MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị cho cuộc đua đường dài

Con đường phát triển phía trước có nhiều, vấn đề hiện nay là mỗi doanh nghiệp chọn đường nào cho mình.

Tóm tắt:

-Cái bền vững nhất là chúng ta vẫn phải nhìn vào yếu tố nhu cầu nhà ở thật của người Việt Nam hiện nay. Theo đánh giá, dân số Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng”, chiếm gần 70%.

-Như vậy, nhu cầu về nhà ở, công ăn việc làm, thu nhập và lập gia đình mới đang rất cao. Đây sẽ là chỗ dựa vững chắc cho thị trường BĐS trong tương lai.


Trong thời điểm hiện nay, khi mà nhiều dự báo cho thấy làn sóng vốn ngoại đang “ồ ạt” đổ vào thị trường bất động sản, khi Việt Nam cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Từ đó, buộc các doanh nghiệp phát triển BĐS không còn “thảnh thơi” trên sân chơi của mình, phải có chiến lược hợp tác, cạnh tranh và phát triển.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phùng Chu Cường – Tổng Giám đốc Công ty CP Địa Ốc Phú Long, xung quanh chuyện các doanh nghiệp BĐS chuẩn bị khi bước vào “sân chơi lớn”.

Là một nhà đầu tư, ông đánh giá như thế nào về việc lúc này thị trường đang bị tác động bởi một loạt chính sách liên quan?

Ông Phùng Chu Cường: Phải nói rằng các chính sách liên quan đến thị trường BĐS hiện nay của Chính phủ đều có những tác động rất tích cực đến thị trường, góp phần phát triển một thị trường ổn định, lành mạnh và bền vững hơn. Mỗi chính sách đều có một mặt tác động khác nhau.

Tính cạnh tranh trên thị trường đang rộng mở hơn, từ đó đã cho thấy một cuộc đào thải những doanh nghiệp không đủ tiềm lực, thiếu kinh nghiệm và khả năng hoạt động yếu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng những chính sách này cần sớm chi tiết, cụ thể hơn khi đi vào thực tiễn cuộc sống, hoạt động của doanh nghiệp nhiều hơn nữa.

Ví như, Luật hiện thời cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở dài hạn tại Việt Nam, nhưng việc họ có được quyền thế chấp tài sản này cho các ngân hàng nước ngoài được không vẫn còn đang đặt nhiều câu hỏi.

Nhìn chung, các chính sách phát triển thị trường BĐS Việt Nam đã đáp ứng được nhiều kỳ vọng của doanh nghiệp BĐS, cũng như người mua nhà. Cơ hội hiện nay là ngang nhau, con đường phát triển phía trước có nhiều, vấn đề hiện nay là mỗi doanh nghiệp chọn đường nào cho mình mà thôi.

Để đón đầu trong một thị trường đang có nhiều biến động về mặt chính sách như vậy, theo ông doanh nghiệp BĐS trong nước cần “trang bị” cho mình những gì?

Ông Phùng Chu Cường: Thực ra, những thay đổi trên thị trường vừa qua rất tích cực và đã cho thấy thị trường đang phục hồi mạnh, ổn định. Để đón đầu những cơ hội này, không riêng gì Phú Long mà tôi cho rằng tất cả các doanh nghiệp tham gia vào thị trường BĐS này đểu đã có những nhận thức cụ thể và xây dựng từng đối sách riêng để tăng tính cạnh tranh trong một giai đoạn mới.

Đi kèm với những cơ hội mới thì mọi doanh nghiệp BĐS đều phải đối mặt với nhiều thách thức, vì sẽ có sự cạnh tranh rất quyết liệt trên thị trường. Vì hiện nay mọi vấn đề liên quan đều không thuộc về bất kỳ một công ty nào, mà đây đang là một sân chơi rộng lớn và tạo cơ hội cho tất cả doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian thị trường khó khăn vừa qua đã có một giai đoạn sàng lọc. Những doanh nghiệp đầu tư kinh doanh một cách chuyên nghiệp, bài bản vẫn đứng vững và duy trì hoạt động. Đứng trước những cơ hội to lớn như chúng ta vừa nói, họ sẽ có sự bức phá mạnh trên thị trường.

Ngược lại, những doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh buộc phải rời khỏi thị trường, nhượng lại dự án. Đây sẽ là một cơ hội nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài mua lại dự án, liên danh với doanh nghiệp nội để phát triển như làn sóng mua bán-sáp nhập đang diễn ra rất mạnh mẽ trong năm vừa qua.

Các luật liện quan đến thị trường sắp có hiệu lực, ông kỳ vọng thêm gì về mặt chính sách, cơ chế từ Chính phủ tháo gỡ cho thị trường BĐS, cũng như đối với doanh nghiệp BĐS?

Ông Phùng Chu Cường: Về các Luật liên quan đến thị trường BĐS, ngay chỉ mới ở giai đoạn chủ trương đã tạo một sức ấm cho thị trường, doanh nghiệp rất hoanh nghênh vì đang được tạo nhiều điều kiện tốt để phát triển.

Tuy nhiên, hệ thống luật chúng ta đã có rồi nhưng vẫn chưa áp dụng được vì vẫn phải đợi chờ các văn bản hướng dẫn dưới luật. Không dừng lại đấy, khi các văn bản mới này có hiệu lực thi hành sẽ có những phát sinh mà chúng ta không lường trước được. Thị trường BĐS còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như nền kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư để tạo sức hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Là một doanh nghiệp, tôi chỉ kỳ vọng Chính phủ, chính quyền địa phương có những giải pháp hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh phát triển dự án BĐS của mỗi doanh nghiệp, như rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, minh bạch thông tin đất đai để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận…

Nhìn chung, thị trường hiện nay đang thiếu sự hướng dẫn, thiếu sự minh bạch và cũng chưa theo một quy luật cung – cầu, ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thường thấy. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bấy lâu nay “ém quân”, giờ tận dụng sự khởi sắc của nền kinh tế, thị trường BĐS phục hồi để “bung hàng”. Vì thế, cơ quan quản lý cần có một sự cảnh báo hợp lý, đưa ra những thống kê cụ thể, nhất là về nhu cầu có khả năng thanh toán thật nhưng cũng giảm bớt sự can thiệp vì thị trường BĐS này đang phát triển có tính chất thị trường hơn, hãy để thị trường tự điều tiết.

Đăng Khôi (thực hiện)

Kiều Thuật

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên