MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn cung khách sạn đang giảm dần tại Đà Nẵng

Theo báo cáo thị trường khách sạn Đà Nẵng mà Công ty tư vấn bất động sản Alternaty vừa công bố, nguồn cung khách sạn trong tương lai tại Đà Nẵng dường như đang ít dần so với vài năm trước.

Theo Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao Đà Nẵng, tính đến tháng 6 năm 2013, thành phố có 355 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, cung cấp tổng cộng 11.447 phòng. Trong đó, có 54 khách sạn từ 3 - 5 sao với 5.323 phòng, 301 khách sạn 1 - 2 sao với 6.124 phòng.

Với cái nhìn lạc quan thì dự đoán tới năm 2015, Đà Nẵng sẽ có 429 khách sạn tương đương 15.560 phòng với điều kiện là tất cả các dự án đều diễn ra đúng tiến độ, nhưng điều này là khó có thể xảy ra. Thị trường Đà Nẵng đang chào đón và tiếp nhận phần lớn các nguồn cung mới được xây dựng phát triển trong những năm trở trước. Có thể kể đến những dự án mới gia nhập thị trường như InterContinental, Novotel và khu nghỉ dưỡng Pulchra.

Theo Alternaty, nguồn cung khách sạn trong tương lai dường như đang ít dần so với vài năm trước, với đa phần các dự án chưa hoàn thành, không có bất kì dấu hiệu xây dựng nào và khó có thể đảm bảo sẽ sớm đi vào hoạt động. Hai trường hợp ngoại lệ đáng chú ý là Melia dự kiến sẽ khai trương vào cuối năm nay với 117 phòng và 10 biệt thự trong giai đoạn đầu tiên. Trong khi Crowne Plaza đang trong quá trình mở rộng, dự kiến đến trước năm 2016 sẽ bổ sung 1.000 phòng khách sạn, một số căn hộ dịch vụ, biệt thự và trung tâm mua sắm.

 

Hoạt động của các khách sạn trong thành phố khác biệt rõ rệt so với các khu nghỉ dưỡng do sự đa dạng về nhóm khách, mùa du lịch và quốc tịch khách. Các khách sạn từ một đến ba sao chiếm lĩnh thị trường khách sạn trong thành phố. Chỉ trong thời gian gần đây, các thương hiệu cao cấp đã bắt đầu gia nhập thị trường như Grand Mer- cure (Quý III, 2011) và Novotel (khai trương thử nghiệm Quý II, 2013) cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn, đặc biệt dành cho khách hàng doanh nghiệp và người đi công tác.

Trong phân khúc khách sạn thành phố, các khách sạn bình dân với giá phòng trung bình trong khoảng 15 - 35 đô la/đêm. Phân khúc cao cấp đang ở mức 45 đô la/đêm. Mức giá này vẫn thấp hơn nhiều so với phân khúc khu nghỉ dưỡng. Các khách sạn trong thành phố có công suất phòng từ 45%- 65% ít biến động hơn so với các khu nghỉ dưỡng nhờ nguồn khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo và tham quan và các công ty từ TP.HCM và Hà Nội vào mùa thấp điểm. 

Alternaty cũng cho biết trong phân khúc khu nghỉ dưỡng ven biển, giá phòng trung bình đối với các khu nghỉ dưỡng quốc tế, chuyên biệt cao cấp vào khoảng 140 đô la một đêm, thấp nhất dưới 110 đô la cho những resort mới mở hoặc vừa được xây dựng lại thương hiệu và 170 - 180 đô la cho các resort cao cấp với những thương hiệu danh tiếng hơn. Giá phòng thường giảm 20% - 25% vào mùa thấp điểm. 

Các cơ sở lưu trú tại Hội An hướng tới phân khúc kinh tế với giá phòng trung bình 35 -50 đô la một đêm đối với các khách sạn chuyên biệt nhỏ trong khu phố cổ và dọc bên bờ sông trong khi những khu nghỉ dưỡng bên bờ biển đạt mức giá trong khoảng 95 đô la một đêm, thấp nhất là 75 đô la và 110 - 120 đô la cho những khu có chất lượng tốt. 

Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng trưởng 16,1% mỗi năm kể từ 2006. . Trong 6 tháng đầu năm 2013, lượng khách đạt 1,5 triệu lượt tăng 16,4% so với cùng kì năm trước. Lượng khách này được kì vọng sẽ tiếp tục tăng lên với tốc độ trung bình 14,5% mỗi năm để đạt được mục tiêu 4 triệu lượt vào 2015 và 8 triệu lượt vào 2020. Điều này có nghĩa chỉ trong vòng 3 năm từ 2012 - 2015, lượng khách du lịch dự kiến sẽ tăng 1,3 triệu lượt, tương đương mức kinh ngạc 48%. 





Tuệ Minh

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên