MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bán lẻ: Cuộc chơi của những ông lớn

Thị trường bán lẻ Việt, vốn được coi là mảnh đất màu mỡ, đang chứng kiến các ông lớn nội và ngoại mở rộng kinh doanh.

Tóm tắt

-  Trong quý 1/2015, thị trường đã chứng kiến các nhà bán lẻ cả nội và ngoại đều có những hoạt động tích cực. Vincom Retail mở rộng chuỗi cửa hàng Vinmart+, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) và hai tập đoàn đến từ Thái Lan (BJC và Central Group) cũng mở rộng kinh doanh bằng cách hợp tác với các nhà bán lẻ nội.

- Theo dự báo của các chuyên gia và các công ty tư vấn, trong năm 2015 ngành bán lẻ sẽ tiếp tục sôi động và chứng kiến những cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các DN, đặc biệt là giữa DN ngoại và nội.


Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng. Hiện nay Việt Nam đang có trên 90 triệu dân, lực lượng dân số trẻ chiếm hơn một nửa. Mức GDP trung bình của nước ta đang xấp xỉ gần 2.000 USD/người. Trong tương lai giá trị này sẽ ngày càng tăng và đó là tiền đề cho sự phát triển của bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là bán lẻ hiện đại.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 TTTM, số cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi) mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm.

Chính vì thị trường bán lẻ vẫn rất tiềm năng nên trong quý 1/2015, thị trường đã chứng kiến các nhà bán lẻ cả nội và ngoại đều có những hoạt động tích cực. Vincom Retail mở rộng chuỗi Vinmart +, bao gồm các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi, VinFashion và tiếp tục lên kế hoạch triển khai hai thương hiệu mới VinPro (cửa hàng điện tử) và VinDS (trung tâm thương mại tổng hợp) trong năm 2015.

Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) và hai nhà bán lẻ khác đến từ Thái Lan (BJC và Central Group) cũng tích cực mở rộng thông qua hợp tác với các nhà bán lẻ trong nước. Cụ thể, tập đoàn Aeon đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% của Citimart để quảng bá sản phẩm và củng cố, mở rộng hệ thống phân phối của họ. BJC mua Family Mart và đặt mục tiêu mở rộng lên đến 300 cửa hàng vào năm 2018, Central Group mua lại 49% cổ phần của Trung tâm điện máy Nguyễn Kim – chuỗi cửa hàng điện máy của Việt Nam.

Ngoài ra, thương hiệu thời trang hạng sang của Ý là Gucci và Hollys Coffee của Hàn Quốc cũng đã xuất hiện tại TPHCM trong quý 1.

Theo dự báo của các chuyên gia và các công ty tư vấn, trong năm 2015 ngành bán lẻ sẽ tiếp tục sôi động và chứng kiến những cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp ngoại và nội. Nguyên là là kể từ ngày 1/11/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Bên cạnh đó, năm 2015 là năm khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Chưa kể tới việc hiệp định TPP với 12 nước tham gia sẽ có thể được ký kết trong năm 2015. Với hiệp đinh này hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan.

Lan Nhi

 

Trịnh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên