MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội tính xây thêm 1.000 siêu thị: Thừa giấy vẽ… chơi?

Bài học về sự thất bại của các mô hình chợ-TTTM đối với Hà Nội một lần nữa phải được nhắc lại.

Trong buổi Hội thảo khoa học về phát triển hệ thống bán lẻ tại Hà Nội trước bối cảnh ngày càng hội nhập sâu với quốc tế tổ chức mới đây, UBND TP Hà Nội cho biết năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm khoảng 1.000 siêu thị.

Báo cáo của UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện nay sức mua của thị trường bán lẻ tại Hà Nội đang có xu hướng suy giảm, trong quý II/2014 thị trường này chỉ tăng trưởng khoảng hơn 8%. Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, hệ thống bán lẻ hiện có trên địa bàn thành phố gồm có 418 chợ dân sinh (trong đó có 4 chợ đầu mối), 135 siêu thị và 24 trung tâm thương mại.

Xây thêm để… nâng sức cạnh tranh

Kế hoạch phát triển hệ thống được Sở Công Thương Hà Nội đưa ra với lý do hết sức thuyết phục là để… nâng sức cạnh tranh khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo đó, quy hoạch của Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại; 42 trung tâm thương mại; _595 chợ dân sinh… Trong đó, về việc xây dựng mới 999 siêu thị, bao gồm 23 siêu thị hạng một, 111 siêu thị hạng hai, 865 siêu thị hạng ba. Đồng thời, cần đầu tư thêm 10 trung tâm thương mại (TTTM) hạng một; 7 TTTM hạng hai; 16 TTTM hạng ba và 9 TTTM cấp vùng…

Nhận xét về kế hoạch này, ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng việc Hà Nội cần khẩn trương có quy hoạch chi tiết hệ thống bán lẻ để xứng với tiềm năng của một thị trường lớn, với số dân hơn 7,2 triệu người là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quy hoạch này cần phải dựa vào 4 yếu tố chủ yếu là: vị trí, địa điểm bán lẻ; chất lượng và giá cả hàng hóa; tổ chức bán hàng hóa và quy hoạch chung toàn hệ thống bán lẻ trên địa bàn chứ không phải chỉ làm một việc đơn giản là… xây thêm siêu thị.

Trên thực tế, từ năm 2003, TP Hà Nội đã triển khai các kế hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống chợ, TTTM. Theo hướng thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ nhằm huy động nguồn vốn của DN, HTX tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ trên địa bàn.

Sau hơn 10 năm triển khai, đã có khá nhiều công trình chợ-TTTM lần lượt được đưa vào khai thác như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, chợ Thanh Trì, huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, thực tế đưa vào khai thác đã chứng minh rằng các mô hình trên đều… thất bại. Thất bại từ chính khâu đầu tiên là việc thu hút các tiểu thương "vào chợ". Kể cả khi có số ít tiểu thương "vào chợ" thì người dân cũng "từ chối" việc vào mua sắm tại các chợ-TTTM này.

Điều dễ thấy nhất là cảnh các chợ-TTTM vắng như chùa bà đanh trong khi có những nơi, một cái chợ khác lại tự phát mọc lên. Tuy tự phát, nhưng nó đã làm tốt chức năng của mình, đó là thỏa mãn nhu cầu, thói quen mua sắm của người dân.

1m2 có 4 "ông" siêu thị - Đó là câu nhận xét đầy châm biếm của một DN về kế hoạch của Hà Nội. "Chắc những người này chẳng bao giờ đi siêu thị nên mới có thể vẽ ra được một kế hoạch hoành tráng thế này". Theo phân tích của DN này, hiện tại mô hình lý tưởng nhất cho các siêu thị là bám lấy các khu chung cư. Theo đó, mỗi khu chung cư sẽ có một siêu thị đi theo để phục vụ cho cư dân của khu chung cư ấy. Và trên thực tế, mô hình này đang phát triển khá ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu mua sắm của người dân.

Muốn lập kỷ lục guiness?

"Thử tính xem, trong 10-15 năm nữa, liệu Hà Nội có thể phát triển thêm được 1.000 khu chung cư để có thể "hấp thu" hết 1.000 siêu thị mà Sở Công thương đưa ra không? Đó là chưa nói tới con số những siêu thị hiện tại. Nếu cứ vẽ ra con số kiểu này, chắc tới năm 2030, Hà Nội sẽ lập kỷ lục về số siêu thị trên 1 đầu dân", vị đại diện DN ví von một cách hình ảnh.

Một cách thực tế hơn, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng nếu là 100 siêu thị thì còn có thể tin được, còn con số 1.000 thì đó là điều không thể!".

Vẫn theo ông Phú, tiền ở đâu ra trong khi hàng loạt các công trình đang xây dựng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn đang dang dở vì thiếu vốn? Trong khi, để xây một siêu thị như Metro, số vốn bỏ ra đã khoảng 18 triệu USD, vậy 1.000 siêu thị như vậy, số tiền lớn đến mức nào?

Bài học về sự thất bại của các mô hình chợ-TTTM đối với Hà Nội một lần nữa phải được nhắc lại. Người ta đã áp đặt việc thay đổi tư duy, thói quen mua sắm của người dân một cách cứng nhắc. Và đã thất bại. Chính vì thế, chính quyền Hà Nội đã phải chấp nhận cho phép thay đổi công năng của các chợ-TTTM đã xây.

UBND TP đã phải hủy 2 dự án chợ Hôm và Nghĩa Tân, không thực hiện theo phương án chợ-TTTM nữa. Còn lại 9 chợ đã chấp nhận chủ trương nhưng yêu cầu giãn tiến độ và yêu cầu Ban quản lý các chợ cải tạo, đầu tư, đảm bảo chợ dân sinh hoạt động bình thường. Đó là các dự án: Hoàng Mai, Ngã Tư Sở, Thượng Đình, Khương Đình, Xuân La, Châu Long, Thành Công B, Kim Liên, Khương Thượng…

Tại cuộc họp HĐND TP Hà Nội năm 2013, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình chợ dân sinh-TTTM, kể cả chủ trương vì thời gian đã 10 năm. Từ năm 2005-2007, Hà Nội đã duyệt đồng loạt các dự án, phải đánh giá xem chủ trương này có cần điều chỉnh không kể cả mô hình này nên điều chỉnh như thế nào? Tuy nhiên, sau 1 năm, lời yêu cầu ấy đã được trả lời bằng một kế hoạch mà các chuyên gia đánh giá là "trên trời".

Theo Thang Duy

ngatt

Thời Báo Kinh Doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên