MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội lo lắng về thế chấp nhà ở tương lai

Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật nhà ở (sửa đổi), đa số đại biểu đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật hiện hành và đồng ý nhiều nội dung của Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, còn một số nội dung đang còn ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo quy định tại Điều 144 Dự thảo Luật, cả hai đối tượng là chủ đầu tư và người mua nhà cùng có quyền thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, mặc dù có quy định trước khi bán, chủ đầu tư phải giải chấp.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, quy định này cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo hơn nữa, xuất phát từ tình hình thực tiễn quản lý nhà ở hiện nay.

“Quy định như vậy nhưng rất dễ dẫn đến tình trạng cả hai đối tượng cùng thế chấp một nhà ở trong dự án xây dựng. Bởi vì người mua khó có thể biết được chủ đầu tư đã giải chấp đối với nhà ở mà chủ đầu tư đã bán hay chưa. Ở góc độ quản lý khi nhà ở còn nằm trên giấy thì quản lý nhà nước không biết được lịch sử của căn nhà, không biết được chủ đầu tư bán cho bao nhiêu người”, ông Vinh nói.

Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) thì cho rằng, về nguyên tắc có thể chấp nhận cho thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, để tránh trường hợp thế chấp hai lần, dự thảo đã quy định chủ đầu tư phải giải chấp trước khi ký hợp đồng mua bán nhà với khách hàng nhưng chưa quy định trường hợp ngược lại. Do vậy, ông đề nghị bổ sung vào Khoản 3 hai điều kiện: Thứ nhất, về điều kiện thế chấp, chủ đầu tư chỉ được thế chấp dự án nhà ở khi chưa ký hợp đồng mua bán, cho thuê, mua với khách hàng. Thứ hai, khách hàng mua nhà hình thành trong tương lai khi thế chấp phải đăng ký và được sự chấp nhận của chủ đầu tư và phải tiến hành giải chấp trước khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà.

Liên quan đến vấn đề vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại, Dự thảo Luật cho phép huy động vốn cho phát triển nhà ở đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia phát triển nhà ở. Nội dung này có liên quan đến quy định về giải chấp trước khi bán nhà ở trong dự án tại Điều 144.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, nếu không có quy định cụ thể việc góp vốn và phân biệt rõ hai hình thức huy động vốn và mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà do khó ký được hợp đồng mua bán mà chỉ là hợp đồng góp vốn. Do vậy, để góp phần bảo đảm ổn định thị trường nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường nhà ở, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật cho cụ thể và chặt chẽ hơn.

“Khi thảo luận tổ tôi cũng có băn khoăn với quy định tại Điều 144 cho phép cả hai đối tượng là chủ đầu tư và người mua cùng có quyền thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để vay vốn. Mặc dù có quy định trước khi bán, chủ đầu tư phải giải chấp nhưng với những quy định trong dự thảo luật và trong điều kiện thiếu thông tin vẫn có thể dẫn đến tình trạng cả hai đối tượng cùng thế chấp một nhà ở trong dự án xây dựng. Tuy nhiên, theo Báo cáo giải trình của Bộ Xây dựng thì Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) hiện nay đang làm đã có quy định cụ thể, chặt chẽ như được cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh kiểm tra cho phép thì mới được bán, tôi nhất trí với các nội dung tại Điều 144 của Dự thảo Luật”, ông Minh cho hay.

Quy định về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở, dự thảo luật quy định người có nhà ở hợp pháp có quyền sở hữu đối với nhà ở đó nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tỏ ra băn khoăn với quy định này, vì trên thực tế người có nhà ở hợp pháp có thể là người thuê nhà để ở hoặc là người được ủy quyền để ở hoặc người đang sử dụng nhà ở công vụ.

Trong những trường hợp này những người đang ở những nhà như thế được gọi là có nhà ở hợp pháp; người ta có quyền sở hữu đối với nhà này không. “Thực tế ở địa phương cũng có những vụ kiện tranh chấp, khiếu kiện từ những việc ở nhờ, ở thuê để đòi quyền sở hữu. Nếu luật quy định như thế này tôi thấy không được chặt chẽ. Tôi đề nghị nên quy định theo hướng công dân có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật”, đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

>>> Từ 16/6 được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

Theo Dương Công Chiến

ngatt

Thời Báo Ngân Hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên