MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói tín dụng 50.000 tỷ chảy vào BĐS, VLXD như thế nào?

Sẽ có 10 ngân hàng lớn tham gia chuỗi liên kết này, cùng với các đối tượng khác là chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng dịch vụ và nhà sản xuất,…

Mới đây, thị trường BĐS xôn xao với thông tin mà T.S Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tiết lộ về một gói tín dụng có thể lên tới 70.000 đến 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực xây dựng, bất động tại một Hội nghị về kinh tế VN năm 2014 tổ chức vào cuối tháng 2 tại Tp.HCM. Theo T.S Nghĩa thì gói tín dụng này do Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) làm đầu mối kết hợp cùng với các ngân hàng thương mại khác để lập ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, vật liệu xây dựng, phát triển hạ tầng,…

Ngay sau đó, ông Phan Thành Mai – TGĐ VNCB cũng xác nhận với báo chí rằng có đưa ra đề xuất liên minh với 4 NHTM quốc doanh để xây dựng một gói tín dụng nhằm hỗ trợ cho ngành xây dựng, bất động sản….và khoảng 1 tháng sau sẽ chính thức có thông tin về gói tín dụng này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sáng 25/3 VNCB sẽ phối hợp với cũng với Tập đoàn Thiên Thanh để công bố chính thức thông tin hợp tác này giữa các ngân hàng thương mại lớn để triển khai gói tín dụng này. Được biết gói tín dụng có trị giá 50.000 tỷ đồng ( VNCB kết hợp cùng một số ngân hàng thương mại khác) thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà.


Qua tìm hiểu cho thấy, có 10 ngân hàng tham gia chuỗi liên kết này, trong đó có 4 ngân hàng TMCP Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Agribank và Vietinbank-đây cũng là 4 ngân hàng được chỉ đạo cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ năm 2013. 4 ngân hàng này phải dành một lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng theo quy định. 4 ngân hàng này được gọi là “Ngân hàng người mua” trong chuỗi liên kết, VNCB là Ngân hàng tổ chức.

Bên cạnh đó, có 6 ngân hàng thương mại khác tham gia chuỗi liên kết này gồm ACB, Sacombank, Lienvietpostbank, MB, VPB, Oceanbank. Nhóm ngân hàng này được gọi là “ngân hàng đồng tài  trợ”.

Qua tìm hiểu được biết, các hợp đồng sẽ được ký kết gồm Nhà cung ứng vật liệu ký hợp đồng với Nhà sản xuất, từ đó thông qua sàn giao dịch VLXD - TTG nhà sản xuất ký hợp đồng với Nhà thầu, còn Nhà thầu ký hợp đồng xây lắp với chủ đầu tư. Để chuỗi liên kết này hoạt động hiệu quả, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi sẽ được bơm vào chuỗi lên kết này thông qua ngân hàng tổ chức VNCB.

Ngân hàng người mua phát hành bảo lãnh tín dụng, đồng thời giải ngân cho chủ đầu tư, còn VNCB phát hành bảo lãnh tín dụng cho Nhà thầu và Nhà sản xuất, Nhóm ngân hàng đồng tài trợ bảo lãnh cho TTG.

Khi tham gia chuỗi liên kết này, điểm mới trong dòng chảy của gói tín dụng đồng thời cũng là lợi ích cho các bên tham gia như chủ đầu tư, nhà thầu hay nhà sản xuất sẽ tiếp cận được khoản tín dụng mới khi còn các khoản vay cũ, vốn vay ưu đãi. Nhà thầu cũng sẽ được bảo đảm khả năng thanh toán đúng tiến độ. Đối với Nhà sản xuất có thể giải phóng được hàng tồn kho với số lượng lớn, được thanh toán đúng tiến độ,…

Như vậy, có thể thấy mô hình dòng chảy tín dụng này có khả năng sẽ đem lại hiệu ứng đối với lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng vốn dĩ vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về tồn kho sản phẩm, thanh khoản kém, dự án đình trệ sẽ hồi sinh,…nhằm khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS.

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên