MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành ô tô Việt Nam: Sẽ chuyển sang nhập khẩu?

25-09-2013 - 15:58 PM |

Dự án xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sau 20 năm triển khai đến nay gần như bằng không. Và các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước đang tính đến phương án nhập khẩu khi Hiệp định AFTA đang đến gần.

Nội dung nổi bật:

- Nhập khi nào? Từ bây giờ. Năm 20018, thuế suất nhập khẩu ô tô còn 0% (đối với các nước ASEAN) và 5% (với các nước ký kết với ASEAN). Nhiều hãng xe sản xuất trong nước đã tính \ chuyện nhập khẩu và tích cực mở rộng hệ thống phân phối. 

- Nhập từ đâu? Nguồn xe nhập từ AESAN hiện chỉ mới đến từ Thái Lan và Indonesia, nhưng sắp tới, xe nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản sẽ tăng mạnh. 

- Vì sao nhập? Khó cạnh tranh. Muốn hạ giá bán, DN phải có đủ nguồn linh kiện nội địa (công nghiệp phụ trợ), nhưng điều này vẫn chưa làm được sau gần 20 năm xây dựng nhưng ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. 



Tăng cường nhập khẩu


Năm 2018, theo lộ trình hội nhập AFTA, thuế suất các dòng xe nhập khẩu sẽ bằng 0% và xe từ các nước ASEAN sẽ vào Việt Nam một cách dễ dàng. Còn đến 5 năm nữa, lộ trình này mới thành hiện thực, nhưng hiện nay, các nhà sản xuất xe trong nước đã bắt đầu tính đến chuyện nhập khẩu. Hãng Toyota công bố sẽ đưa thương hiệu Luxes vào Việt Nam trong năm nay.

Tại triển lãm Vietnam Motor Show 2013 vào tháng 10 tới, những mẫu xe Luxes do Toyota Việt Nam đưa về sẽ được giới thiệu với người tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, Honda Việt Nam dù đang rất thành công với mẫu xe City ra mắt trong tháng 6 nhưng cũng đang lên kế hoạch nhập khẩu xe. 

Theo ông Tomohiro Maruto, Giám đốc Điều hành khối bán hàng ô tô Công ty Honda Việt Nam, sau ba tháng ra mắt mẫu xe City, Honda Việt Nam đã nhận được hơn 1.600 đơn đặt hàng nhưng đến cuối tháng 8, Công ty mới giao được hơn 300 xe cho khách. Hiện tại, Công ty đang tăng công suất sản xuất để có thể giao thêm 600 xe vào cuối năm nay. Thành công với mẫu xe lắp ráp trong nước là vậy, nhưng công ty này vẫn đang chuẩn bị nhập khẩu mẫu xe Accord mới vào cuối năm nay. 

Mitsubishi với thế mạnh của những dòng xe hai cầu cũng tuyên bố sẽ đưa hai dòng xe nhỏ về Việt Nam trong cuối 2013. Theo tiết lộ từ Hãng thì hai mẫu xe này hướng đến khách hàng nữ và sẽ được giới thiệu tại triển lãm ô tô trong tháng 10. Ford Việt Nam cũng đã nhập khẩu dòng xe bán tải Ranger từ Thái Lan.

Như vậy, tính đến nay, khá nhiều thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAWA) đã và đang tăng cường nhập khẩu. Năm 2012, mặc dù mức tiêu thụ chỉ đạt hơn 92.000 xe (giảm 33% so với năm 2011), nhưng các hãng vẫn liên tục mở rộng hệ thống phân phối. Dường như đây là bước chuẩn bị cho việc nhập khẩu khi thuế suất nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN còn 0%.

Ông Kiyoshi Teshima, Phó tổng giám đốc Công ty Vinastar (thương hiệu xe Mitsubishi), cho biết, song song với xe lắp ráp trong nước, Mitsubishi còn kinh doanh xe nhập khẩu. "Khi lộ trình hội nhập AFTA có hiệu lực thì để đảm bảo sự tồn tại của DN, các nhà sản xuất buộc phải cân nhắc giữa việc giảm giá thành và lợi nhuận, giữa việc lắp ráp và nhập khẩu xe, xem điều nào hiệu quả hơn để chuyển mô hình hoạt động", ông Kiyoshi Teshima cho biết.

Hiện nay, nguồn xe nhập từ AESAN chỉ mới đến từ Thái Lan và Indonesia, nhưng sắp tới, xe nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản sẽ tăng mạnh. Bởi, tuy không thuộc ASEAN nhưng ba nước này có ký hiệp định với ASEAN và lộ trình cắt giảm thuế đến năm 2018 cũng sẽ chỉ còn 5%.

Cái lý của nhập khẩu

Khi thuế suất còn 0% (đối với các nước ASEAN) và 5% (với các nước ký kết với ASEAN) thì việc xe nhập khẩu tràn về Việt Nam là điều không tránh khỏi. Để cạnh tranh, xe lắp ráp trong nước buộc phải giảm giá bán. Tuy nhiên, theo nhiều DN, điều này là không thể. Bởi hiện nay, thuế nhập khẩu linh kiện ở Việt Nam còn khá cao trong khi những nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã hưởng mức thuế 0.

Muốn hạ giá bán, DN phải có đủ nguồn linh kiện nội địa (công nghiệp phụ trợ), nhưng điều này đến nay vẫn chưa làm được. Đã vậy, gần 20 năm xây dựng nhưng ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn còn rất non trẻ. Mỗi năm cả thị trường chỉ tiêu thụ trên dưới 100.000 xe, trong đó có đến vài chục mẫu xe, mỗi mẫu chỉ sản xuất với số lượng nhỏ thì không thể giảm giá thành.

Khi lượng xe nhập khẩu tràn vào thì xe lắp ráp trong nước sẽ khó lòng cạnh tranh nổi. Ngay như Toyota, một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa 40% nhưng vẫn phải tính toán lại. Ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam thừa nhận, mặc dù đã tăng tỷ lệ nội địa lên gần 40% nhưng chi phí sản xuất ô tô của Toyota Việt Nam cao hơn so với tại Thái Lan và Indonesia. 

Với mức tiêu thụ thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia, nên chi phí sản xuất cao hơn là điều hiển nhiên. Theo ông Yoshihisa Maruta, vấn đề lớn nhất để tăng lượng tiêu thụ là giá thành phải thấp. Mà muốn vậy, Việt Nam phải phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam vào tháng 3/2012, ông Akito Tachibana, nguyên Tổng giám đốc Toyota Việt Nam đã nhận định là đến năm 2018, nhiều nhất chỉ còn ba DN ô tô có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, còn lại sẽ theo mô hình nhập khẩu, phân phối. Chưa biết đến lúc đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có diễn ra đúng như ông Tachibana nhận định hay không, nhưng hiện tại, xe nhập khẩu từ các thành viên VAMA vẫn không ngừng tăng lên.

Theo HỒNG NGA

kyanh

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên