn như trên, ông có suy nghĩ gì về thị trường mua bán nợ, xử lý nợ xấu hiện tại?

Theo nhìn nhận của tôi, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam hiện còn khá sơ khai, khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia của thị trường chưa đồng bộ, hạ tầng mới bước đầu hình thành và phương thức mua, bán nợ xấu vẫn còn hạn chế.

Trong không gian chung như vậy, VAMC với vai trò trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ theo Quyết định 28/QĐ-NHNN ngày 05/01/2018 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VAMC đã xúc tiến thành lập Sàn giao dịch nợ; thành lập Câu lạc bộ xử lý nợ và được Hiệp hội Ngân hàng chấp thuận. Bức tranh của thị trường mua bán nợ, xử lý nợ xấu có thể phác thảo qua các ý sau:

Thứ nhất, có 5 nhóm chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ gồm khoảng gần 30 Công ty quản lý tài sản, mua bán nợ (AMCs) trực thuộc các ngân hàng thương mại, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), VAMC, tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác được thực hiện hoạt động kinh doanh mua, bán nợ. Tuy nhiên, hoạt động mua bán nợ trên thị trường hiện tại chủ yếu tập trung vào DATC và VAMC.

Hiện nay, chính sách, khuôn khổ pháp lý quy định điều chỉnh hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, mà nằm rải rác tại các văn bản khác nhau, bao gồm các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của các Bộ, ngành. Do đó, mỗi một nhóm đối tượng có văn bản quy phạm pháp luật khác nhau điều chỉnh hoạt động mua bán nợ của nhóm đối tượng đó nên các quyền và nghĩa vụ của các nhóm đối tượng cũng có quy định khác nhau.

Thứ haihệ thống thông tin về hàng hóa và các chủ thể tham gia còn thiếu, chưa được chuẩn hóa và chưa có một đơn vị làm đầu mối thu thập, phân loại, xác thực và quản lý thông tin. Các tổ chức định giá còn thiếu kinh nghiệm, chưa có đầy đủ thông tin, cơ sở pháp lý trong việc xác định giá trị khoản nợ xấu, giá khởi điểm của khoản nợ xấu (qua thực tế các khoản nợ VAMC đã mua theo giá trị thị trường, việc xác định giá trị khoản nợ xấu vẫn dựa chủ yếu vào giá trị tài sản bảo đảm - TSBĐ).

Hoạt động của các tổ chức bán đấu giá chưa chuyên nghiệp, đa phần có quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm bán đấu giá khoản nợ xấu. Số doanh nghiệp thực chất hoạt động chuyên nghiệp về bán đấu giá tài sản trong tổng số doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản là rất ít. Phần lớn doanh nghiệp còn lại có đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản nhưng trên thực tế chưa thực hiện phiên đấu giá nào.

Thứ ba, việc mua bán nợ được thực hiện chủ yếu thông qua phương thức hợp đồng, nghĩa là bên mua nợ và bên bán nợ ký kết hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ đối với một hoặc một số khoản nợ cụ thể. Ngoài phương thức này, hiện chưa có cơ chế chuyển các khoản nợ thành một loại hàng hoá có thể chuyển nhượng/giao dịch dễ dàng. Thực tế, tại một số thị trường mua bán nợ phát triển, "chứng khoán hoá" được sử dụng để biến các khoản nợ, đặc biệt là nợ xấu thành chứng khoán phát hành cho nhà đầu tư, qua đó để giải quyết nợ xấu một cách hiệu quả và tạo điều kiện phát triển cho thị trường mua bán nợ.

Sàn giao dịch nợ của VAMC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình xử lý, mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu sẽ thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước

Trong quá trình thực hiện hoạt động mua bán nợ, những vướng mắc lớn nhất mà VAMC gặp phải là gì, thưa ông?

Bên cạnh các thuận lợi do được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, hoạt động mua bán nợ của VAMC trong thời gian qua gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Theo lộ trình tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/07/2017, đến năm 2020, VAMC được tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn mua nợ xấu theo giá trị thị trường, bổ sung cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và nâng cao năng lực tài chính, uy tín thị trường nhằm triển khai việc mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường có hiệu quả. Tuy nhiên đến ngày 27/11/2019, VAMC mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1699/QĐ-TTg. Nguồn lực tài chính còn hạn chế đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, mà trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường.

Mặc dù Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, VAMC nhận thấy còn một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý nợ như: Thu giữ TSBĐ, áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án, thi hành án, chính sách thuế chưa hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý TSBĐ thu hồi nợ xấu, định giá khoản nợ để mua nợ theo giá trị thị trường...

Mặt khác, trong bối cảnh dịch COVID-19, tăng trưởng bị tác động tiêu cực bởi nhiều yếu tố và đang có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực, thu nhập của người lao động có xu hướng giảm, dự kiến nợ xấu tại các TCTD sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Đối với VAMC, thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh khiến cho các hoạt động nghiệp vụ của VAMC bị gián đoạn. Công ty buộc phải thay đổi hình thức thực hiện từ trực tiếp sang trực tuyến, gặp không ít khó khăn trong hoạt động mua bán nợ (khảo sát tài sản, làm việc với các nhà đầu tư, khách hàng…) cũng như quá trình tổ chức, thực hiện đấu giá tài sản. Công tác thu hồi nợ thông qua khởi kiện, thi hành án  bị ảnh hưởng ít nhiều do việc tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết. Hoạt động kiểm tra công tác ủy quyền tại các TCTD cũng bị hạn chế do dịch bệnh. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nguồn thu và dòng tiền của khách hàng, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý thu hồi nợ của VAMC.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin!

Theo Diễm Ngọc - Hồng Minh

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên