MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Môi giới BĐS “ngoại” đang thất bại ở Việt Nam? (Kỳ 1)

Tóm tắt:

-Môi giới bất động sản "ngoại" đổ bộ hoành tráng vào thị trường Việt Nam với rất nhiều tên tuổi lớn như CBRE, Savills, Coldwell Banker, Colliers International, Cushman & Wakefield, Knight Frank...giai đoạn thị trường "nóng" 2006-2010.

-Đến nay, nhiều thương hiệu lớn đã phải đóng cửa, cắt hoạt động môi giới bởi mất thị phần bởi sự lớn mạnh từ các công ty trong nước.


Hoành tráng cỡ nào?

Cùng với sự “nóng” lên của bất động sản những năm 2006, các công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường bất động sản lớn trên thế giới bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam. Chesterton Petty là thương hiệu vào Việt Nam từ 1995, tiền thân của Savills Việt Nam hiện nay.

Tháng 2/2007, Savills đã mua lại Chesterton Petty Việt Nam thành lập nên Savills Việt Nam, có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS Việt Nam khi đó. Kể từ đó, sự đổ bộ của các công ty môi giới bất động sản “ngoại” vào Việt Nam để chia phần “miếng bánh” môi giới bắt đầu bùng nổ.

Hầu hết các hợp đồng tư vấn, định giá, phân phối các dự án bất động sản “ra lò” đều qua tay Savills Việt Nam hoặc CBRE Việt Nam.

Lý do rất dễ nhận thấy các những công ty này luôn chiếm lĩnh thị phần, bởi lẽ bất cứ đơn vị nào vào Việt Nam cũng có “hồ sơ” cực kỳ hoành tráng, đúng lúc thị trường BĐS Việt lại “sính” ngoại và chuộng cao cấp. Trong khi đó, Luật Kinh doanh BĐS năm 2006 mới ra đời, khi đó thị trường mới chính thức có nghề môi giới, còn thời gian trước đó thì chỉ là “cò”. Hơn nữa, các công ty môi giới nội chưa có kinh nghiệm.

Trong khi đó thì các công ty môi giới ngoại lại rất “hoành tráng”, các dự án được quảng bá, giới thiệu đều được tổ chức ở những khách sạn 5 sao, sang trọng. Một vài công ty còn là những tập đoàn lớn trên thế giới.

CBRE đến từ Mỹ thuộc danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới do Fortune và S&P bình chọn. CBRE là công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới năm 2012 (tính theo doanh thu) với hơn 37.000 nhân viên tại hơn 300 văn phòng khắp toàn cầu. Trong khi, Savills được giới thiệu là tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới, được niêm yết trên Sàn Chứng khoán London (Anh), với 600 văn phòng và chi nhánh trên thế giới, doanh thu hàng năm hàng tỷ USD. Tại Việt Nam, Savills Việt Nam có hơn 940 nhân viên.

Tiếp sau đó, thì hàng loạt các công ty môi giới ngoại tiếp tục đổ bộ như JoneLang La Salle Việt Nam, Aldy Vina, Setia BHD, NAI Việt Nam, Colliers International, Cushman & Wakefield, Coldwell Banker…

Trong đó, Colliers International cũng thuộc hàng đầu thế giới với 485 văn phòng, 15800 nhân viên. Có 80,000 giao dịch bán và cho thuê mỗi năm, tổng giá trị giao dịch 75 tỷ USD, doanh thu hàng năm 2,1 tỷ USD.

Nhiều công ty khác đến từ Mỹ cũng đến Việt Nam sau CBRE, như Cushman & Wakefield đến nay đã có gần 250 văn phòng hoạt động trên 60 quốc gia, với 16.000 nhân viên; Knight Frank 209 văn phòng tại 47 nước tại, doanh thu hàng năm hơn 755 tỉ đô la, năm 2009 công ty này đã quyết định vào Việt Nam.

Khi môi giới ngoại mất “thiêng”

Đến thì rất rầm rộ nhưng sự ra đi của các công ty này lại khá lặng lẽ, thậm chí có công ty phá sản vì tiêu tốn hàng triệu đô la.

Aldy Vina, Setia BHD, NAI Việt Nam hay Coldwell Banker đến nay gần như vắng bóng trên thị trường. Hay có công ty khác đến Việt Nam vào 2009, nhiều dự án qua tay công ty này phân phối nhưng nay đã đóng cửa, tiêu tốn cả triệu đô la tại Việt Nam.

Trong khi đó, những anh cả như CBRE hay Savills thì hoạt động môi giới bất động sản (phân phối bất động sản) cũng không là mũi nhọn của họ. Trong khi, Savills thì chỉ tập trung cho một vài dự án điểm, thì CBRE Việt Nam gần như bỏ vẳng hoạt động này mà họ chỉ duy trì mảng dịch vụ thương mại, quản lý, tư vấn,…Các nhân sự cấp cao từ các công ty này cũng lần lượt ra đi, chuyển sang những tập đoàn, công ty lớn trong  nước.

Trong 2 năm qua, thị phần môi giới bất động sản đã nghiêng hẳn về một số đơn vị trong nước. Năm 2014, Đất Xanh và Hệ thống siêu thị dự án (STDA) là 2 đơn vị có số lượng giao dịch nhiều nhất trên thị trường, chiếm khoảng 50% thị phần.

Hầu hết các dự án được phân phối ra thị trường đều qua tay các công ty môi giới trong nước. Nhân sự kinh doanh (môi giới) ở những đơn vị này cũng tăng lên nhanh chóng.

Có thể thấy, hiện nay các công ty môi giới bất động sản nội đang chiếm lĩnh thị trường, những thương hiệu lớn trên thị trường như STDA, Đất Xanh, EZ Việt Nam, Liên minh sàn G5, liên minh sàn G9, sàn BĐS Hải Phát,…đang dần thay thế cho hàng loạt các thương hiệu “ngoại”.

Nhật Minh

2 “tử huyệt” khiến môi giới bất động sản ngoại đổ bể (Kỳ 2)

Kiều Thuật

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên