MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư 'mổ xẻ' vụ Vinaconex Plaza 'quấy rối' Việt Long

Theo luật sư Bùi Quang Hưng, dù Việt Long có vi phạm hợp đồng thì Vinaconex Plaza cũng không được phép tự ý tháo dỡ tài sản của họ.

Trao đổi với Đất Việt xoay quanh những căng thẳng giữa Công ty CP đầu tư và kinh doanh thương mại Vinaconex và siêu thị điện máy Việt Long thời gian gần đây, luật sư Bùi Quang Hưng – văn phòng luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự cho biết hành động ‘quấy rối’ của Vinaconex Plaza (trong đó Công ty Sơn Hà đang chiếm 75% cổ phần) đã và đang xâm phạm đến tài sản, lợi ích của Việt Long và sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, đơn vị ký hợp đồng thuê mặt bằng trực tiếp với Việt Long là Tổng công ty Vinaconex, nhưng phía Vinaconex đã bán toàn bộ cổ phần cho Công ty Sơn Hà, theo đó, hiện Công ty CP quốc tế Sơn Hà đang nắm giữ hơn 75% cổ phần tại Vinaconex Plaza. Trung tâm thương mại Hà Đông “đổi chủ” nên Vinaconex Plaza đưa ra lý do “chuyển đổi mục đích kinh doanh” để đòi lại khu vực tầng 1 Việt Long đang thuê.

Tuy nhiên, ông Hưng cho hay, cho dù Sơn Hà hay bất cứ đơn vị nào khác có chiếm 99% hay 100% cổ phần tại Vinaconex Plaza thì các hợp đồng đã ký trước đó vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý và không được phép vi phạm. “Trong trường hợp này, về mặt pháp nhân đã ký hợp đồng là Vinaconex Plaza không có gì thay đổi, chỉ khác nhau về đối tượng góp vốn, chức danh, tổ chức… dẫn đến việc thay đổi phương án kinh doanh của công ty. Nếu Việt Long chưa có bất cứ hành động gì được coi là vi phạm hợp đồng thì Vinaconex Plaza không được phép đòi lại khu vực tầng 1 đã cho thuê”, ông Hưng nói.    

Theo ông Hưng, hợp đồng thuê mặt bằng giữa Vinaconex Plaza và Việt Long kéo dài đến năm 2014. Do vậy, nếu bên cho thuê muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì phải bồi thường chi phí làm nội thất và chi phí thiệt hại do ngừng hoạt động kinh doanh của bên thuê theo quy định của hợp đồng. Do vậy, thông báo yêu cầu Việt Long phải trả lại tầng 1 trước ngày 30/10/2011 tại công văn số 104 ngày 1/8/2011 của Vinaconex Plaza với lý do “chuyển đổi mục đích kinh doanh” mà không đề cập đến việc đền bù cho bên thuê là chưa đúng nguyên tắc.

Về việc Vinaconex Plaza cho rằng Việt Long vi phạm hợp đồng và đơn phương cho tháo dỡ tường ngăn, đập phá biển hiệu quảng cáo của Việt Long tại gian hàng Vietlongmobile, ông Hưng nhận định: “Về nguyên tắc, tất cả những biển hiệu quảng cáo, tường ngăn đều là tài sản riêng của Việt Long. Do vậy, nếu Việt Long có vi phạm hợp đồng thì Vinaconex Plaza cũng không được xâm phạm mà phải chờ phán quyết của tòa án và cơ quan chức năng vì đây là vấn đề đang tranh chấp giữa 2 bên. Hành động cho đào hào ngay trước cửa siêu thị Việt Long dù vẫn nằm trên đất của Vinaconex Plaza nhưng có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Việt Long nên phải được sự thống nhất giữa 2 bên. Nếu Vinaconex tự ý đào mà chưa được sự đồng ý của Việt Long, gây thiệt hại đến tình hình kinh doanh của Việt Long thì Việt Long hoàn toàn có quyền khởi kiện Vinaconex Plaza".
 
Theo Minh Tùng
Đất Việt

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên