MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư “đòi” trả cầu Phú Mỹ

Khu vực Đông Sài Gòn vốn là một... vùng bưng nhưng từ khi cầu Phú Mỹ hoàn thành và đi vào hoạt động thì Q.2, Q.7 như được thay áo mới, làm thức dậy những tiềm năng của cả một vùng.

Tuy nhiên, số phận cây cầu này đang trải qua “sóng gió” chỉ vì những tắc trách trong hợp đồng (HĐ) đã ký giữa chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) và UBND TP HCM.
 
Dự án đầu tư BOT cầu Phú Mỹ với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.806 tỉ đồng thuộc tuyến đường vành đai 2 nối Q 7 với Q 2, kết nối Q 9, Thủ Đức tạo thành một vành đai vòng tròn đầu tiên của TP. Đáp ứng năng lực thông xe vào năm 2010 là 4.760 xe/giờ và đến năm 2020 là 8.400 xe/giờ, góp phần tăng năng lực giao thông cho khu vực trung tâm của TP HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 
Sinh lợi lớn từ việc khai phá “huyết mạch”
 
UBND TP đã xác định mục tiêu đầu tư tuyến đường vành đai phía đông (trên đó có cầu Phú Mỹ) cần được thông suốt để giảm áp lực giao thông ở trung tâm TP. Do đó, TP đã khẳng định quyết tâm hoàn thành đồng bộ tuyến đường vành đai phía Đông vào cuối năm 2009 nên đã có các khoản cam kết trong HĐ BOT (số 884A/UB-HĐ ngày 7/2/2005). Đồng thời, Cty PMC đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành cầu trước thời hạn 4 tháng.
 
Sau 3 năm đi vào hoạt động, cây cầu đã đánh thức hoàn toàn vùng đất phía Đông của TP khi giá trị BĐS ở đây tăng gấp vài chục lần so với trước. Hiện nay, phía Q.2 có 90% diện tích đất được phủ kín các dự án khu dân cư, cao ốc... Đồng thời, cây cầu đã biến Q.9 thành từ vùng bưng thành khu đô thị hiện đại với các dự án: Khang Điền, Nam Long hấp dẫn người dân tới định cư.

Đánh giá về vai trò của cầu Phú Mỹ, TS Trần Du lịch cho rằng: “Xây dựng cầu Phú Mỹ cho thấy hạ tầng giao thông đã đi trước một bước, mở ra việc di chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư. Từ đó, mở rộng không gian đô thị của TP không còn bó hẹp với 140 km2 ở bờ Tây sông Sài Gòn lên quy mô 500 - 600 km2”. Cũng theo ông Lịch, công trình này sẽ là “điểm tựa” đầu tiên để tạo sức bật, thu hút đầu tư và quan trọng nhất là để tái cấu trúc đô thị giải quyết cơ bản những vấn đề đô thị trầm kha hiện nay ở nội thành.
 
Còn đó nỗi niềm
 
Rõ ràng, cầu Phú Mỹ đã mang lại những giá trị to lớn khi đưa vào sử dụng, khoác thêm một chiếc áo mới cho bộ mặt đô thị TP HCM. Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại một số cam kết vẫn chưa được thực hiện.

Thứ nhất, TP vẫn chưa hoàn thành đồng bộ tuyến đường vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ tới Ngã tư Bình Thái nên cầu Phú Mỹ khó có thể thu phí. Điều này trái với cam kết quy định: “TP sẽ hoàn thành đồng bộ đường vành đai phía Đông với cầu Phú Mỹ, giao thông sẽ được thông suốt từ nút giao thông khu A Nam Sài Gòn qua cầu PM, cầu Rạch Chiếc tới Ngã tư Bình Thái khi cầu đưa vào khai thác”.
 
Thứ 2, TP vẫn chưa thực hiện phân luồng giao thông như cam kết: “Phân luồng giao thông phải được thực hiện như sau: Hạn chế các xe tải nặng toàn bộ phía trong tuyến đường vành đai phía Đông; Hạn chế tối đa xe tải nặng đi xuyên qua trung tâm TP hoặc qua các cầu như Khánh Hội, Kênh Tẻ, hầm Thủ Thiêm; Cầu Phú Mỹ sẽ đảm nhận toàn bộ luồng xe tải nặng qua tuyến đường vành đai phía Đông của TP”.
 
Do cả 2 điều kiện trên chưa được thực hiện đầy đủ theo hợp đồng nên lượng xe qua cầu Phú Mỹ cũng bị hạn chế nhiều và nguồn thu phí cũng rất khiêm tốn. Theo tìm hiểu, việc thu phí qua cầu hiện nay không đủ để trả lãi và nợ vay cũng có những nguyên nhân khách quan nằm ngoài khả năng kiểm soát của PMC.

Chính vì thế, ông Nghiêm Sỹ Minh - Chủ tịch HĐQT Cty PMC kiến nghị UBND TP cho phép Cty giãn nợ vay của HFIC (xin được trả nợ vay trong thời gian 15 - 20 năm); Ân hạn 5 năm hoặc hỗ trợ Cty vay ưu đãi của Quỹ đầu tư hạ tầng TP hoặc Ngân hàng Phát triển VN 1.000 tỉ đồng để có vốn trang trải công nợ. Theo ông Minh, “nếu tuyến đường vành đai phía đông của TP hoàn thành chậm hơn cầu Phú Mỹ trên 3 năm thì thời điểm sau 3 năm chậm trễ, Bên B sẽ chuyển giao công trình cho bên A quản lý, khai thác. Trong trường hợp này, bên A phải hoàn trả lại cho bên B toàn bộ vốn đầu tư của dự án, kể cả một phần lợi nhuận đầu tư”.

Theo ông Mĩnh, “dù PMC đã gửi TP văn bản về nội dung trên đến 3 lần nhưng PMC vẫn chưa nhận được văn bản trả lời chính thức nên Cty chưa biết hướng xử lý của TP ra sao ? Nếu không được giãn nợ hoặc vay vốn 1.000 tỉ đồng, Cty sẽ xin bàn giao lại cầu cho TP”.
 
Nhìn nhận vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng: Đối với dự án BOT, tinh thần hợp tác là nhà nước phải hỗ trợ DN trong việc thu lợi nhuận nhưng tốt nhất là các bên ràng buộc nhau trong hợp đồng, kể cả việc liệt kê những rủi ro chính sách và hướng ứng xử”.
 
Theo T. Huyền
DĐDN

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên