MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới đang ‘vỗ béo’ cho những tay ‘lái súng’

07-06-2013 - 09:04 AM |

Trái ngược với tình trạng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, thị trường vũ khí thế giới lại đang trải qua những ngày “phất như diều gặp gió” và các nhà sản xuất súng đạn đang vớ bẫm.

Ý – Ngôi sao mới nổi

Theo tiết lộ của nhật báo L’Unità (Roma) trong số ra mới đây, ngành công nghiệp sản xuất các loại vũ khí này của Ý ước tính đạt doanh số mỗi năm đến 5,2 tỷ euro và tăng trưởng với quy mô chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Theo số liệu chính thức của chính phủ Ý, trong năm 2012, ngành công nghiệp vũ khí hạng nhẹ của nước này sản xuất đến 840.000 đơn vị sản phẩm, tức tăng 11% so với năm 2011.

Tại tỉnh Brescia thuộc vùng Lombardia, nơi tập trung đến 90% các công ty sản xuất vũ khí hạng nhẹ và sản xuất 80% các loại vũ khí thuộc nhóm “vũ khí sử dụng cho các hoạt động thể thao, văn hóa, lịch sử và giải trí”, tức các loại vũ khí không bị chi phối bởi nghị quyết quy định điều kiện xuất khẩu các loại vũ khí vừa được Liên Hiệp Quốc thông qua.

L’Unità cho biết thêm, vũ khí “Made in Brescia” tiêu thụ trên thị trường Mỹ đã tăng gấp đôi vào năm 2012. Doanh số bán ra tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 năm. Lebanon cũng là nơi vũ khí Ý bán rất chạy, vì đây là nước mà chính quyền Assad và ngay cả lực lượng nổi dậy tại Syria tìm mua vũ khí. Maroc cũng được xem là một trong những thị trường lớn. Libya và Ai Cập trước đây cũng là bạn hàng chính của vũ khí Ý còn Bélarus, Nam Phi và Turkménistan cũng là một thị trường tiềm năng của vũ khí “Made in Brescia”.

Cũng bàn về vũ khí hạng nhẹ, tuần san L’Express  cho biết vũ khí hạng nhẹ cũng là một “đặc sản” của Thụy Sĩ. Người dân nước này được quyền sở hữu vũ khí nóng. Hiện tại, Thụy Sĩ có khoảng 8 triệu dân, nhưng có đến 3,4 triệu vũ khí đang lưu hành trong dân. Với con số này, Thụy Sĩ được xem là nước thứ ba trên thế giới có người dân sở hữu vũ khí nhiều nhất, tức chỉ sau Mỹ và Yemen.

Mỹ ngày càng nhận được nhiều hợp đồng đặt mua tiêm kích tàng hình thế hệ 5, F-35 Lightning II 

Nhưng ‘béo nhất’ vẫn là các đại gia Mỹ, Nga, Pháp

Theo thống kê của trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới TSAMTO về tình hình xuất khẩu vũ khí trên thế giới, top 3 quốc gia xuất khẩu vũ khí trong năm 2012 lần lượt là Mỹ, Nga và Pháp, theo sau là các nước Đức, Anh, Israel. Trung Quốc là nước châu Á duy nhất góp mặt trong top 10 với vị trí thứ 8.

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu vũ khí Mỹ đạt 25,517 tỷ USD, chiếm 36,54% kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu (gần gấp đôi Nga đứng vị trí thứ 2 và gấp hơn 4 lần nước đứng thứ 3 là Pháp). Chỉ tính riêng những hợp đồng đã ký kết và các công bố ý định đặt mua thì sang năm 2013, dự kiến kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ là 24,114 tỷ USD, chiếm 40,05% tổng kim ngạch.  

Trước đó, theo thông tin được Reuters đăng tải dẫn theo lời giám đốc Cơ quan hợp tác quốc phòng Mỹ (DSCA) Richard Genaille, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí, trang bị của Mỹ trong năm 2012 đạt con số kỷ lục là 60 tỷ USD. Căn cứ vào tài liệu do ông Genaille công bố, DSCA hiện có 13.000 hợp đồng quân sự với nước ngoài với tổng trị giá ước đạt 385 tỷ USD.

Không được “hoành tráng” như Mỹ nhưng riêng trong năm 2012, ngành công nghiệp vũ khí Nga cũng đã thu về 13,3 tỷ USD, chiếm 19% doanh thu trên toàn thế giới.

Tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30MK2 của Venezuela mua từ Nga.

Ông Igor Korotchenko, giám đốc TSAMTO cho biết, trong giai đoạn 2012-2015,  Ấn Độ, Venezuela và Việt Nam là 3 khách hàng lớn nhất của Nga. Vị trí thứ tư thuộc về Trung Quốc với việc họ sẽ chi 2,8 tỷ USD và khách hàng lớn thứ năm là Syria với khoản chi khoảng 1,6 tỷ USD để mua vũ khí Nga.

Theo thống kê của TSAMTO, năm 2012 Pháp được xếp vào hàng thứ 3 trên thị trường xuất khẩu vũ khí với 5,613 tỷ USD, chiếm 8,04% thị trường thế giới. Chiếm vị trí thứ 4 trong danh sách 10 nước xuất khẩu vũ khí năm 2012 là Đức với 4,57 tỷ USD, bằng 6,54% tổng kim ngạch giao dịch thương mại vũ khí. Trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Anh đạt 3,239 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 5, chiếm 4,64% tổng giá trị xuất khẩu thế giới.

Nước châu Á duy nhất, Trung Quốc lọt vào Top 10 với vị trí thứ 8 khi đạt kim ngạch xuất khẩu 1,954 tỷ USD, bằng 2,8% tổng giá trị các hợp đồng xuất khẩu.

duchai

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên