MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao tư nhân lại trông đợi ở PPP?

Việc ban hành một nghị định riêng về PPP tạo ra một khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn cho chương trình PPP mà Chính phủ đặt ra.

Tóm tắt:

-Mặc dù PPP ở Việt nam đã có thí điểm triển khai trong vài năm qua nhưng thị trường cạnh tranh triển khai các dự án PPP một cách bài bản thì chưa được khai thác và phát triển hết tiềm năng vốn có của nó.

-Việc tạo ra  một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, hoàn thiện hơn cho chương trình PPP mà Chính phủ đặt ra là hết sức cần thiết. Đây cũng có thể được coi là bước đột phá cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng của Việt nam trong thời gian tới.


Giữa tháng 2 vừa qua Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), sau khi được triển khai thí điểm từ năm 2010 theo Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là tin vui đến với các doanh nghiệp khối tư nhân. Bởi việc ban hành một nghị định riêng về PPP tạo ra một khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn cho chương trình PPP mà Chính phủ đặt ra. Điều này phát đi tín hiệu mạnh mẽ về sự cam kết của Chính phủ về hình thức đầu tư có nhiều cơ hội này cho khối doanh nghiệp tư nhân kể cả trong nước và nước ngoài.

Mở ra “cuộc chơi” sòng phẳng

Để tìm hiểu rõ hơn về tầm quan trọng cũng như mục đích ra đời của Nghị định này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hà Cường, chuyên gia về PPP - thành viên Ban cố vấn của công ty MCG Consulting.

Ông có thể cho biết về tầm quan trọng của Nghị định về PPP trong bối cảnh hiện nay?

Ông Hà Cường: Việc tạo ra  một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, hoàn thiện hơn cho chương trình PPP mà Chính phủ đặt ra là hết sức cần thiết. Chỉ khi phía tư nhân nhận thấy quyết tâm của Chính phủ và những cam kết một cách cụ thể thì tư nhân mới bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực đầu tư còn mới mẻ này tại Việt nam.

Mặc dù PPP ở Việt nam đã có thí điểm triển khai trong vài năm qua nhưng thị trường cạnh tranh triển khai các dự án PPP một cách bài bản thì chưa được khai thác và phát triển hết tiềm năng vốn có của nó.

Hiện Việt nam đang cần thu hút mạnh nguồn vốn tư nhân từ nước ngoài vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi nguồn vốn cho phát triển hạ tầng là vô cùng lớn mà nguồn lực trong nước đang hết sức hạn chế. Do vậy đây cũng có thể được coi là bước đột phá cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng của Việt nam trong thời gian tới.

Vậy, những cam kết của Chính phủ là gì, thưa ông?

Ông Hà Cường: Một là, phải có hành lang pháp lý phù hợp và có hiệu lực cho việc phát triển thị trường;

Hai là, phải có sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, thống nhất từ cấp cao nhất của Chính phủ tới các thành viên Chính phủ, các bộ ngành và địa phương

Ba là phải tạo được các quỹ hỗ trợ xây dựng đề xuất  dự án, xây dựng được danh mục các dự án để mời chào các nhà đầu tư tư nhân; phải có các quỹ phát triển hạ tầng cung cấp vốn mồi, vốn dài hạn hỗ trợ nhà đầu tư tư nhân trong quá trình GPMB hoặc đảm bảo tính khả thi về mặt tài chính cho các dự án, đảm bảo được lợi nhuận mà phía tư nhân mong muốn; Đồng thời Chính phủ cũng cam kết gánh bớt  những rủi ro…

Việc đầu tư các dự án theo hình thức PPP đã được triển khai, vậy Nghị định này ra đời có điểm gì mới?

Ông Hà Cường: Theo tôi hiểu Nghị định này sẽ tạo ra một sân chơi sòng phẳng đúng nghĩa để đầu tư dự án PPP, đó là cạnh tranh công bằng. Tất cả các nhà đầu tư tư nhân khi đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định tùy theo từng dự án cụ thể có thể tham gia đầu tư các dự án PPP có tính cạnh tranh cao.

Trước đây, các doanh nghiệp tư nhân đã từng triển khai dự án BOT, BT,…nhưng Chính phủ cũng đã nhìn nhận được còn nhiều tồn tại, vướng mắc với những dự án này bởi nó không đảm bảo tính cạnh tranh và còn tồn tại cơ chế xin-cho đằng sau những quyết định đầu tư các dự án như vậy.

Ngoài ra việc thực thi các cam kết từ cả hai phía chưa được nghiêm túc vì chưa có đủ hành lang pháp lý nên kết quả thu hút vốn tư nhân chưa được như mong muốn.

Do đó, Nghị định này có thể là bước đột phá để thay đổi và tạo ra được sân chơi công bằng hơn cho các DN tư nhân tham gia.

Tôi lấy ví dụ trước đây một số doanh nghiệp thường được các Ban quản lý dự án chỉ định dưới hình thức xin –cho, dễ nảy sinh tiêu cực. Chính vì vậy nhiều đơn vị có đủ tiềm lực không hào hứng tham gia hoặc chịu sức ép nhất định.

Còn hiện nay khi chính sách PPP thay đổi mở ra cho tất cả nên họ tham gia một cách sòng phẳng, chứ họ không phải “chạy” dự án. Đây là điều tôi nghĩ sẽ thay đổi lớn từ nay trở đi trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng.

Cơ hội lớn hơn

Nghị định này đem lại cơ hội nào cho các doanh nghiệp tư nhân?

Ông Hà Cường: Thực ra PPP có thể triển khai trên rất nhiều lĩnh vực. Tùy theo mức độ vốn cụ thể để các DN Việt Nam lựa chọn cho mình những mảng, những phân đoạn của thị trường để tham gia. Đây cũng là cơ hội mới cho phía tư nhân. Trước đây lĩnh vực phát triển hạ tầng chủ yếu là các DN nhà nước thì nay cơ hội cho tư nhân tham gia là rất lớn.

Đồng thời Việt nam cũng đang nhắm đến các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài. Bởi với tiềm lực tài chính mạnh, kết hợp trình độ quản lý và công nghệ hiện đại của họ, chúng ta có thể kỳ vọng hệ thống cơ sở hạ tầng của VN phát triển sánh tầm với các nước trong khu vực.

Sau này khi môi trường đầu tư PPP minh bạch hơn, cải thiện hơn thì cơ hội đối với các nhà đầu tư tư nhân lớn hơn. Bởi trước đây chỉ có DN nào biết thông tin mới giành được dự án. Còn giờ thì mở ra cơ chế minh bạch, công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đấu thầu cạnh tranh thì đơn vị nào có vốn mạnh, công nghệ cao, trình độ tốt sẽ có cơ hội phát triển.

>>>PPP ra đời, hàng loạt dự án BOT giao thông chục nghìn tỷ đồng khởi động

Gia Bảo (thực hiện)

Kiều Thuật

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên