MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua sắm trực tuyến đang bùng nổ tại châu Á

Mua sắm trực tuyến đã vượt qua mua sắm truyền thống để trở thành hình thức nua sắm phổ biến nhất tại thị trường châu Á.

CBRE vừa công bố báo cáo ”Khảo sát người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Xu hướng mua sắm trực tuyến.” Khảo sát này tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử, cho thấy mua sắm trực tuyến đã vượt qua mua sắm truyền thống để trở thành hình thức nua sắm phổ biến nhất tại thị trường châu Á. Người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18 đến 24 được gọi là thế hệ Z – giữ vai trò chủ đạo trong thị trường bán lẻ khu vực trong vài năm tới.

Cụ thể, trong khi 50% người tiêu dùng châu Á – Thái Bình Dương vẫn trực tiếp mua sắm tại các cửa hàng, thì số liệu mới được công bố tại các thị trường mới nổi cho thấy rằng, 76% người tham gia khảo sát ở Trung Quốc và 68% ở Ấn Độ sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến như là cách mua hàng phổ biến nhất. Đây cũng là thực tế tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc (73%) và Đài Loan (55%).

Ông Jonathan Hsu, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE châu Á – Thái Bình Dương cho biết: ”Các thị trường mới nổi thường thiếu hụt không gian bán lẻ chất lượng, đặt biệt ở các thành phố cấp thấp, nhưng lại có lợi thế về công nghệ và hệ thống kho bãi, đồng nghĩa với việc bán lẻ trực tuyến là cách hiệu quả nhất cho các nhà cung cấp để tiếp cận được khách hàng.”

Cùng với sự tiện lợi, giá cả cũng là một trong những lý do khiến người tiêu dùng mua sắm trực tuyến – 63% người tham gia khảo sát cho rằng đó là yếu tố quyết định chính và đó cũng là câu trả lời của những người mua sắm tại cửa hàng.

Ông Joel Stephen, Giám đốc, Trưởng Bộ phận Bán lẻ CBRE Châu Á phát biểu: “56% người tiêu dùng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sử dụng máy tính bàn hoặc máy tính xách tay (laptop) để kiểm tra giá các sản phẩm trên mạng, do đó việc minh bạch giá là điều quan trọng mà các nhà bán lẻ phải cân nhắc".

Khả năng so sánh các sản phẩm mà không cần phải đi đến các cửa hàng hiện hữu là một nhân tố quan trọng khác thúc đẩy người tiêu dùng trong khu vực khi mua sắm trên mạng. Xu hướng này ngày càng thể hiện rõ hơn tại các thị trường mới nổi với những trung tâm mua sắm hoặc thương hiệu cao cấp thường nằm cách xa nhau như Việt Nam (64%), Trung Quốc (61%) và Ấn Độ (58%).

Trong báo cáo của mình, CBRE cũng cho biết thế hệ Z được kỳ vọng sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn tới thị trường bán lẻ trong những năm tới khi mức thu nhập của họ dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng khi gia nhập vào thị trường lao động.

“Thế hệ Z dành phần lớn thời gian của họ sử dụng internet và các công nghệ liên quan khác, nên người tiêu dung ở thế hệ này có hành vi mua sắm hoàn toàn khác với các nhóm thế hệ khác. Những khía cạnh chính trong thói quen mua sắm trên mạng của thế hệ Z bao gồm sự tin tưởng nhiều hơn vào các thông tin trên mạng, nhiều hoạt động trên các mạng xã hội hơn, và họ cần cảm nhận được sự khác biệt. Những nhân tố này khắc họa vai trò quan trọng ngày càng tăng của công nghệ trong việc định hình quá trình quyết định mua sắm của người tiêu dùng", Ông Hsu nhận định.

Để thích ứng với thời đại số, nhà bán lẻ và chủ tòa nhà cần chủ động hơn trong quá trình gia tăng tương tác với khách hàng. Giao dịch qua điện thoại di động là một công cụ khá phù hợp ở các thị trường mới nổi và tại nhiều nơi. “Chủ trung tâm thương mại và nhà bán lẻ nên nhaỵ bén hơn để bắt kịp với những xu hướng mới nhất về ứng dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội, từ đó xây dựng mối tương tác chặt chẽ với người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng thuộc thế hệ Z", ông Stephen nói.

Đại diện CBRE cũng cho biết, trên toàn châu Á, gần 70% người tiêu dùng đến cửa hàng để nhận sản phẩm đã đặt trực tuyến và có tới 90% số này mua thêm sản phẩm khác trong quá trình này. Đây là một cách hiệu quả để tăng doanh số bán hàng tại quầy, từ đó đồng bộ hóa môi trường bán hàng trực tuyến với môi trường bán hàng trực tiếp.

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên