MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất vùng ven sẽ là lựa chọn của các nhà bán lẻ ngoại

Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho rằng các khu vực ngoại thành thành phố sẽ là sự chọn lựa tốt nhất của các nhà bán lẻ quốc tế.

Tóm tắt

- Việt Nam là một minh chứng rõ nét nhất cho xu hướng tăng trưởng và giành thị phần bán lẻ của các tập đoàn đa quốc gia hiện nay.

- Việt Nam sẽ là điểm đến có những tiềm năng tăng trưởng to lớn vì 3 yếu tố quan trọng là: kinh tế tăng trưởng, dân số trẻ và sức mua cao.

- Các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng toàn cầu đã có thời gian dài nghiên cứu thị trường Việt Nam và việc họ có gia nhập thị trường hay không chỉ là vấn đề thời gian.


Theo phân tích của các chuyên gia quốc tế, mức độ phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) bán lẻ thường được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn chuyển từ phục hồi sang tăng trưởng. Việt Nam là một minh chứng rõ nét nhất cho xu hướng tăng trưởng và giành thị phần bán lẻ của các tập đoàn đa quốc gia hiện nay.

Tiềm năng lớn

Theo một báo cáo mới đây của Global Retail, nguồn cung toàn cầu về mặt bằng bán trong năm 2014 đạt mức 38,3 triệu m2 với khoảng 1.134 trung tâm mới được hoàn thành vào cuối năm. Trong đó, Châu Á dẫn đầu với 22 triệu m2 sàn cho thuê đưa vào thị trường trong năm 2014. Trong 3 năm tới, châu Á sẽ cung cấp thêm hơn 53,3 triệu m2, gần gấp năm lần diện tích của đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Mỹ. Ba quốc gia có thế mạnh về mặt bằng bán lẻ có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài là Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Ông Phan Văn Tý, Trưởng Bộ phận Bán lẻ của Công ty TNHH Savills Việt Nam cho biết theo dự báo của các chuyên gia, trong vòng 2-3 năm tới, Việt Nam sẽ chứng kiến hàng loạt sự xuất hiện của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu đến từ Mỹ và châu Âu. Điều này sẽ kéo theo một “cuộc chiến” tranh giành lợi thế về vị trí kinh doanh, kéo theo sự bùng nổ các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) bán lẻ.

Ông James Hawkey, Trưởng bộ phận Dịch vụ bán lẻ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Global Retail, cho biết "Châu Á tiếp tục là một thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ kể cả ở những thị trường phát triển như Nhật Bản, Úc và các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới. Tại Trung Quốc, sự gia tăng các trung tâm mua sắm quá lớn và sẽ c  tình trạng thừa cung ở một số thị trường. Việt Nam sẽ là điểm đến có những tiềm năng tăng trưởng to lớn vì 3 yếu tố quan trọng là: kinh tế tăng trưởng, dân số trẻ và sức mua cao."

Ông Matthew B. Winn – Giám Đốc Điều Hành Bộ phận Bán lẻ C&W Toàn cầu, nhận định rằng về thị trường bán lẻ Việt Nam và nhất là tại Tp.HCM – thành phố sôi động nhất nước, các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng toàn cầu đã có thời gian dài nghiên cứu thị trường Việt Nam và việc họ có gia nhập thị trường hay không chỉ là vấn đề thời gian. Chúng tôi đã gặp đơn vị sở hữu thương hiệu Zara, Bershka và họ chia sẻ rằng họ muốn mở cửa hàng tại Tp.HCM trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia phân tích Savills Việt Nam, trong thời gian gần đây thị trường BĐS trong nước đã có quá nhiều chính sách liên quan đến đất đai được ban hành, sẽ có nhiều tác động đến thị trường BĐS, trong đó có cả BĐS bán lẻ. Một phần nữa là hiện Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý cho người nước ngoài sở hữu 100% đất để đầu tư, do vậy các nhà bán lẻ nước ngoài chủ yếu là hợp tác, liên doanh hay liên kết là chính để đón đầu cơ hội.

“Một khi nhà nước cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu đất đai, nhà ở tại Việt Nam thì tình hình sẽ khác. Các nhà đầu tư bán lẻ rất nhanh nhạy trong việc này, do vậy hiện thời họ thuê mua lại dự án BĐS để đón thời cơ từ sau 2015 khi thị trường bán lẻ thực sự mở cửa”, ông Tý cho biết thêm.

Đua nhau săn quỹ đất

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nhà bán lẻ ngoại đều có một chiến lược “giành” đất để xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị bán lẻ riêng. Một số công ty bán lẻ chọn phân khúc cao cấp thì thường chọn các khu vực trung tâm, thuê lại những cao ốc văn phòng hay chung cư cao cấp kinh doanh. Trong số này, nổi cộm nhất là Parkson của Malaysia với một đội ngũ chuyên “săn” những dự án mới được manh nha và đặt ngay vấn đề thuê nguyên các tầng bên dưới để hoạt động bán lẻ.

Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho rằng các khu vực ngoại thành thành phố sẽ là sự chọn lựa tốt nhất của các nhà bán lẻ quốc tế. Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại cũng đang có chiến lược giảm giá thuê, nhằm nâng cao sức cạnh tranh so với các cửa hàng nhà phố truyền thống, vốn là lựa chọn đầu tiên của các nhà bán lẻ nước ngoài khi gia nhập thị trường Việt Nam.

“Các nhà bán lẻ nước ngoài luôn có chiến lược kinh doanh dài hạn tại Việt Nam. Do đó, họ sẽ thực hiện việc hợp tác, chuyển nhượng, M&A hoặc thuê đất dài hạn các mảnh đất trống đã có dự án nhưng chưa triển khai. Quan sát chuyển động thị trường, chính sách mới liên quan… các công ty này sẽ xây dựng dự án phát triển các siêu thị bán lẻ ngay đúng thời điểm”, ông Marc Townsend cho biết.

Còn theo nhận xát của ông James Hawkey – Giám Đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam nên tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện việc đầu tư của mình, tôi thiết nghĩ chính quyền nên bỏ bớt hoặc giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết chiếm rất nhiều thời gian của nhà đầu tư vì đây chính là sự chào đón bằng hành động thực tế chứ không chỉ bằng lời nói, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư và giúp họ đẩy nhanh hơn việc đầu tư tại đây.

Đăng Khải

CTV - Minh Tú

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên