MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà ở xã hội: Vì sao người dân ở suốt 4 năm vẫn “dài cổ” chờ... sổ đỏ?

Nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) dù người dân đã về ở suốt 4 năm.

Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương thẩm định giá bán, giá cho thuê dự án nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng nhằm đẩy nhanh quá trình cấp “sổ đỏ” cho các dự án đã hoàn thành.

Trên thực tế, dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp đầu tiên ở Hà Nội, dù người dân đã về ở hơn 4 năm nay nhưng hiện vẫn chưa có giá chính thức do chủ đầu tư chưa quyết toán xong. Vì thế, người dân vẫn cứ "dài cổ" chờ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Điển hình cho việc "dài cổ" chờ "sổ đỏ" là một số dự án dưới đây.

Dự án CT Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) là dự án nhà thu nhập thấp đầu tiên tại Hà Nội, với hơn 300 căn hộ đã được người dân hồ hởi nộp đơn, xếp hàng mua với giá tạm tính hơn 8 triệu đồng/m2. Từ giữa năm 2011, dự án đã hoàn thành và bàn giao cho người dân.

Một dự án khác cũng dành cho người thu nhập thấp ở Kiến Hưng (Hà Đông). Dự án được khởi công từ tháng 8/2010 do liên danh Vinaconex Xuân Mai và Vinaconex 21 làm chủ đầu tư, được xây dựng trên tổng diện tích là 2,5ha, trong đó có 147.000 m2 sàn xây dựng.

Theo quy hoạch, khu nhà dành cho người thu nhập thấp tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) có quy mô gồm 5 tòa nhà 19 tầng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khi hoàn thành sẽ cung cấp 1.512 căn hộ dành cho người thu nhập thấp. Trong đó, Vinaconex Xuân Mai đảm nhiệm 3 tòa cao 19 tầng là 19T3, 19T5 và 19T6 với tổng số 864 căn hộ.

Tòa 19T3 đã được Vinaconex Xuân Mai hoàn thành và bàn giao cho người dân đến ở từ tháng 11/2012, còn hai tòa 19T5 và 19T6 cũng đã bàn giao cuối năm 2013.

Hơn 2 năm sinh sống ở căn hộ của mình, nhưng người dân dự án Kiến Hưng vẫn chưa biết giá chính thức căn nhà mình là bao nhiêu bởi hợp đồng mua nhà vẫn chỉ là mức giá tạm tính, hơn 11 triệu đồng/m2.

Không chỉ có cư dân ở Ngô Thì Nhậm, Kiến Hưng, người dân ở khu nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá 1 (Gia Lâm) cũng trong tình cảnh chờ đợi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của mình suốt 4 năm nay.

Cư dân ở đây khá bức xúc khi đã nộp hết tiền, thuế, phí bảo trì… mà 4 năm vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân, nhất là không làm được hộ khẩu.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, đại diện chủ đầu tư dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở CT1 Ngô Thì Nhậm và Kiến Hưng cho rằng, việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân ở hai dự án trên là lỗi của cả chủ đầu tư và cơ quan chức năng.

Ông Đa cho biết, đối với dự án CT1 Ngô Thì Nhậm, hiện chủ đầu tư đã hoàn tất hồ sơ gửi cơ quan chức năng để quyết toán giá, có thể đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc này và sang năm 2016 mới có thể làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người dân.

Đối với dự án ở Kiến Hưng, ông Đa cho hay, việc chậm quyết toán và đến nay chưa có giá chính thức cũng là do thay đổi quy hoạch nên dự án này đến nay vẫn chưa có quyết định giao đất. Do đó, thiếu giấy tờ thì chủ đầu tư cũng chưa thể hoàn thiện các thủ tục làm “sổ đỏ” cho người dân được.

Với dự án nhà ở tại khu đô thị Đặng Xá 1 (Gia Lâm) chủ đầu tư là Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Viglacera đã nộp hồ sơ quyết toán giá từ tháng 4/2014, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Việc chậm trễ này liên quan đến sự thay đổi chính sách của thành phố khi trước đây thành phố giao cho Sở Tài chính tiếp nhận và xử lý hồ sơ quyết toán giá của chủ đầu tư, nhưng sau đó lại giao cho Sở Xây dựng, kéo theo cách tính giá nhà cho dự án dành cho người thu nhập thấp cũng thay đổi.

Rõ ràng, việc chậm quyết toán giá đối với dự án nhà dành cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa có chế tài nào để xử phạt các chủ đầu tư.

Do đó, Hà Nội nên chăng cần có quy định cụ thể về thời hạn chủ đầu tư phải quyết toán giá, nếu chậm sẽ bị phạt thì mới có thể tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, tránh được sự thờ ờ, chậm trễ như thực tế hiện nay?!

Theo Nguyễn Lê

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên