MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chung cư Nàng Hương bị dân “tố”

Sau các cư dân ở chung cư cao cấp, đến lượt người dân sống tại các khu chung cư “bình dân” hơn cũng đã lên tiếng tố cáo chủ đầu tư vi phạm hàng loạt các quy định do UBND TP Hà Nội ban hành.

Không sổ đỏ, không được quản lý hành chính, không nơi sinh hoạt cộng đồng và mức phí trông xe quá cao so với quy định… Mới đây nhất, hơn 100 hộ gia đình ở Trung tâm Thương mại dịch vụ và nhà ở Nàng Hương đã đồng loạt ký vào đơn gửi các cơ quan chức năng và báo chí, đề nghị bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

Có nhà những vẫn bơ vơ giữa Thủ đô…

Đây là một thực tế trái khoáy của gần 200 hộ dân đang sinh sống tại Khu nhà ở thương mại và dịch vụ Nàng Hương thuộc phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Khu nhà ở thương mại và dịch vụ Nàng Hương (chung cư Nàng Hương) do Công ty Cổ phần xây lắp điện I (PCC I) làm chủ đầu tư, được khánh thành và bắt đầu bàn giao nhà từ tháng 6/2010.

Nhà mới, nhưng những người dân sống tại khu chung cư này lại không một ngày vui vẻ bởi hàng loạt những quyền lợi của họ đã bị chủ đầu tư và đơn vị quản lý tòa nhà phớt lờ, khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng. Rất nhiều người dân khi gặp chúng tôi đã bày tỏ bức xúc, mặc dù họ đã về sinh sống tại đây được hơn 1 năm, và theo như Chủ đầu tư và Công ty Nàng Hương cho biết, họ thuộc Tổ dân cư số 12, phường Văn Quán, quận Hà Đông. Nhưng trong thực tế, họ lại đang “bơ vơ” giữa Thủ đô. Gần 200 hộ dân sống lầm lũi, cả năm trời không được họp phố, không sinh hoạt chính quyền, đoàn thể, học sinh nghỉ hè không biết sinh hoạt ở đâu dù có hộ khẩu tại nơi cư trú.

Dù trong hợp đồng khi mua nhà có ghi rõ, người dân sẽ được hưởng các dịch vụ, trong đó có phòng sinh hoạt cộng đồng nhưng thực tế, đã hơn một năm sau khi toà nhà chính thức được bàn giao, gần 200 hộ dân cùng hàng trăm nhân khẩu của 2 tòa nhà CT1, CT2 chưa hề được bố trí Phòng sinh hoạt cộng đồng cũng như nơi tổ chức các hoạt động tập thể khác. Khi họ cử đại diện xuống đòi quyền lợi thì Cty Nàng Hương chỉ lên bảo hỏi Chủ đầu tư; viết đơn gửi Chủ đầu tư thì tất cả lại rơi vào im lặng!? Không có nơi cho người dân sinh hoạt cộng đồng nhưng tòa nhà có 2 tầng kỹ thuật tại nhà CT1 và tầng áp mái nhà CT2, nhưng hiện nay đều bị Chủ đầu tư lại cho thuê làm văn phòng, dịch vụ để thu lợi.

Chưa kể, các hộ dân cư trong hai tòa nhà CT1 và CT2 đã nộp toàn bộ giấy tờ và tiền theo yêu cầu của chủ đầu tư để làm “sổ đỏ” từ tháng 1. Đến nay đã gần một năm nhưng họ vẫn chưa nhận được sổ và cũng không hề nhận được sự giải thích của chủ đầu tư. Chưa nói việc thu tiền mỗi căn hộ 4,5 triệu phí đo đạc thẩm định diện tích căn hộ đúng hay sai, nhưng cũng theo người dân, nhiều gia đình đến tận thời điểm này cũng chẳng thấy cơ quan có trách nhiệm đến đo. Chị Vũ Thu Hà, nhà CT1 đã rất bức xúc nói: “Trong khi người dân thực hiện đúng thông báo, nhưng Chủ đầu tư lại không thực hiện đúng cam kết và không có bất kì sự giải thích cho sự chậm chễ này”.

Khi đơn vị quản lý tòa nhà đặt lợi ích của mình trên lợi ích người dân

Đặc biệt, Cty Nàng Hương ngang nhiên thu phí trông giữ xe máy cao quá qui định hiện hành của UBND TP Hà Nội, khi áp dụng phí trông giữ xe máy từ 80.000đ (đối với xe số) và 100.000 đồng/tháng (đối với xe ga). Theo qui định thì mức phí trông giữ xe máy trên địa bàn quận Hà Đông là 45.000 đ/tháng. Như vậy, mức phí này cao gấp đôi so với quy định. Tiền nước cũng bị Công ty Nàng Hương thu lên đến gần 5.000 đồng/m3, cao hơn mức giá nước của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông (đơn vị đang cung cấp nước sạch cho quận Hà Đông, trong đó có Chung cư Nàng Hương).

Thu phí cao hơn quy định, nhưng phần diện tích hầm, diện tích sinh hoạt chung như lòng đường, vỉa hè… lại bị Công ty Nàng Hương chiếm dụng, nhận trông thêm xe máy, ô tô của các hộ dân bên ngoài. “Tôi bỏ cả mấy tỷ đồng mua nhà của mình mà không khác gì đang phải đi thuê - điều này là vô lý và không thể chấp nhận”, anh Nguyễn Khắc Dũng, sống ở tòa nhà CT1 bất bình nói. Đã rất nhiều lần người dân có đơn kiến nghị và muốn Công ty Nàng Hương có cuộc tiếp xúc, trao đổi thẳng thắn với đại diện cư dân sinh sống tại khu chung cư này để tìm tiếng nói chung nhưng đều không được đáp ứng.

Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc các chủ đầu tư thường xuyên quên lợi ích của người dân bắt nguồn từ chính lợi nhuận của họ. Theo ông Liêm, khi chủ đầu tư đầu tư một chung cư (cao cấp hay trung bình khá), giá mỗi mét vuông nhà từ tầng hầm để xe, siêu thị, văn phòng (thường là 2 tầng hầm và 5 tầng nổi) đã chia đều cho mỗi mét vuông của căn hộ để tính ra giá bán cho khách hàng.

Như vậy, việc bỏ tiền ra mua mỗi mét vuông chung cư từ 30 đến 45 triệu đồng là các khách hàng cũng đã góp tiền đầu tư vào các công trình dịch vụ của tòa nhà như tầng hầm để xe, thang máy, hệ thống chữa cháy, các khu đất công cộng xung quanh tòa nhà… Tuy nhiên, khi thu các loại phí dịch vụ cho thuê văn phòng, siêu thị, ki ốt kinh doanh, phí trông giữ xe… thì chủ đầu tư đã không bóc tách các khoản tiền này ra. Lẽ ra, chủ đầu tư chỉ được thu phí đảm bảo chi trả cho việc thuê lực lượng làm dịch vụ và bộ máy vận hành của chung cư, chứ không được tính phí theo kiểu coi các công trình hạ tầng là hoàn toàn của mình, muốn định mức phí bao nhiêu cũng được

Theo Chi Linh
Công An Nhân Dân

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên