MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cái duyên” của một doanh nhân Mỹ gắn với BĐS cao cấp Việt Nam

Quan điểm của doanh nhân này về tạo lập thị trường cho người giàu là rất tiềm năng, nhiều công ty nước ngoài "chỉ bước chậm lại" chứ không hề rút lui khỏi thị trường Việt Nam.

Bất động sản Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hơn 4000 dự án với trên 4 triệu tỷ đồng được đăng ký đầu tư, trong đó có không ít dự án là sản phẩm cao cấp ngang tầm quốc tế.

Theo thống kê của công ty tư vấn và quản lý bất động sản CBRE, có khoảng 20% trong tổng số lượng cung căn hộ là thuộc nhóm cao cấp. Nhiều nhà phát triển bất động sản trong nước cũng đã nhận thấy tiềm năng phân khúc và đang đẩy mạnh đầu tư như Vingroup, Tân Hoàng Minh, Trung Thủy Group, Refico… với nhiều dự án lớn nhỏ.

Tuy nhiên, câu chuyện phát triển bất động sản cao cấp tại Việt Nam đầu tiên lại là một doanh nhân Mỹ, đó là Peter Ryder, CEO của Tập đoàn Indochina Capital. Chuyện đầu tư bất động sản cao cấp của Peter Ryder cho đến nay vẫn còn nhiều điều khiến giới địa ốc bất ngờ.

Bén duyên từ tòa nhà 63 Lý Thái Tổ

Giới đầu tư địa ốc kể lại, ngay từ năm 1992 ông đã nhắm tới Việt Nam để lập nghiệp. Trước đó, ông đã từng làm giám đốc phụ trách bất động sản khu vực châu Á –Thái Bình Dương của một ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ, nhưng ông đã quyết định rời bỏ công việc để tìm cơ hội mới cho mình.

Vào những năm đầu thập niên 90, với con mắt nhà nghề Peter Ryder đã nhận thấy ngay cơ hội. Và ông bắt đầu bén duyên với bất động sản Việt Nam từ đó với tòa nhà văn phòng hạng A 63 Lý Thái Tổ (đối diện Nhà hát lớn, bên cạnh khách sạn Metropole có lịch sử hàng 100 năm). Một vị trí mà cho đến nay không một tòa nhà văn phòng nào có thể cạnh tranh được, luôn đạt công suất thuê cao cho dù có khủng hoảng tài chính.

Ông đã đưa Manolis & Company Asia, thành viên của tập đoàn phát triển bất động sản nổi tiếng thế giới là Jardines Matheson đến Việt Nam, lập liên doanh với một công ty của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xây dựng tòa nhà hạng A này. Sau này,  Peter đã nói rằng dự án 63 Lý Thái Tổ “quả là một cột mốc của ngành bất động sản Việt Nam theo đúng nghĩa của nó".

Cái duyên với bất động sản tiếp tục theo đuổi Peter khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào năm 1995,  mở ra nhiều cơ hội lớn đang ở phía trước. Cùng với đó, Luật Đầu tư nước ngoài được sửa đổi vào năm 1996 đã có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Peter Ryder đã nhạy bén nắm lấy cơ hội bằng cách cùng với người bạn Rick Mayo Smith sáng lập Indochina Capital vào năm 1999. Con đường phát triển bất động sản cao cấp tại Việt Nam từ đó đã thực sự là cái duyên đối với doanh nhân người Mỹ thầm lặng này cho đến nay đã hơn 20 năm (kể từ năm 1992).

Tạo thị trường cho giới nhà giàu vẫn nhiều tiềm năng

Điểm nhấn đáng kể nhất đến vào năm 2005, khi Indochina Capital huy động thành công 42 triệu USD đầu tiên cho quỹ Indochina Land Holdings để đầu tư vào các dự án bất động sản tại Việt Nam, mở đường cho việc huy động tiếp 265 triệu USD khác cho quỹ bất động sản thứ hai sau đó. Indochina Land sau đó đã ra đời để đầu tư chuyên vào bất động sản cao cấp Việt Nam.

Khởi đầu với việc đầu tư vào mảnh đất ven biển Đà Nẵng để tạo nên khu nghỉ dưỡng The Nam Hải, Indochina Land đã tiến hành hàng loạt những dự án đình đám khác tại Việt Nam như Indochina Riverside TowersHyatt Regency Danang, Montgomerie Links Vietnam, Six Senses Condao và Indochina Plaza Hanoi…

Nhìn nhận về tiềm năng của bất động sản cao cấp, Peter cho rằng một căn biệt thự The Nam Hải hiện chỉ có giá 2,5 triệu USD, nhưng với sản phẩm tương tự ở Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia) thì có giá lên tới 15 triệu USD. Tương tự, một căn hộ cao cấp ở một số thành phố khác trong khu vực có chất lượng như căn hộ Indochina Plaza Hanoi có giá khoảng 20.000 USD/m2 thì ở Hà Nội chỉ có giá khoảng 2.800 – 3000 USD/m2… Điều đó chứng tỏ tiềm năng sản phẩm cao cấp ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Ông đánh giá: “Khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới sẽ thu hẹp trong 10-20 năm. Nếu tạo ra một thị trường cho người giàu có, thì bạn sẽ thấy đây là thị trường tiềm năng rất lớn, với sản phẩm được đầu tư tốt, giá hợp lý, đặc biệt khi Việt Nam mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà.”

Bất động sản cao cấp vẫn là ưu tiên

Ngay cả khi thị trường không thuận lợi, Peter vẫn lạc quan và cho rằng cơ hội vẫn rất nhiều. Tháng 10 qua, dự án biệt thự cao cấp tại quận 9, TP HCM của Indochina Land, một dự án mà ông đã mua lại từ một đối tác trong nước khi thị trường khó khăn, đã khởi động thăm dò thị trường với những thành công vượt mong đợi. Đúng như người xưa có câu “khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác”, bằng kinh nghiệm của mình công ty ông đã tạo nên một khu biệt thự hoàn toàn khác biệt, và đã cuốn hút được giới nhà giàu TP.HCM. và cả Hà Nội.

Một khu Tổ hợp bất động sản cao cấp khác cũng đang được Indochina Land “nhắm” cho năm 2015 tại Hà Nội. Bên cạnh đó, ông Peter Ryder cũng cho biết,  hiện Indochina  Land hiện cũng đang “thảo luận nghiêm túc với ít nhất hai tập đoàn trong nước về cơ hội hợp tác đầu tư vào dự án này.”

Nhận định về tương lại mảng bất động sản cao cấp, Peter cho rằng cơ hội có nhưng cạnh tranh sẽ tăng mạnh hơn. Thực tế thì vẫn còn đó những tập đoàn mạnh trong nước, những công ty nước ngoài như Keppel Land, CapitaLand, Hong Kong Land… đã không hề rút khỏi Việt Nam mà chỉ “cố tình bước chậm lại”, trong khi sự lớn mạnh của các nhà đầu tư trong nước là rất đáng chú ý.

Gia Bảo

thuatkv

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên