MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung tâm thương mại đìu hiu và nỗi buồn mất chợ truyền thống

Chợ trong các trung tâm thương mại và bản thân các trung tâm thương mại đa chức năng đều hoạt động không hiệu quả.

Ngày nay, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng văn minh, hiện đại, nhiều chợ truyền thống đã được quy hoạch để phù hợp hơn với sự phát triển của đô thị. Tuy nhiên, việc các trung tâm thương mại ế ấm và chợ truyền thống thì "đìu hiu" đã đặt ra bài toán về mô hình nào cho phù hợp với nhu cầu mua sắm của phần đông khách hàng.

Chợ cao cấp ế ẩm


Trên địa bàn Hà Nội, một số chợ truyền thống trước đây vốn rất đông đúc, sau khi chuyển đổi công năng để phù hợp hơn với sự phát triển của Thủ đô, đến nay đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế.

Trung tâm thương mại (TTTM) Hàng Da Galleria, sau một thời gian đóng cửa để tái cơ cấu, nhưng cũng không cải thiện được thực trạng. Dù chợ này đã chọn lựa phương án bán hàng truyền thống và các đặc sản vùng miền nhằm phù hợp với túi tiền của người dân, song thực tế vẫn ì ạch.

Chị Đào thị Thanh, nhân viên bán hàng chợ Hàng Da chia sẻ: “Tình trạng ế ẩm vẫn xảy ra thường xuyên, có ngày chẳng có khách nào đến thăm cửa hàng”.

Theo một số nhân viên bán hàng tại TTTM Hàng Da, hiện nay Ban quản lý chợ đang thu hút các chủ cửa hàng bằng cách miễn tiền thuê cửa hàng, chỉ phải đóng tiền dịch vụ. Chính sách thu hút là vậy nhưng hiện nay tại TTTM Hàng Da vẫn còn rất nhiều gian hàng trống.

Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu việc bình dân hóa các mặt hàng có phải là phương án tối ưu và chắc thắng? Sự ế ẩm có thể thấy rõ ở những gian hàng còn trống ở tầng 1, tầng 2 và sự lèo tèo của lượng khách lui tới tại TTTM Hàng Da.

Tại chợ Cửa Nam, dù trưng biển là chợ, nhưng chúng tôi tìm mỏi mắt mới thấy một cửa hàng thực phẩm tiện ích ở dưới tầng hầm. Trong cửa hàng, thực phẩm cũng không phong phú. Chúng tôi lang thang cả 3 tiếng đồng hồ trong cửa hàng này cũng không thấy một bóng người nào vào “chợ” mua thực phẩm.  Đã thế, để đi xuống được “chợ” Cửa Nam, người mua còn phải vòng vèo xuống đến mấy tầng hầm để gửi xe và phải bước mỏi chân xuống dưới tầng hầm mới mua được hàng.

Theo một nam nhân viên trực điện thoại tại chợ Của Nam, việc ế ẩm ở đây phải tính bằng tuần chứ không phải bằng ngày. Bên cạnh đó, các tiểu thương muốn thuê gian hàng là không thể bởi chợ này chỉ có một chủ. Và chủ duy nhất được mở “siêu thị” tại tầng hầm của chợ.

Cải tạo chợ truyền thống: Cần phải rút kinh nghiệm

Một thực tế đáng buồn là nhiều chợ truyền thống trước đây từng tấp nập người ra vào buôn bán, sau khi chuyển đổi mô hình sang thành TTTM, vắng vẻ và không còn là chợ truyền thống theo đúng nghĩa nữa.

Dù các TTTM hiện nay đều nằm ở vị trí đắc địa như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam… nhưng chợ trong TTTM lại rất ế ẩm.

Trước đây, nhiều ý kiến từng đưa ra là không nên cải tạo chợ truyền thống thành nơi có quá nhiều tiện ích hiện đại. Như vậy sẽ không còn gọi là chợ truyền thống nữa. Thực tế cũng đã chứng minh rằng, sau khi cải tạo, chợ truyền thống đã mất hẳn đi, chợ cóc, chợ tạm lại có cơ hội mọc lên khắp nơi.

Chị Lan Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty BĐS cho rằng, việc mở các TTTM thay thế vào chợ truyền thống là không hợp lí. Trước đây người dân có thể ngồi trên xe mua được mớ rau, con cá còn bây giờ họ phải gửi xe rồi đi tận xuống dưới tầng hầm mới có thể mua được. Tâm lí chung là ngại vì mất thời gian. Hơn nữa, nhiều chợ sau khi cải tạo đã biến thành siêu thị, mà thực phẩm ở siêu thị thì thường không được tươi như đồ ở chợ…

Đứng ở góc độ quản lí chợ lâu năm, ông Nguyễn Văn Đồng, nguyên Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng: “Tất cả chợ truyền thống cần giữ lại được cái cốt lõi, bản chất chợ truyền thống của người Việt. Dù trong điều kiện đô thị phát triển phải cải cạo nâng cấp, nhưng nên giữ lấy bản chất. Chợ là nơi để cả người sản xuất và làm thương mại đều đem hàng đến bán. Ngoài ra, chợ còn là nơi mà cả người mua, người bán còn giao lưu trao đổi gặp gỡ. Nếu xây dựng để thành siêu thị thì không còn là chợ truyền thống nữa.

Ngoài ra, theo tôi, xây dựng, cải tạo chợ truyền thống nên có mô hình mẫu để chợ truyền thống đạt yêu cầu cổ truyền, chỉ 1 - 2 tầng thôi, vừa hiện đại mà vẫn đảm bảo chức năng của chợ. Phù hợp với điều kiện sống, tập quán tiêu dùng của người dân. Chợ phải bình dân, thuận lợi để mọi tầng lớp có thể vào mua bán. Đó là lí do vì sao chợ tạm, chợ cóc luôn đông người mua bán dù điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo.

Chợ truyền thống không phải mua bán cầu kì, không phải đi bằng thang máy… vì vậy cơ quan chức năng đã cải tạo, nâng cấp cần phải xây dựng mô hình chợ hợp lí”.

Cũng theo ông Đồng, không thể xây dựng chợ truyền thống như chợ Xanh ở Cầu Giấy hiện nay, nhưng cũng không nên xây quá nhiều chức năng trong 1 tòa nhà như: siêu thị trong tòa nhà, văn phòng cho thuê, rồi cả nhà ở… trong khi chợ nhét ở hầm. Như vậy là mất đi giá trị truyền thống.  Phải cải tạo theo văn minh nhưng không có nghĩa là tích hợp nhiều chức năng quá.

Để có được mô hình chợ phù hợp với sự phát triển và đô thị, cơ quan chức năng cần phải đưa ra một mô hình chợ có thể đáp ứng với nhu cầu hiện đại, nhưng cũng cần phải đáp ứng cả về nhu cầu dân sinh. Thành phố đang cải tạo, xây dựng chợ theo Đề án phát triển, nhưng quá trình hoạt động, nếu không hiệu quả cần phải rút kinh nghiệm để khi cải tạo, xây dựng các chợ còn lại hợp lí hơn. Nếu không đánh giá, rút kinh nghiệm đầy đủ thì các chợ truyền thống còn lại sau này sẽ lại rơi vào cảnh chợ chiều như hiện nay.

Theo Minh Đức

ngatt

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên