MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền từ vốn ngoại đang chảy vào BĐS

"Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặc biệt quan tâm tới Việt Nam, nhu cầu đầu tư vẫn tiếp tục vượt nguồn cung đặc biệt đối với các tài sản đang được khai thác kinh doanh".

Trong khi nhiều công ty đầu tư bất động sản nước ngoài vẫn đứng ngoài chờ đợi và quan sát do quan ngại về tình trạng ốm yếu của thị trường bất động sản thì một số khác vẫn âm thầm tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án bất động sản mới tại Việt Nam.

Ngay từ cuối năm 2013, hàng loạt thương vụ mua bán có giá trị lớn cũng đã diễn ra như Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) và các công ty con đã thực hiện thương vụ mua lại cao ốc văn phòng Gemadept Tower (Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM); Công ty Becamex Tokyu (liên doanh giữa tỉnh Bình Dương và Nhật) công bố khu thương mại của khu đô thị Tokyu Binh Duong Garden City để mời gọi các nhà bán lẻ vào dự án tỷ đô này; Tập đoàn Keppel Land (Singapore) đã nhận được giấy phép đầu tư vào dự án Khu Đô thị Hà Nội Westgate....

Mới đây nhất, ngày 20/2 dự án phát triển khu phức hợp khách sạn Hilton Đà Nẵng tại thành phố Đà Nẵng do Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại Khách sạn Bạch Đằng làm chủ đầu tư đã được khởi động lại nhờ có sự tham gia góp vốn của một đối tác nước ngoài. Tên của đối tác nước ngoài này chưa được tiết lộ. Được biết, chủ đầu tư và đối tác nước ngoài đang làm các thủ tục liên quan để góp vốn. Như vậy, dự án Hilton Đà Nẵng sẽ không còn là dự án đầu tư 100% vốn trong nước như trước đây.

Trước đó, ngày 14/1 Tập đoàn Rose Rock (Mỹ) đã cam kết đầu tư vào vịnh Vũng Rô (Phú Yên) tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng khoảng 2,5 tỉ USD. Nằm tại vị trí khá lý tưởng thuộc tỉnh Phú Yên, gần thành phố Tuy Hòa và sân bay Đông Tác, tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng Vịnh Vũng Rô được kỳ vọng sẽ đáp ứng các nhu cầu lưu trú đa dạng của du khách nội địa cũng như quốc tế, từ việc tham quan nghỉ dưỡng, thương mại đến việc lưu trú dài hạn. Theo quy hoạch, Dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng Vịnh Vũng Rô sẽ được phát triển gồm ba khu chính là The Marina, The Village và Bãi Môn.

Còn hàng loạt các tên tuổi lớn cũng đã công bố kế hoạch đầu tư "khủng" vào BĐS trong thời gian tới như Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) lên kế hoạch triển khai xây dựng một khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư khoảng 950 triệu USD. Cũng tại Quảng Ninh, Tập đoàn Amata (Thái Lan) sẽ đầu tư khu đô thị công nghệ cao khoảng 2 tỉ USD...

Đánh giá về triển vọng thị trường trong thời gian tới, Giám đốc Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương nhận định, nhiều khả năng khối ngoại sẽ đổ vào thị trường Việt Nam nhiều hơn trong năm 2014 do các động thái nới room ngoại, luật đất đai mới thông qua tăng tính minh bạch cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như dự thảo về quyền sở hữu của người nước ngoài đối với bất động sản.

Trong những năm trước, dòng vốn FDI vào bất động sản chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... Thì "đến năm 2014, mặc dù chúng ta có thể không bao giờ ngờ tới nhưng dòng vốn từ Trung Quốc sẽ là nguồn tài trợ lớn nhất của các giao dịch bất động sản. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặc biệt quan tâm tới Việt Nam nhưng họ vẫn chưa thấy nhiều cơ hội tiềm năng. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư vẫn tiếp tục vượt nguồn cung đặc biệt đối với các tài sản đang được khai thác kinh doanh", Tổng giám đốc CBRE Marc Townsend cho hay.

Lan Anh

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên