MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 26/9: Giá dầu, vàng, quặng sắt và thép đồng loạt giảm, trong khi mặt hàng nông sản tăng cao

26-09-2020 - 09:27 AM | Thị trường

Chốt phiên giao dịch ngày 25/9, giá dầu, khí tự nhiên, vàng, bạc và bạch kim đồng loạt giảm, trong khi các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng.

Giá dầu giảm

Giá dầu giảm và có tuần giảm hơn 2% do các trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng và nguồn cung dầu dự kiến sẽ tăng trong những tuần tới.

Chốt phiên giao dịch ngày 25/9, dầu thô Brent giảm 2 US cent xuống 41,92 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 6 US cent xuống 40,25 USD/thùng. Tính chung cả tuần dầu Brent giảm 2,9% và dầu WTI giảm 2,1%.

Giá dầu chịu áp lực giảm, khi mức tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ vẫn giảm do đại dịch hạn chế việc đi lại và cản trở sự phục hồi kinh tế. Nhu cầu xăng trung bình 4 tuần trong tuần trước giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Ấn Độ, sản lượng của nhà máy lọc dầu trong tháng 8/2020 giảm 26% so với tháng 8/2019 – giảm mạnh nhất trong 4 tháng, do nhu cầu giảm bởi đại dịch cản trở hoạt động công nghiệp và vận tải.

Đồng thời, ngày càng nhiều dầu thô thâm nhập vào thị trường toàn cầu thúc đẩy nguồn cung tăng và kéo giá giảm. Số giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng 6 lên 261 trong tuần tính đến ngày 25/9/2020.

Libya mới đây cũng thúc đẩy sản xuất và Shell RDSa.L tạm thời đặt tàu chở dầu đầu tiên cập cảng Zueitina Libya kể từ tháng 1/2021. Xuất khẩu dầu của Iran tăng mạnh trong tháng 9/2020, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Giá khí tự nhiên giảm

Giá khí tự nhiên tại Mỹ có tuần giảm gần 5%, khi giá giao ngay tiếp tục giảm mạnh hơn so vói giá kỳ hạn, do dự báo nhu cầu trong 2 tuần tới giảm hơn so với dự kiến.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn New York giảm 10,9 US cent tương đương 4,8% xuống 2,139 USD/mmBTU. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2020 giảm 9 US cent xuống 2,81 USD/mmBTU.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng 4% sau khi giảm hơn 10% trong ngày 21/9/2020 và tăng gần 16% trong ngày 23/9/2020.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn suy giảm bất chấp dự báo xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng, doanh số bán sang Mexico đạt mức cao kỷ lục và sản lượng hàng ngày giảm xuống mức thấp nhất 25 tháng.

Giá vàng giảm, bạch kim và bạc có tuần giảm mạnh nhất 6 tháng

Giá vàng giảm và dao động gần mức thấp nhất 2 tháng, khi các nhà đầu tư tìm kiếm đồng USD là tài sản trú ẩn an toàn, bởi các trường hợp nhiễm virus corona tăng và không chắc chắn về các biện pháp kích thích tiếp theo của Mỹ để trợ giúp nền kinh tế.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,2% xuống 1.864,39 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 0,6% xuống 1.866,3 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 4,4% - tuần giảm mạnh nhất trong ít nhất 6 tuần, do đồng USD có tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 4/2020.

Đồng USD tăng mạnh khiến hàng hóa được định giá bằng USD như vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng đơn vị tiền tệ khác.

Đồng thời, giá bạch kim giảm 0,1% xuống 847,81 USD/ounce và giá bạc giảm 0,8% xuống 23,02 USD/ounce. Cả hai có tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 20/3/2020.

Giá đồng duy trì vững

Giá đồng duy trì vững sau khi chạm mức thấp nhất 1 tháng trong phiên trước đó, khi thị trường chờ đợi số liệu kinh tế để làm sáng tỏ triển vọng tăng trưởng và nhu cầu, các kế hoạch kích thích để thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Giá đồng trên sàn London tăng 0,2% lên 6.535 USD/tấn. Trong phiên trước đó, giá đồng giảm xuống 6.449 USD/tấn – thấp nhất 1 tháng.

Số liệu sản xuất – một chỉ số quan trọng về nhu cầu kim loại công nghiệp của nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc sẽ được công bố vào tuần tới.

Giá quặng sắt có tuần giảm mạnh nhất gần 7 tháng, thép giảm

Giá quặng sắt tại Trung Quốc có tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 28/2/2020, do công suất sản xuất tại các nhà máy thép giảm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu suy yếu.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 0,2% xuống 765 CNY (112,28 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt giảm 4,8%.

Gia tăng mối lo ngại về nhu cầu sau khi công suất sản xuất tại 163 lò cao của các nhà máy thép Trung Quốc giảm xuống 84,22% tính đến ngày 25/9/2020, thấp nhất kể từ tháng 5/2020 và các nhà máy thép giảm sản lượng do nhu cầu trong những tháng tới giảm.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,7% xuống 3.522 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 0,3% xuống 3.660 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 1,1% lên 14.330 CNY/tấn.

Giá cao su tuần tăng thứ 2 liên tiếp

Giá cao su trên sàn Osaka có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, do lo ngại nguồn cung thắt chặt thúc đẩy hoạt động mua vào mới, trong khi thị trường chứng khoán Tokyo hồi phục cũng hỗ trợ thị trường.

Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn OSE tăng 4 JPY lên 186,8 JPY (1,77 USD)/kg so với giá mở cửa 182,8 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 0,4%.

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn OSE hết hiệu lực trong ngày 24/9/2020 ở mức 217,9 JPY/kg.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 265 CNY lên 12.635 CNY (1.854 USD)/tấn.

Giá cà phê tăng

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn ICE tăng 2,5 US cent tương đương 2,2% lên 1,1365 USD/lb, hồi phục từ mức thấp nhất 2 tháng (1,0905 USD/lb) trong ngày 23/9/2020. Tính chung cả tuần, giá cà phê Arabica tăng 0,57%, sau khi giảm 14% trong tuần trước đó.

Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London tăng 6 USD tương đương 0,4% lên 1.358 USD/tấn.

Giá đường tăng

Giá đường tăng do các nhà sản xuất bán ra hạn chế.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 0,14 US cent tương đương 1% lên 13,51 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng (13,57 US cent/lb) trong ngày 23/9/2020. Tính chung cả tuần, giá đường tăng 0,67%.

Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn London tăng 2,3 USD tương đương 0,6% lên 376,5 USD/tấn.

Đại dịch virus corona cắt giảm tiêu thụ đường toàn cầu thêm 2,5 triệu tấn trong năm 2019/20 (từ tháng 10 đến tháng 9/2020), song sẽ hồi phục trong năm tới, các nhà phân tích thuộc S&P Global Platts cho biết. Dự kiến giá đường sẽ tăng lên 14,5 US cent/lb trong năm tới.

Marex Spectron cho biết, sản lượng đường Thái Lan – nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới – sẽ đạt 7,3 triệu tấn trong niên vụ tới, giảm so với 8,3 triệu tấn niên vụ này. Sản lượng mía đường Thái Lan niên vụ 2019/20 chạm mức thấp nhất 1 thập kỷ.

Giá đậu tương và ngô tăng, lúa mì giảm

Giá ngô và đậu tương tại Chicago tăng sau 4 phiên giảm liên tiếp, do hoạt động mua vào kiếm lời. Trong khi đó, giá lúa mì giảm do đồng USD tăng khiến nguồn cung của Mỹ trở nên đắt hơn đối với khách mua hàng.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 2-1/2 US cent lên 10,02-1/2 USD/bushel, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 1-3/4 US cent lên 3,65-1/4 USD/bushel, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 5-1/2 US cent xuống 5,44-1/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá đậu tương giảm 4,1% - tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 3/2020, giá ngô giảm 3,6% - tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 4/2020 và giá lúa mì giảm 5,4%.

Giá dầu cọ tăng 1%

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng 1% do lũ lụt nghiêm trọng tại nước sản xuất hàng đầu – Indonesia – dấy lên mối lo ngại nguồn cung, song giá dầu cọ có tuần giảm mạnh nhất trong gần 7 tháng, theo xu hướng giá dầu thực vật trên sàn Đại Liên suy yếu.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 29 ringgit tương đương 1,05% lên 2.786 ringgit (668,91 USD)/tấn, sau khi giảm 4 phiên liên tiếp. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 9,5% - tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 28/2/2020.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 26/9

Thị trường ngày 26/9: Giá dầu, vàng, quặng sắt và thép đồng loạt giảm, trong khi mặt hàng nông sản tăng cao - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên