MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Nợ thuế bất động sản lên tới hơn 4.000 tỷ đồng

9 tháng đầu năm 2014 việc thu tiền sử dụng đất mới đạt 45% dự toán. Đây là nỗi trăn trở của ngành Thuế Hà Nội.

Theo số liệu của Cục Thuế Hà Nội, hiện tại trên địa bàn Hà Nội có tới 62 dự án bất động sản chưa nộp tiền sử dụng đất với tổng số tiền nợ thuế lên tới hơn 4.000 tỷ VND.

Dự án Berriver tại 390 Nguyễn Văn Cừ, do Công ty CP đầu tư xây dựng số 9 làm chủ đầu tư, đã hoàn thiện và bán cho khách hàng nhưng hiện còn nợ hơn 100 tỷ VND tiền sử dụng đất. Một dự án khác của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD cũng sắp đưa vào sử dụng vẫn còn nợ 122,9 tỷ VND, dự án HH5 Đô thị Việt Hưng cũng của HUD thậm chí đã được đưa vào sử dụng từ lâu nhưng vẫn còn nợ 42 tỷ VND.

Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp khác nợ tiền sử dụng đất như:

- Tổng công ty phát triển Phát thanh Truyền hình Thông tin: 440 tỷ VND,

- Công ty TNHH MTV Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội: 250 tỷ VND

- Công ty TNHH MTV đầu tư Việt Hà: hơn 200 tỷ VND

- Công ty CP Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng (INDECO): 193 tỷ VND

- Tổng Công ty Thương mại Hà Nội: 144 tỷ VND,

- Công ty TNHH TM, Quảng cáo, Xây dựng địa ốc Việt Hân: 213 tỷ VND,

- Công ty CP Thương mại và Xây dựng Á Châu: 231 tỷ VND,

- Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng: 227 tỷ VND.

Để lý giải việc chậm nộp tiền sử dụng đất, mỗi doanh nghiệp cũng đều đưa ra những lý do riêng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó TGĐ Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) giải thích: “Chúng tôi cũng đã nộp ngân sách được 400 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn còn một số dự án chưa hoàn thành và cũng đã xin phân kỳ để nộp”.

Là một trong những quận nội đô có nhiều dự án đầu tư bất động sản, nhưng toàn quận Hoàng Mai hiện nay vẫn còn 10 dự án chưa hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất với số tiền lên tới 881 tỷ VND.

Theo Bà Lê Thị Kim Giao - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hoàng Mai, các lý do mà DN đưa ra là thị trường bất động sản xuống dốc, doanh nghiệp không được vay vốn, gặp nhiều khó khăn về tài chính...

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến động, Chính phủ cũng đã có những chính sách kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp và cho phép một số chủ đầu tư bất động sản được giãn, hoãn nộp tiền sử dụng đất. Thế nhưng, không ít các dự án đã hoàn thiện, nhà đã bán, tiền đã thu, nhưng nghĩa vụ tài chính với ngân sách thì vẫn trong tình trạng chây ì.

4.000 tỷ VND là con số không nhỏ và nó đang đặt ra một câu hỏi về việc có hay không hành vi cố tình chiếm dụng vốn ngân sách nhà nước của không ít doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.


Theo Lưu Vĩnh - Bằng Việt

cucpth

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên