MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án treo vì trách nhiệm... lơ lửng

Những dự án vẫn chưa có lối thoát chừng nào QH tổng thể của Hà Nội chưa được hoàn chỉnh và thông qua.

Khi phóng viên cố gắng tiếp cận với các doanh nghiệp có dự án treo hoặc bị chậm tiến độ, họ thường tìm cách né tránh không muốn gặp, còn nếu "bất đắc dĩ" phải gặp thì tìm cách nói lái sang vấn đề khác. Thực tế này cho thấy dự án treo luôn là vùng nhạy cảm của mỗi chủ đầu tư.

Rõ ràng không chủ đầu tư nào lại muốn mảnh đất mà họ đã bỏ công sức, trí tuệ, kinh phí để dự án được phê duyệt bị thu hồi. Các cơ quan chức năng cũng không mấy mặn mà khi trao đổi những vấn đề liên quan đến các dự án treo. Hẳn là họ cũng có chỗ khó nói.

Từ chuyện quy hoạch

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định một trong những nguyên nhân gây ra các dự án treo, dự án chậm tiến độ chính là các quy hoạch (QH) và công tác làm QH. Thực tế là đã tồn tại những QH không đủ tầm gây khó cho dự án hoặc nếu dự án thực hiện được lại làm nảy sinh các vấn đề khác. Đó là chưa kể những rắc rối do tình trạng chồng chéo giữa các QH mang lại.

Trường hợp dự án Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê thuộc ô đất NO 4.6 mà chủ đầu tư hiện thời là Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và xuất nhập khẩu Sông Hồng đã trải qua hơn một lần điều chỉnh QH nhưng rốt cục nếu được cho xây vẫn không thể tuân thủ đúng theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam nên vẫn nằm yên tại chỗ sau nhiều năm.

Một ví dụ khác về việc chờ quy hoạch là dự án xây dựng khu nhà ở sinh thái VIT-Tiền Phong của Công ty TNHH VIT-Tiền Phòng tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Công ty đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng tường rào bao quanh, nhà điều hành, nhà bảo vệ và cũng đã làm xong các tuyến đường nội bộ, trồng cây xanh dọc các tuyến đường, xây trạm biến thế, trạm cấp nước.

Công ty cũng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cấp 3 sổ đỏ. Thế nhưng dự án này lại nằm trong danh sách rà soát các đồ án QH, các dự án đầu tư xây dựng cần điều chỉnh phù hợp QH để tiếp tục được triển khai. Đến giờ công ty vẫn đang liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc để thực hiện các bước điều chỉnh QH.

Trường hợp dự án của Công ty TNHH VIT-Tiền Phong chỉ là một trong số hàng trăm dự án đang nằm chờ điều chỉnh QH của Hà Nội. Sau khi được mở rộng, Hà Nội có khoảng 844 dự án thuộc diện điều chỉnh QH, trong đó chỉ có hơn 240 dự án được phép triển khai ngay. Hơn 500 dự án còn lại phải nằm chờ điều chỉnh. Đó là một thực tế mà các chủ đầu tư phải chấp nhận.

Nhiều dự án vẫn chưa có lối thoát chừng nào QH tổng thể của Hà Nội chưa được hoàn chỉnh và thông qua. Đến giờ phút này bản QH tổng thể của Hà Nội dù đã qua nhiều lần lấy ý kiến của các bộ, ngành cùng nhân dân nhưng vẫn cần phải điều chỉnh. Không chỉ Hà Nội, hầu hết các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc đều có chung thực trạng dự án bị treo vì chưa có QH, kế hoạch sử dụng đất. Nguyên nhân là do Quốc hội khóa vừa rồi đã không duyệt QH, kế hoạch sử dụng đất từ năm 2010 đến 2020 của toàn quốc.

Để giải quyết tình trạng quá nhiều dự án nằm chờ QH, UBND TP Hà Nội đã có Tờ trình số 29 gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt danh mục hơn 500 dự án, công trình cấp bách cần triển khai trong thời gian QH, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 của Hà Nội chưa được xét duyệt.

… đến trách nhiệm không của riêng ai

Bất kỳ dự án nào muốn được phê duyệt và đi vào hoạt động đều phải qua rất nhiều "cửa": Bước giới thiệu địa điểm (qua Sở QH-KT), lập dự án (Sở KH&ĐT), khâu xin giao đất, cho thuê đất (Sở TN&MT), rồi lại quay về Sở QH-KT để làm QH chi tiết 1/500…, tiếp đến là nộp tiền sử dụng đất (Sở Tài chính) và kết thúc là bàn giao đất trên thực địa (Sở TN&MT) cùng UBND quận, huyện…

Tính ra, chủ đầu tư phải thực hiện khoảng 100 thủ tục có liên quan. Dự án càng lớn số lượng thủ tục càng tăng và tỉ lệ thuận với nó là độ phức tạp, thời gian, kinh phí… Cũng vì vậy, nhiều chủ đầu tư đã phải bỏ rơi ý tưởng đầu tư vì quá phức tạp cho dù những năm gần đây thủ tục hành chính đã được cải cách khá nhiều. Không biết có phải là vì các sở, ngành "thông cảm" với sự vất vả của chủ đầu tư hay không, nhưng rõ ràng sau khi bàn giao đất trên thực địa, khâu giám sát dự án đã bị buông lỏng.

Quá trình lập dự án đã phức tạp, quá trình thực hiện dự án cũng gặp nhiều khó khăn nên không ít dự án bị treo, bị chậm tiến độ. Trong đó, có những dự án vướng mắc do khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo Sở TN&MT, sau khi kiểm tra 32 dự án không đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liền kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa, có 3 dự án bị treo do vướng GPMB. Đó là dự án xây dựng trung tâm kỹ thuật và tư vấn của Công ty cổ phần Báo Phụ nữ Việt Nam tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh; dự án xây dựng bãi đỗ xe chuyên dùng của Công TNHH Nhà nước MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) tại cụm 7, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ; dự án xây dựng nhà ở công vụ của Văn phòng Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Công an) tại phường Bồ Đề, quận Long Biên. 32 dự án trên thuộc nhóm dự án đã được gia hạn thêm 6 tháng kể từ ngày 1-2-2010. Hiện nay có rất nhiều dự án bị treo do vướng khâu GPMB. Phần việc GPMB lại do UBND quận, huyện chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan.

Trước thực trạng tồn tại nhiều dự án treo và nhiều sai phạm trong quá trình sử dụng đất, ngày 7-4-2009, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã ký Quyết định số 59/2009/QĐ-UBND ban hành quy định về trình tự, thủ tục và cơ chế thực hiện khi Nhà nước thu hồi đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố. Mặc dù đối tượng của quy định này khá rộng song đây được xem là văn bản quan trọng trong việc thu hồi đất của những dự án treo, những dự án vi phạm quy định sử dụng đất. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng đối tượng áp dụng của quy định rộng nên không tránh khỏi những điểm chưa sát với thực tế, quy trách nhiệm chưa rõ ràng đối với các sở, ban, ngành và quận, huyện.

Để tránh việc các sở, ban, ngành và quận, huyện liên quan khoanh tay nhìn nhau khi thực hiện việc giám sát những dự án có biểu hiện chậm tiến độ, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo cụ thể. Sở TN&MT kiểm tra nhóm các dự án chậm đưa đất vào sử dụng 12 tháng liền kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa. Sở KH&ĐT rà soát, kiểm tra, thống kê, tổng hợp các dự án đang triển khai thực hiện và hoàn thành một số hạng mục nhưng chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án. Sở Tài chính rà soát, kiểm tra những dự án chậm hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định, có kế hoạch phân công cụ thể cho các sở, ban, ngành và quận, huyện nhưng tình trạng dự án treo vẫn tồn tại như thách thức những nỗ lực của chính quyền thành phố cũng như công luận. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức trên địa bàn Hà Nội tồn tại bao nhiêu dự án treo bởi vì các quận, huyện vẫn chưa gửi báo cáo đầy đủ và càng kiểm tra càng thấy phát sinh nhiều dự án có biểu hiện chậm tiến độ. Liệu có tìm được liều thuốc đặc trị để chữa dứt điểm căn bệnh dự án treo?
 
Theo Nguyễn Đức Trường

Hà Nội Mới

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên