MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay 50 triệu, mất nhà tiền tỷ vì 'hợp đồng ủy quyền'

Trường hợp của ông Hưu cũng là tình cảnh của nhiều bị hại khác trong vụ án như bà Lê Thị Miên (52 tuổi) và bà Dương Thị Mậu (73 tuổi), đều có HKTT tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.

Bà Hồng hứa hẹn cho ông Hưu vay 50 triệu đồng với điều kiện ông Hưu phải ký hợp đồng ủy quyền sở hữu mảnh đất ông đang sở hữu. Bà Hồng hứa hẹn sẽ trả lại sổ đỏ và cho ông Hưu vay số tiền trên sau khi hợp đồng ủy quyền hoàn tất. Bẵng đi một thời gian, tại nhà ông Hưu có người đàn ông tên Tuấn tìm đến gặp, đòi nhà…

Cuối tháng 11/2012, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trên địa bàn làm rõ một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn ký hợp đồng ủy quyền. Chỉ vì cần tiền, vì thiếu hiểu biết về pháp luật, phần khác do tin tưởng vào những người được ủy quyền nên nhiều người bị hại dễ dàng rơi vào cái bẫy do đối tượng Nguyễn Thị Bích Hồng (52 tuổi, ở tổ 42, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy) giăng ra. Rất nhiều trong số họ giờ rơi vào cảnh "dở khóc, dở cười" vì căn nhà đã bị bán hoặc thế chấp cho người khác.

Một trong các nạn nhân đó là ông Nguyễn Văn Hưu (53 tuổi, trú tại số nhà 83, ngõ 47, phố Nam Dư, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai). Suốt 4 năm qua, người đàn ông này và gia đình luôn phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, khi toàn bộ căn nhà vốn là đất hương hỏa của gia đình đã bị cầm cố cho một ngân hàng trên địa bàn… tất cả là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật của ông Hưu.

Theo lời kể của ông Hưu thì mảnh đất trên 200m2 này vốn là tài sản thừa kế của cha mẹ cho ông. Sau ngày vợ chồng ly hôn, ông Hưu ở với người mẹ đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm và kiếm sống bằng nghề cắt tóc ở đầu ngõ, khách hàng chủ yếu là những người thân, quen nên thu nhập tằn tiện lắm cũng chỉ đủ sống. Cuối năm 2008, ông Hưu có nhu cầu vay 50 triệu đồng để sửa lại căn nhà hương hỏa.

Trong lúc chẳng biết vay vốn ở đâu thì ông Hưu được một người quen giới thiệu gặp Nguyễn Thị Bích Hồng (52 tuổi, ở tổ 42, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy), Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bông lúa vàng đầu tư tài chính. Sau lần đầu gặp gỡ, bà Hồng chủ động đến nhà gặp ông Hưu… Tại buổi gặp gỡ này, bà Hồng hứa hẹn cho ông Hưu vay số tiền trên với điều kiện ông Hưu phải ký hợp đồng ủy quyền sở hữu mảnh đất trên.

"Ông hiểu thế nào là hợp đồng ủy quyền?…" - Tôi ngắt lời ông Hưu bằng một câu hỏi. Giọng buồn buồn, ông Hưu nói với chúng tôi: "Tôi không hiểu gì về thủ tục ủy quyền. Chỉ vì nôn nóng cần tiền, họ bảo tôi ký vào đâu là tôi ký vào đó, mà không đọc nội dung bản ủy quyền".

Trường hợp của ông Hưu cũng là tình cảnh của nhiều bị hại khác trong vụ án như bà Lê Thị Miên (52 tuổi) và bà Dương Thị Mậu (73 tuổi), đều có HKTT tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai. Khi ký vào hợp đồng ủy quyền, những người này rất mơ hồ về nội dung ủy quyền nên không thể lường trước được hậu quả sẽ xảy ra.

Về phần của ông Hưu, tại buổi gặp gỡ, ông Hưu đã đưa cho Hồng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình, Hồng hứa hẹn sẽ trả lại sổ đỏ và cho ông Hưu vay số tiền trên sau khi hợp đồng ủy quyền hoàn tất. Hai ngày sau khi ký hợp đồng, vẫn không thấy Hồng mang tiền đến trả như đã thỏa thuận, ông Hưu tìm đến nơi Hồng làm việc thì liên tục nhận được các giấy hẹn có chữ ký và con dấu của Công ty TNHH một thành viên Bông lúa vàng đầu tư tài chính khất lần từ lần này sang lần khác.

Bẵng đi một thời gian, tại nhà ông Hưu có anh Trần Đức Tuấn, trú tại xóm giữa, tổ 17, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai tìm đến gặp, đòi nhà. Lúc này, ông Hưu mới ngã ngửa ra rằng mảnh đất của gia đình đã bị bà Hồng bán lại cho người khác.

Trong khi ông Hưu còn chưa hết bàng hoàng thì căn nhà trên lại bị bán cho bà Vân ở phố Lò Sũ (Hà Nội). Ông Hưu sau đó đã gặp bà Vân nói rõ rằng ông bị lừa… Và vào thời điểm đó, bà Vân cam kết sẽ không thế chấp quyển giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho ai (nhưng thực tế thì trước đó quyển sổ này đã được bà Vân thế chấp cho một ngân hàng để vay tiền). Thời gian sau đó, các nhân viên ngân hàng đến nhà ông Hưu ở ngày càng nhiều. Khi biết họ là nhân viên ngân hàng, ông Hưu nói rằng tài sản này là do ông bị lừa, chứ không bán vì thế có một số người đã bỏ đi.

Lúc này, ông Hưu buộc phải nói sự thật với những người thân trong gia đình rằng đã ký hợp đồng ủy quyền mảnh đất hương hỏa của gia đình… Sau đó, ông Hưu và con rể đã lặn lội về Nam Định tìm Hồng nhưng tung tích về người đàn bà này vẫn bặt vô âm tín. Thực tế thì bà Vân đã đem cầm cố quyển giấy chứng nhận quyền sở hữu đất trên cho một ngân hàng để vay 3 tỷ đồng, đến thời điểm này lãi suất đã lên đến gần 3,5 tỷ đồng.

Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên lỗi một phần cũng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người bị hại. Khi vay tiền và đưa giấy chứng nhận quyền sở hữu đất thì họ thỏa thuận bằng miệng, song lại ký vào hợp đồng bằng văn bản "mực đen giấy trắng" trên các hợp đồng ủy quyền có tính chất pháp lý.

Cá biệt, nhiều trường hợp còn "nhắm mắt" ký hợp đồng, nghĩa là không đọc hợp đồng và không hiểu gì về thủ tục nhà đất, trong khi đối tượng lừa đảo lại là những kẻ chuyên nghiệp (trong vụ án này, Hồng từng có một tiền án về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử phạt 30 tháng tù giam) nhưng vẫn ký tên. Trong vụ án này, ông Tuấn, bà Vân và cả ngân hàng đều là nạn nhân và ngân hàng là nạn nhân cuối cùng. Vì nhiều lý do như trình độ của cán bộ hoặc không loại trừ có sự "giúp đỡ" mà cán bộ ngân hàng đã không thẩm định tài sản…

Theo Mai Xuân
CAND

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên