MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tai nạn thang vận làm 3 người tử vong tại Hà Nội: Đâu là trách nhiệm của người sử dụng lao động?

Sau vụ tai nạn thang vận thương tâm xảy ra tại tổ hợp trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở hỗn hợp 52 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội sáng 4.12 làm 3 công nhân tử vong, cơ quan chức năng vẫn đang tích cực làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị trong việc để xảy ra tai nạn.

Tuy nhiên, dư luận lúc này đang quan tâm tới việc các nạn nhân sẽ được bồi thường như thế nào và trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động ra sao, bởi hầu hết nạn nhân đều là lao động thời vụ, không có hợp đồng lao động.

Vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng

Vào khoảng 10h20 sáng 4.12, khi đưa 3 công nhân lên tầng cao, thang máy công trình chung cư số 52 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ văng ra ngoài và rơi tự do từ khoảng tầng 20 xuống đất. Sau tiếng “ầm” rất mạnh, một công nhân từ trong buồng thang bắn ra ngoài, hai người còn lại mắc kẹt trong đống đổ nát. Sau nhiều giờ đào bới, cùng với sự hỗ trợ của các cần cẩu, thi thể hai nạn nhân mới được đưa ra khỏi đống đổ nát và chuyển về quê lo hậu sự. Nạn nhân văng ra ngoài được đưa đi cấp cứu, sau đó cũng tử vong tại bệnh viện.

Qua tìm hiểu được biết, tổ hợp trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở hỗn hợp đang được triển khai tại số 52 Lĩnh Nam do Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội (TCty Lilama) làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 450 tỉ đồng. Dự án khởi công từ tháng 2.2009, gồm 2 tòa tháp 23 tầng, 30 tầng và 17 nhà vườn liền kề 3 tầng. Thời điểm xảy ra tại nạn, nhà thầu thi công công trình này là Công ty cổ phần lắp máy cơ điện, đơn vị vận hành thang máy là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng lắp máy Thăng Long.

Danh tính của các công nhân tử nạn trong vụ tai nạn lao động thương tâm này là anh Lã Tuấn Anh (SN 1996, quê Phú Thọ) và anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1991, quê Ứng Hòa, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Ba (SN 1986 quê Hà Nam, người tử vong tại bệnh viện).

Sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 3 người tử vong, Bộ Xây dựng đã cử đoàn công tác do Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Phạm Minh Hà làm Trưởng đoàn xuống kiểm tra trực tiếp hiện trường. Tại hiện trường, đoàn công tác đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, đánh giá nguyên nhân dẫn đến cẩu vận hành thang máy bị rơi tự do, sập gẫy. Qua sự việc này, đoàn kiểm tra một lần nữa khuyến cáo các địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu phải coi trọng và tăng cường kiểm soát công tác an toàn trong thi công xây dựng.

Cục trưởng Phạm Minh Hà đề nghị các nhà thầu thi công phải đặc biệt lưu ý bảo đảm an kết cấu giàn giáo, bảo đảm an toàn đối với máy thiết bị nâng hạ, các máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng… Đối với chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công phải thường xuyên theo dõi kiểm tra việc thực hiện biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn của nhà thầu thi công xây dựng. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm phải yêu cầu dừng thi công và có chế tài xử phạt trong hợp đồng nếu để mất an toàn…

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Qua tìm hiểu, để giảm thiểu thấp nhất các chi phí, chủ đầu tư, đơn vị thi công những dự án bất động sản trên địa bàn TP.Hà Nội thường không ký hợp đồng lao động mà sử dụng lao động theo thời vụ. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của người sử dụng lao động đến đâu nếu xảy ra những vụ tai nạn lao động tương tự.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú thuộc Đoàn luật sư Hà Nội và được biết: “Đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất là trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Để hoạt động sản xuất diễn ra an toàn, chủ đầu tư, người sử dụng lao động phải lập phương án về các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, sử dụng các loại máy móc, thiết bị, vật tư, năng lượng, điện, hóa chất... theo quy chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã công bố, áp dụng. Đối chiếu với vụ tai nạn lao động tại số 52 Lĩnh Nam nêu trên, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải đảm bảo máy móc thiết bị sử dụng tại công trường đạt tiêu chuẩn. Đây là trách nhiệm của những đơn vị này”.

Do đặc thù công việc, chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công thường sử dụng lao động mùa vụ trong các dự án xây dựng. Lao động mùa vụ hoặc theo công việc nhất định là lao động có thời hạn dưới 12 tháng, công trình hoàn thành hoặc không tiếp tục triển khai thì quan hệ lao động giữa hai bên cũng sẽ chấm dứt. “Do những lao động mùa vụ thường không được ký kết hợp đồng lao động nên chủ đầu tư sẽ tiết kiệm được khoản chi phí bảo hiểm và nhiều khoản chi phí lớn khác.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người lao động. Khi xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 144, Bộ luật Lao Động năm 2012. Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn, tuy nhiên việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động sẽ hạn chế rất nhiều những rủi ro đặc biệt là trong những ngành nghề như ngành xây dựng”, luật sư Tú cho biết thêm.

Khoản 1, Điều 144 Bộ luật Lao động: Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, chủ sử dụng lao động còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người lao động trong trường hợp có lỗi hoặc trợ cấp cho người lao động nếu lỗi do người lao động theo quy định tại Điều 145, Bộ luật Lao động năm 2012.

Theo HÀ NAM

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên