MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tòa Keangnam rao bán gần 800 triệu USD: Giá đã hợp lý?

Với mức giá gần 800 triệu USD nhà đầu tư nội sẽ khó tiếp cận, cơ hội chủ yếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tóm tắt

-  Keangnam Landmark 72 đang được Tòa án Hàn Quốc, thông qua công ty quản lý bất động sản Colliers International, rao bán ở mức 830 tỷ won (khoảng 770 triệu USD).

- Theo đánh giá của giới chuyên môn, với mức giá gần 800 triệu USD nhà đầu tư nội sẽ khó tiếp cận, cơ hội chủ yếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài.


Tờ báo kinh tế Hàn Quốc Hankyung mới đây đưa tin, công trình xây dựng cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72 đang được Tòa án Hàn Quốc, thông qua công ty quản lý bất động sản Colliers International, rao bán ở mức 830 tỷ won (khoảng 770 triệu USD).

Được biết, Ngân hàng Goldman Sachs và quỹ đầu tư Qatar Investment Authority (QIA) là hai đơn vị đang có ý định mua tòa nhà Keangnam Landmark Hà Nội.

Keangnam Landmark 72 - Tòa nhà với nhiều tai tiếng

Keangnam Landmark 72 là tòa nhà cao nhất Việt Nam và có lẽ cũng là tòa nhà cao tầng vướng nhiều tai tiếng nhất Việt Nam khi ngay từ lúc triển khai đến khi đưa vào hoạt động.

Suốt quá trình xây dựng và điều hành Landmark 72, Keangnam liên tiếp vướng phải những rắc rối lớn về sai phạm an toàn xây dựng (khiến 7 công nhân tử vong), vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là không ít vướng mắc chưa thể tháo gỡ với cư dân hai tòa chung cư cao cấp 48 tầng về vấn đề ăn gian diện tích xây dựng, giá và chất lượng dịch vụ, phí chung cư đắt đỏ. Năm 2012, chủ đầu tư này còn dọa cắt điện, cắt thang máy của cư dân, rồi tuyên bố sẽ trả lại tòa nhà cho TP Hà Nội vì... lỗ, phí chung cư không đủ trang trải phí vận hành tòa nhà. Chủ đầu tư này cũng từng bị phạt do thanh toán căn hộ bằng ngoại tệ, phải hầu tòa do khách hàng kiện tính gian diện tích...

Mới đầu năm nay, tại tòa nhà này lại chứng kiến một sự kiện khá hy hữu khi thương hiệu bán lẻ hạng sang ngoại có mặt tại Việt Nam từ lâu là Parkson đột ngột tuyên bố đóng cửa trung tâm mua sắm lớn nhất của mình tại Hà Nội với nguyên nhân là làm ăn thua lỗ và còn nhiều khúc mắc với phía Keangnam Hanoi Landmark 72.

Dù vấp phải khá nhiều tai tiếng nhưng thông tin tòa nhà Keangnam đang được rao bán khiến không ít người ngỡ ngàng tiếc nuối, tham vọng của ông lớn xây dựng Hàn Keangnam Enterprise đối với vụ đầu tư xây dựng tòa Keangnam Hanoi Landmark Tower trị giá 1,05 tỷ USD tại Hà Nội chưa tới ngày "hái quả", đã đứng trước nguy cơ sang tên, đổi chủ.

Được biết, hiện nay Tập đoàn Keangnam đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sau bê bối tham nhũng và hành động tự sát của vị chủ tịch Sung Wan-Jong. Ngay sau đó, sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc đã tuyên bố xóa tên của tập đoàn này. Trong thời gian tới, nếu không có nhà đầu tư mua lại hoặc rót vốn mới vào công ty, tòa án sẽ phải tuyên bố Keangnam bị phá sản.

Giá bán có hợp lý?

Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower cao 72 tầng gồm 3 tòa nhà cao tầng. Trong đó có 2 tòa nhà chung cư cao 48 tầng với 922 căn hộ cao cấp, hoàn thành, bàn giao căn hộ vào tháng 3.2011. Vào thời điểm thị trường BĐS sốt nóng, giá căn hộ tại đây được rao bán ở mức cao kỷ lục khoảng 3.000 USD/m2, khoảng 7-8 tỷ đồng/căn.

Tòa nhà tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm giải trí cao 72 tầng, khoảng 350 mét - cao nhất Việt Nam. Khu vực văn phòng hạng A từ tầng 12 đến tầng 46. Từ tầng 48 đến tầng 60 là khu căn hộ dịch vụ cho thuê, còn từ tầng 62 đến 70 là khách sạn Intercontinental.

Về mức giá bán 830 tỷ won (khoảng 770 triệu USD) được thông báo gần đây, không ít người thắc mắc về các tiêu chí để định giá tòa nhà. Bởi theo thông tin công bố từ trước, tổng mức đầu tư cho toàn bộ công trình là hơn 1 tỷ USD, bao gồm 2 tòa chung cư và tòa nhà tổ hợp văn phòng, TTTM, khách sạn. Tuy nhiên, thực tế, các căn hộ ở hai khối nhà 48 tầng đã được bán gần hết cho các cư dân.

Bên cạnh đó, tòa 72 tầng sau 4-5 năm đi vào hoạt động đã phải tính tới khấu hao, hư hại công trình.

Hơn thế nữa, việc Parkson đột ngột tuyên bố đóng cửa trung tâm mua sắm lớn nhất của mình tại phần nào cho thấy những vấn đề bất cập trong hoạt động thương mại tại đây.

Một điều đặc biệt nữa là hiện nay mảng văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đang trong giai đoạn khó khăn.

Theo Công ty tư vấn BĐS CBRE, hai năm gần đây, loại căn hộ dịch vụ cho thuê đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh khốc liệt do sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn cung căn hộ cao cấp. CBRE ghi nhận, quý 1/2015 giá chào thuê trung bình hầu như ổn định đối với cả hạng A và B lần lượt là 33,3 USD và 24,0 USD. Tuy nhiên, giá chào thuê trong thời gian tới sẽ theo đà giảm dưới sự cạnh tranh của thị trường.

Còn đối với mảng văn phòng cho thuê, Công ty tư vấn Jones Lang LaSalle cho rằng, sẽ có gần 95.000 m2 diện tích văn phòng dự kiến gia nhập thị trường Hà Nội trong năm 2015. Giá thuê văn phòng được dự kiến sẽ tiếp tục giảm do áp lực từ nguồn cung tương lai. Tình trạng dư thừa nguồn cung và giá thuê dự kiến thấp của các tòa nhà mới sẽ tạo áp lực lên giá thuê của các tòa nhà hiện hữu.

Trao đổi với chúng tôi về khoản tiền gần 800 triệu USD tòa án Hàn Quốc định giá tòa Keangnam Landmark 72, ông Phạm Hải Đăng-Chủ tịch Keller Williams Commercial Northern Việt Nam cho rằng: "Để xác định được giá một BĐS cần phải có 3 hướng tiếp cận: thứ nhất là chi phí đầu tư, thứ hai là triển vọng để có dòng thu nhập, thứ ba là so sánh với các giao dịch khác trên thế giới. Đối với tòa Keangnam, triển vọng dòng thu nhập trong tương lai là điều đáng cân nhắc bởi hiện nay mảng văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đang ở giai đoạn khó khăn".

Ông Đăng cũng cho rằng, với mức giá gần 800 triệu USD nhà đầu tư nội sẽ khó tiếp cận. Cơ hội chủ yếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài.


Thanh Ngà

Trịnh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên