MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia nói gì về cuộc đua “xuất khẩu BĐS tại chỗ”?

Đối với các chuyên gia trong ngành BĐS, xây dựng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường dù dưới hình thức nào cũng là việc làm cần thiết. Đây là yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế.

Tóm tắt

- Việc “tháo khoán” điều kiện thuận lợi cho Việt kiều mua nhà theo Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) không chỉ giúp cho thị trường này có thêm nguồn lực tài chính nước ngoài để phát triển, mà cuộc đua “xuất khẩu BĐS tại chỗ” ở Việt Nam đang bước vào hồi nóng bỏng.

- Đối với các chuyên gia trong ngành BĐS, xây dựng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường dù dưới hình thức nào cũng là việc làm cần thiết. Đây là yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế.


Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, dù là Việt kiều hay người nước ngoài đều có nhu cầu an cư lạc nghiệp. “Việc mua một hay một vài căn nhà tại Việt Nam để sinh sống, làm việc là nhu cầu tất yếu của họ nhưng hiện luật pháp chúng ta đòi hỏi quá nhiều chỉ tiêu, giấy tờ thủ tục khiến họ chưa mua nhà đã thấy mệt. Mở các điều kiện này ra để người nước ngoài có thể mua được nhà tại Việt Nam là đúng, điều này phần nào tạo thêm sức mua cho hàng loạt căn hộ phân khúc cấp cao đang dư thừa tại Việt Nam”, ông Thành nói.

Còn ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định: “Đối với Việt kiều phải đối xử với họ như người trong nước về vấn đề sở hữu nhà, tuy nhiên cần gỡ điểm vướng mắc ở đây là nới lỏng việc kiểm soát nguồn gốc Việt kiều vì nhiều bà con đã mất giấy tờ. Còn đối với người nước ngoài cần mở rộng các điều kiện mua nhà, nhưng chỉ nên cho phép họ mua nhà ở chất lượng cao, ví dụ những sản phẩm có mức giá từ 30 triệu đồng/m2 trở lên”.

Trong cuộc trao đổi mới đây, ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc Dự án thuộc Công ty Savills Việt Nam, cứ nhắc đi nhắc lại cụm từ “xuất khẩu BĐS tại chỗ” vì theo ông, đây là quá trình giúp cho Việt Nam thu hút một nguồn vốn FDI từ bên ngoài cực kỳ lớn. Điển hình như Hongkong (Trung Quốc), sau hàng chục năm phát triển bằng con đường thu hút nguồn lực, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Hoa kiều và người nước ngoài đầu tư cũng như sở hữu nhà, giờ đây HongKong được xem là một điển hình của mô hình “xuất khẩu BĐS tại chỗ”.

“Lý do vì sao Singapore đang là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư bất động sản ngoại cũng nhờ vào các chính sách xuất khẩu BĐS tại chỗ của nước này rất thông thoáng, không quy định chặt chẽ về thời gian sở hữu nhà đất”, ông Khương nói thêm.

Cũng theo ông Khương, tại Việt Nam hiện đang xuất hiện một xu hướng được xem là không tốt cho thị trường BĐS khi rất nhiều tập đoàn kinh doanh BĐS thế giới đến Việt Nam quảng bá, giới thiệu dự án đầu tư tại nước họ với những ưu đãi cực lớn, đặc biệt là được cấp thẻ xanh để trở thành công dân nước đó. Như vậy, nguồn lực tài chính trong nước vẫn dồi dào, có thể chảy ra nước ngoài theo dạng đầu tư này.

“Chúng ta có tiềm lực, chúng ta có thị trường và Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư nước ngoài, Việt Kiều tri thức. Tuy nhiên, chỉ vì chính sách quá nhiêu khê, vẫn còn những e ngại nào đó mà vẫn chưa mở cửa cho đối tượng này đầu tư vào Việt Nam”, ông Khương nhấn mạnh.

Đối với các chuyên gia trong ngành BĐS, xây dựng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường dù dưới hình thức nào cũng là việc làm cần thiết. Đây là yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế. Nhưng việc làm đó vẫn phải đáp ứng được các yếu tố cơ bản như: bảo đảm an ninh quốc phòng và không làm ảnh hưởng tới cơ hội được mua nhà ở của dân.

Tuy nhiên, khi các quy định siết chặt Việt kiều mua nhà đã được tháo, nhiều luồng ý kiến cho rằng việc cho người nước ngoài mua nhà sẽ khiến giá nhà đất trong nước bị đội lên, một số phân khúc nhà sẽ có nhiều biến động về giá theo chiều hướng tăng. Nhưng trên thực tế, từ trước đến nay, khi quy định trên chưa được đề cập đến thì việc biến động giá vẫn như một “hàn thử biểu”.

Vấn đề ở đây là, theo như lời của ông Lê Hoàng Châu, đó không phải là vấn đề quan trọng, bởi vì thị trường có quy luật riêng của thị trường. Vậy cứ hãy để thị trường tự điều tiết chứ đừng can thiệp quá nhiều bằng các chính sách kiềm chế.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hà Nội, cũng cho rằng phải sớm tháo mọi ràng buộc để người nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng sở hữu nhà cửa tại Việt Nam. Tuy nhiên, phải nhìn nhận ở đây là vấn đề chúng ta phải có cách điều tiết làm sao để đừng mất cán cân cung – cầu và phải hết sức minh bạch thông tin. Thị trường càng minh bạch thì lòng tin của khách hàng càng cao và nguồn vốn bên ngoài mới chảy vào.

Theo ông Đoàn Chí Thanh, tổng Giám đốc Công ty Hoàng Anh Sài Gòn, hiện tại nhiều doanh nghiệp địa ốc đang có chiến lược “bung” sản phẩm mới để đón đầu cơ hội sau khi hai bộ luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực thi hành. Một điều chúng ta chắc chắn nhận thấy rõ là thị phần các phân khúc nhà ở của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, trong đó nguồn tiền từ Việt kiểu hay nhà đầu tư ngoại “đổ” vào thị trường cũng tăng cao theo.

Ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Long, cho rằng để đón đầu những cơ hội này, không riêng gì Phú Long Land mà tôi cho rằng tất cả các doanh nghiệp tham gia vào thị trường BĐS này đều đã có những nhận thức cụ thể và xây dựng từng đối sách riêng để tăng tính cạnh tranh trong một giai đoạn mới.

Đi kèm với những cơ hội mới thì mọi doanh nghiệp BĐS đều phải đối mặt với nhiều thách thức, vì sẽ có sự cạnh tranh rất quyết liệt trên thị trường. Vì hiện nay mọi vấn đề liên quan đều không thuộc về bất kỳ một công ty nào, mà đây đang là một sân chơi rộng lớn và tạo cơ hội cho tất cả doanh nghiệp.

Đăng Khôi

Kiều Thuật

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên