MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội mua bán, sáp nhập doanh nghiệp xây lắp và bất động sản

Quán triệt và thực hiện quyết định của Thủ tướng, thời gian tới ngành dầu khí sẽ tái cấu trúc mạnh các doanh nghiệp thành viên, trong đó có thoái vốn khỏi bất động sản.

Tại Hội thảo về “chia sẻ cơ hội hợp tác, đầu tư vào cổ phiếu ngành xây lắp, bất động sản” vừa diễn ra, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Nguyễn Hùng Dũng –Phó Tổng Giám đốc PVN, cho biết quán triệt và thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã tổ chức thực hiện ngay theo đúng nội dung yêu cầu, tiến độ đề ra và thường xuyên báo cáo Chính phủ, các Bộ ngành kết quả thực hiện đề án tái cấu trúc để có các điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

“Hiện tại, Tập đoàn đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo hoàn thành đúng nội dung và tiến độ yêu cầu tại Quyết định số 1011, ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012- 2015.”

Cũng theo ông Dũng, việc tái cấu trúc này nhằm mục tiêu tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính đó là: Thăm dò khai thác dầu khí, lọc-hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Tất cả các lĩnh vực khác không thuộc 5 lĩnh vực trên sẽ được PVN thực hiện thoái vốn theo lộ trình. Việc tái cấu trúc Tập đoàn hướng tới sự minh bạch, công khai hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả tài chính hàng năm và sẵn sàng tiếp nhận sự cạnh tranh song phẳng.

Hoạt động tái cấu trúc của ngành dầu khí đáng chú ý đó là việc thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản của các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, có nhiều dự án của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). PVC sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực xây lắp, thoái vốn và tìm kiếm các đối tác để hợp tác, chuyển nhượng các dự án bất động sản.

Có thể kể đến những doanh nghiệp và dự án đáng chú ý như CTCP Đầu tư hạ tầng và Đô thị Dầu khí (mã PTL) với dự án chung cư Thăng Long (quận 2, TP. HCM); Trung tâm thương mại tài chính dầu khí ở Phú Mỹ Hưng, chung cư Petroland ở quận 2, chung cư cao tầng Mỹ Phú, khu đô thị mới dầu khí Vũng Tàu…tổng quỹ đất mà PTL đang quản lý khoảng 249ha. Hiện PVC đang nắm giữ PTL 36,4%.

CTCP Dầu khí Đông Đô (mã PFL) với dự án Khu đô thị Dầu khí Đức Giang (Hà Nội) 78,2ha, dự án Xuân Phương (Hà Nội) 3.458m2; Dự án khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long (Hòa Bình) 60ha,…Hiện tại PVC đang nắm giữ gần 35% PFL.

CTCP Đầu tư Xây dựng thương mại Dầu khí IDICO với dự án Khu công nghiệp Long Sơn (Vũng Tàu) quy mô 850ha, dự án chung cư Huỳnh Tuấn Phát (quận 7, TP. HCM) 33.364m2, Khu đô thị mới Chí Linh (Vũng Tàu) 65,7ha,…Hiện tại PVC đang nắm giữ 75,4% tại Dầu khí Idico.

Rất nhiều dự án bất động sản khác mà PVC đang nắm giữ ở các công ty thành viên, công ty con, công ty liên kết như Công ty CP phát triển đô thị dầu khí, Công ty CP dầu khí Nha Trang với Dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh 172ha, Công ty CP Đầu tư và thương mại Dầu khí Thái Bình, Công ty CP khách sạn Lam Kinh, CTCP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Sài Gòn, CTCP BĐS Dầu khí Petrowaco, CTCP Xây lắp dầu khí Thanh Hóa,…

Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, PVC và các công ty ngành dầu khí cần tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi. Bán các dự án bất động sản tiềm năng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ bán “đứt” dự án mà có thể hợp tác đầu tư, hoặc bán cổ phần doanh nghiệp, dần thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản.

Bình An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên