MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gas tăng giá phi mã vì có công ty chi phối 70% thị trường?

19-12-2013 - 10:14 AM |

Sự kiện tất các các công ty gas trên thị trường đồng loạt tăng gần 80.000 đồng/ bình 12kg, tức khoảng 20%, bắt đầu từ 1.12.2013 đã khiến người dân đặt dấu hỏi về tính cạnh tranh của thị trường này.

Thị trường gas (khí hóa lỏng - LPG) của Việt Nam vẫn được xem như là một trong những thị trường hàng hóa cơ bản có tính cạnh tranh cao nhất so với các thị trường khác. Có vẻ điều này là đúng nếu chứng kiến sự kiện vào tháng 10.2012, một công ty nước ngoài - Shell Gas - đã phải rời khỏi thị trường Việt Nam bởi môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, đặc biệt là với gas lậu.

Tuy nhiên, sự kiện tất các các công ty gas trên thị trường đồng loạt tăng gần 80.000 đồng/ bình 12kg, tức khoảng 20%, bắt đầu từ 1.12.2013 đã khiến người dân đặt dấu hỏi về tính cạnh tranh của thị trường này.

Lý do giá gas trong nước tăng

Lý do quan trọng nhất của việc tăng giá gas trong nước đột ngột 20% là vì giá gas thế giới tăng. Hãng Saudi Aramco chiếm thị phần rất lớn đối với nguồn cung LPG thế giới và quyết định giá LPG hàng tháng; mức giá do hãng này công bố vào những ngày cuối cùng của tháng để áp dụng cho tháng sau; sẽ được Bộ Tài chính dùng để giám sát hành vi định giá của các doanh nghiệp (DN) trong nước. 

Vào ngày 28.11.2013, Saudi Aramco công bố mức giá bán LPG (contract price) cho tháng 12 là 1.175 USD/tấn, tăng 275 USD/tấn so với giá bán cho tháng 11. Với mức giá hợp đồng tương lai tăng cao như vậy, việc tăng giá gas trong nước là điều không ngạc nhiên.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đợt tăng giá gas này về cơ bản phản ánh mức tăng giá gas trên thế giới. Chẳng hạn, tháng 4.2013, khi giá thế giới bình quân là 812,5 USD/tấn, giảm 82,5 USD/tấn so với tháng 3.2013, các DN đã điều chỉnh giảm giá bán gas trong nước ở mức tương ứng từ 23.100 - 24.000 đồng/bình 12 kg. Tại tháng 7.2013, khi giá thế giới là 792,5 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng 6.2013, các DN tăng giá trong nước ở mức tương ứng, từ 10.200 - 13.700 đồng/bình 12 kg.

Tuy nhiên, việc tất cả các hãng phân phối gas từ Nam ra Bắc tăng đồng loạt vào cùng một thời điểm và với mức tăng bằng xấp xỉ như nhau lại khiến người tiêu dùng nghi ngờ về tính cạnh tranh của thị trường. 

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cơ chế thị trường cho phép các DN nhập khẩu LPG sẽ hưởng mức lợi nhuận khác nhau phụ thuộc vào khả năng dự báo giá hợp đồng (contract price) trong tương lai để mua LPG và nhập về Việt Nam. Nếu đúng theo cơ chế thị trường thì mỗi một DN nhập khẩu sẽ chịu các mức phí tổn khác nhau và sẽ có xu hướng đưa ra các mức giá khác nhau để cạnh tranh lẫn nhau tùy theo chiến lược kinh doanh của mình.   

Song song với việc cho phép giá gas được biến động theo giá thế giới thì có lẽ đã đến lúc cơ quan quản lý cần phải xem xét liệu việc PV Gas chiếm tới 70% thị phần gas trong nước, bao tiêu toàn bộ lượng gas sản xuất từ nguồn trong nước có vi phạm Luật Cạnh tranh của Việt Nam hay không?


Thị trường độc quyền bán...

Việc các DN gas tăng đồng loạt giá gas với mức tăng xấp xỉ nhau có nguyên nhân từ việc thị trường gas Việt Nam hiện nay do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) chiếm lĩnh tới 70% thị phần. Đây là nhà bán sỉ cho hầu hết DN kinh doanh gas ở Việt Nam như Petrolimex, Saigon Petro, PV gas South, PV gas North…

Ngoài việc nhập khẩu, PV Gas còn là nhà bán sỉ gần như toàn bộ sản lượng gas của nhà máy Dinh Cố và một phần của nhà máy Dung Quất. Lượng gas sản xuất từ 2 nguồn này hiện chiếm hơn 50% lượng cung ứng gas của cả nước. Phần còn lại được khoảng 30 đơn vị được chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu LPG tiến hành nhập khẩu và phân phối cho các tổng đại lý, đại lý, và cửa hàng bán lẻ.

Rõ ràng, PV Gas hiện tại có vị thế của một nhà độc quyền bán đối với thị trường gas trong nước và với vị thế này, việc PV Gas áp đặt một mức giá nào đó và toàn bộ các DN còn lại ở trong nước định giá theo là điều có thể tiên đoán được.

Và độc quyền lợi nhuận

Với vị thế độc quyền bán và được quyền định giá theo cơ chế thị trường, PV Gas gặt hái được lợi nhuận khủng là điều gần như hiển nhiên. Chín tháng đầu năm 2013, lợi nhuận sau thuế của PV Gas đã lên tới 10,45 ngàn tỉ đồng tăng 39,23% so với cùng kỳ năm 2012. Các DN kinh doanh gas khác niêm yết trên sàn chứng khoán như Công ty cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PVgas South) và Tổng công ty Gas Petrolimex (PGC) cũng đều đạt mức lợi nhuận cao tương tự, lần lượt tăng 44% và 30,1% trong chín tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012.

Với vị thế độc quyền bán như thế, PV Gas sẽ có ít động lực để cắt giảm chi phí, qua đó hạ thấp chênh lệch giá gas trong nước và thế giới. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, hệ thống phân phối gas hiện qua rất nhiều khâu trung gian nên giá cả tới tay người tiêu dùng bị đội lên rất nhiều. Ngoài ra, rất có thể có hiện tượng đầu cơ găm giá để hưởng chênh lệch khi các đơn vị phân phối gas biết trước việc tăng giá gas trong nước theo diễn biến của giá gas thế giới.

Tất cả các chi phí này đều được phản ánh vào giá bán lẻ gas cho người tiêu dùng. Và nếu chỉ xem xét PV Gas cũng như các DN kinh doanh gas khác có có tuân thủ chấp hành pháp luật về giá như hiện nay của bộ Tài chính và bộ Công thương thì sẽ không thể nhìn thấy được qui tắc cạnh tranh thực ra đã bị phá vỡ. Người tiêu dùng gas buộc phải gánh chịu thiệt thòi để tạo ra lợi nhuận siêu ngạch cho công ty nắm được vị thế độc quyền này.

Vì vậy, song song với việc cho phép giá gas được biến động theo giá thế giới thì có lẽ đã đến lúc hai bộ này cần phải xem xét liệu việc PV Gas chiếm tới 70% thị phần gas trong nước và bao tiêu toàn bộ lượng gas sản xuất từ nguồn trong nước có vi phạm luật cạnh tranh của Việt Nam hay không? Đó mới là việc làm thiết thực để ngăn chặn sự “lũng đoạn thị trường gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng” như Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mong muốn.

 Lý giải việc tăng giá chưa thuyết phục

Theo những thống kê gần nhất thì thị trường cung ứng gas của Việt Nam bao gồm 2 nhà máy sản xuất (Dung Quất và Dinh Cố), 30 đơn vị được chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu LPG (tính đến hết năm 2012), 26 thương nhân đầu mối (tính đến tháng 10.2013), các nhà phân phối cấp 1, các tổng đại lý (130 thuộc thương nhân đầu mối), cùng khoảng hơn 3.500 đại lý và 8.000 cửa hàng bán lẻ… Với một ma trận như vậy, chi phí giao dịch cao là có thể giải thích được. 

Tuy nhiên, chi phí này người tiêu dùng đã chịu bao lâu nay. Nó chắc chắn không thể khiến giá nhảy vọt nhanh như vậy, và áp dụng cho tất cả các đơn vị cung ứng trong cùng một thời điểm.

Về vấn đề găm hàng, nên được hiểu là các DN biết trước được việc giá LPG sẽ tăng trong tháng 12, và họ giữ lại lượng LPG của tháng 11 để sang tháng 12 bán với giá cao hơn. Nhưng với việc giá đồng loạt tăng lên, có thể đặt ra câu hỏi là tất cả các DN kinh doanh gas đều găm hàng? 

Giả sử có như vậy, ắt hẳn nguồn cung sẽ giảm ngay lập tức, khi gas là mặt hàng thiết yếu cho các hộ gia đình hiện nay. Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng hẳn nhiên phải thấy ngay dấu hiệu của việc giảm nguồn cung, được biểu hiện qua việc tăng giá. Điều này được chứng minh dễ dàng khi họ nhận ra giá gas tăng ngay trong ngày đầu tiên của tháng 12, tức thời điểm giá gas thực sự tăng. Nếu vậy, việc tăng giá chắc chắn đã phải diễn ra từ tháng 11, chứ không phải đợi đến sau khi có cú sốc về giá thế giới.

Thiên Trường

>>
Theo Đinh Tuấn Minh, Vũ Minh Long 

thuyntt

Người đô thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên