MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 23/5: Giá dầu quay đầu giảm 2%, vàng bật tăng trở lại

23-05-2020 - 08:02 AM | Thị trường

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng kéo thị trường chứng khoán và giá dầu giảm. Chốt phiên giao dịch ngày 22/5, giá dầu, đồng, thép và cao su đồng loạt giảm, vàng bật tăng trở lại, giá quặng sắt có tuần tăng mạnh nhất hơn 8 tháng.

Giá dầu giảm

Giá dầu giảm khoảng 2% do căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và mối hoài nghi về nhu cầu nhiên liệu sẽ phục hồi từ khủng hoảng virus corona.

Chốt phiên giao dịch ngày 22/5, dầu thô Brent giảm 93 US cent tương đương 2,6% xuống 35,13 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 67 US cent tương đương 2% xuống 33,25 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá dầu Brent và dầu thô Mỹ tăng 8% và 13% theo thứ tự lần lượt. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu giảm hơn 40%.

Nhu cầu nhiên liệu giảm trong nhiều tháng gần đây do đại dịch khiến các chính phủ áp đặt các hạn chế đối với việc di chuyển và doanh nghiệp đóng cửa. Tuy nhiên, giá dầu đã tăng mạnh trong những ngày gần đây do hoạt động bắt đầu hoạt động trở lại. Giá dầu giảm trở lại sau khi Trung Quốc – lần đầu tiên – không đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm. Bắc Kinh cũng cam kết chi tiêu chính phủ nhiều hơn do đại dịch ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Giá khí tự nhiên tăng

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng do dự báo thời tiết ấm hơn và nhu cầu làm mát trong 2 tuần tới tăng và sản lượng tiếp tục giảm.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York tăng 2,1 US cent tương đương 1,2% lên 1,731 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng 6% sau khi giảm 10% trong tuần trước đó.

Giá vàng tăng

Giá vàng tăng do căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng làm dấy lên mối lo ngại nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại từ đại dịch virus corona.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,6% lên 1.735,08 USD/ounce, sau khi giảm 1,4% trong phiên trước đó và có tuần giảm và vàng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York tăng 0,8% lên 1.735,5 USD/ounce.

Đồng thời, giá palađi giảm 3,3% xuống 1.947,17 USD/ounce, song có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.

Giá đồng giảm

Giá đồng giảm do lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung mới sẽ tiếp tục gây thiệt hại đối với nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,9% xuống 5.287,5 USD/tấn. Trong phiên trước đó giá đồng đạt mức cao nhất 10 tuần, sau khi tăng 20% kể từ mức thấp nhất 45 tháng trong ngày 19/3/2020.

Mối lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại cơ bản lớn nhất thế giới – khiến giá giảm sau khi nước này lần đầu tiên không đưa ra mục tiêu tăng trưởng hàng năm. Tuy nhiên, Trung Quốc đưa ra mục tiêu ngân sách trong cuộc họp quốc hội thường niên bao gồm kích thích tài khóa tương đương khoảng 4,1% GDP.

Giá quặng sắt có tuần tăng mạnh nhất hơn 8 tháng, thép giảm

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 8 liên tiếp và có tuần tăng mạnh nhất trong hơn 8 tháng, do nhu cầu nội địa tăng mạnh và nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép từ Brazil thắt chặt, đẩy giá quặng sắt giao ngay lên mức cao nhất 9 tháng.

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,8% lên 716,5 CNY (100,53 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 9,2% - tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 9/2019.

Trong khi đó, giá quặng sắt trên sàn Singapore giảm 1,1% xuống 94,5 USD/tấn.

Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng phiên thứ 4 liên tiếp lên 98,7 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 6/8/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Nhu cầu quặng sắt thị trường nội địa tăng và kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, thúc đẩy giá quặng sắt kỳ hạn và giao ngay tăng.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,1%, giá thép cuộn cán nóng giảm 1,2% và thép không gỉ giảm 2,2%.

Giá cao su giảm

Giá cao su tại Tokyo giảm do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung về việc áp dụng luật mới tại Hồng Kông và Bắc Kinh bỏ qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn TOCOM giảm 4 JPY tương đương 2,6% xuống 150,5 JPY/kg, ngày giảm mạnh nhất kể từ ngày 21/4/2020. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 1% - tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 2,6% xuống 10.190 CNY/tấn.

Giá đường và cà phê diễn biến trái chiều

Giá đường giảm sau khi đạt mức cao nhất gần 2 tháng trong phiên trước đó, với giá dầu thô giảm do căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và mối hoài nghi về tốc độ hồi phục nhu cầu sau cuộc khủng hoảng virus corona.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE giảm 0,05 US cent tương đương 0,5% xuống 10,93 US cent/lb, trong phiên trước đó đạt 11,32 US cent/lb, cao nhất kể từ cuối tháng 3/2020. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn London tăng 1,6 USD tương đương 0,4% lên 366,9 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE giảm 1,15 US cent tương đương 1,1% xuống 1,036 USD/lb. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 18 USD tương đương 1,5% lên 1.207 USD/tấn.

Giá đậu tương và lúa mì giảm, ngô tăng

Giá lúa mì tại Mỹ giảm sau khi tăng 3 phiên liên tiếp khi đồng USD tăng gây bất lợi cho thị trường xuất khẩu và dự báo mưa tại khu vực Plains Mỹ đã hỗ trợ năng suất cây trồng.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 1-3/4 US cent xuống 8,33-1/4 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 7-1/4 US cent xuống 5,08-3/4 USD/bushel. Trong khi, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 1/4 US cent lên 3,18 USD/bushel, sau khi chạm mức thấp nhất hơn 1 tuần.

Giá dầu cọ giảm

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm song có tuần tăng 3%, do hoạt động bán ra chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Eid cuối tuần và dự báo sản lượng dầu cọ trong tháng 5/2020 tăng cao.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 51 ringgit tương đương 2,31% xuống 2.156 ringgit/tấn.

Giá dầu cọ tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 20/4/2020 trong phiên trước đó và có tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 23/5

Thị trường ngày 23/5: Giá dầu quay đầu giảm 2%, vàng bật tăng trở lại - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên