MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Hành trình tìm phương pháp đầu tư đúng đắn

Qua nhiều năm thăng trầm, nhà đầu tư Trần Nhật Khang đúc rút được nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhưng bao nhiêu kinh nghiệm, kiến thức cũng không đủ nếu muốn thành công trên thị trường đầy cam go như thị trường chứng khoán mà còn phải có nhiều các tác nhân khác.

Nhà đầu tư Trần Nhật Khang nghiệm ra rằng, để thành công trên thị trường thì kinh nghiệm, kiến thức...không bao giờ đủ. Kiểm soát tâm lý đầu tư mới là thước đo thành công.

Kính mời quý độc giả đọc bài viết Hành trình tìm phương pháp đầu tư đúng đắn và đừng quên gửi bài dự thi cho chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn. Chúng tôi sẽ nhận bài dự thi đến hết ngày 31/1/2019.

***

Thời gian hơn 10 năm (từ 2008) tham gia thị trường, thời điểm khủng hoảng thế giới xảy ra mà xuất phát điểm là ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ kéo theo hàng loạt vụ phá sản khác, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng như châu Âu và toàn thế giới sụt giảm thảm hại. VNindex cũng không ngoại lệ từ mức gần 1200 điểm sụt giảm liên tục và chỉ có thể tạo đáy vào tháng 2/2009 còn hơn 230 điểm.

Thời gian này hầu như tất cả nhà đầu tư (NĐT) tham gia thị trường đều thua lỗ chỉ có số ít NĐT có lợi nhuận nếu nắm giữ các cổ phiếu (CP) như VNM, BMP và một số ít CP khác, dĩ nhiên NĐT mới tham gia thị trường khi đó như tôi cũng không ngoại lệ, tuy nhiên vì mới tham gia nên đầu tư vốn it nên cũng lỗ không nhiều. Qua nhiều năm thăng trầm, tôi đúc rút được nhiều kiến thức và kinh nghiệm nhưng bao nhiêu kinh nghiệm, kiến thức cũng không đủ nếu muốn thành công trên thị trường đầy cam go như thị trường chứng khoán (TTCK) mà còn phải có nhiều các tác nhân khác.

Việc tìm ra các cổ phiếu tốt thậm chí là rất tốt như PNJ VNM VCS PTB SLS,… thật sự không khó lắm nếu chịu khó tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng từ sách vở và qua kinh nghiệm trận mạc nhiều năm trên TTCK, đương nhiên phần nào đó phải có chút năng khiếu và sự nhạy bén cần thiết với thị trường, sự cảm nhận tính cách CP và điều quan trọng phải có sự kiên định vững vàng trong việc nắm giữ CP... Nhưng việc xây dựng cho mình một chiến lược giao dịch dài hơi phù hợp với tính cách của mỗi người; khả năng kiểm soát tâm lý trong giao dịch, chiến thắng lòng tham và nỗi sợ hãi trước những biến động ngắn hạn của thị trường; khả năng kiểm soát tâm lý giao dịch; sự kiên nhẫn, kỷ luật và tuân thủ các nguyên tắc mới là những tác nhân làm nên những chiến thắng trên thị trường khốc liệt này.

Những ai bỏ số tiền chỉ khoảng 100 triệu mua VCS từ năm 2013 và nắm giữ đến đầu 2018 tài khoản đều đã tăng khoảng 2 tỷ (20 lần) nhờ hưởng lợi từ sự tăng giá mạnh của cổ phiếu (từ mức 30k/1cp lên đến 200k/1cp đã chia tách) và cổ tức rất cao được chia bằng tiền và cổ phiếu, đặc biệt là hưởng lợi từ sức mạnh khủng khiếp của lãi suất kép. Nhưng có mấy NĐT có đủ kiên nhẫn nắm giữ thời gian lâu như vậy và có thể chiến thắng nỗi sợ hãi trước những đợt điều chỉnh kỹ thuật giảm giá bình thường hàng ngày thậm chí hàng tháng, hàng quý của CP và buộc bán ra. Sau đó không kiềm chế được lòng tham và mua vào nhiều CP nhan nhản trên thị trường đang tăng giá mà lại không nghiên cứu kỹ hoạt động của doanh nghiệp, chưa tính nhiều người chưa đủ kinh nghiệm tham gia sai điểm mua, sử dụng margin quá cao và chuyện thua lỗ là điều tất yếu xảy ra. Một CP mà ngành nghề kinh doanh độc quyền, hầu như không có đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu sản phẩm làm từ đá thạch anh; vay nợ ít, tốc độ tăng trưởng ROE trên 30%, ban lãnh đạo thì có tâm luôn nghĩ tới cổ đông chia cổ tức hàng năm đều trên 40% vừa bằng tiền và bằng cp; EPS luôn trên 10k kể cả khi CP bị pha loãng do chia cổ tức bằng CP thì cớ gì ta không mua và giữ cho dài hạn. Như vậy không có nghĩa thời điểm này chúng ta mua dồn dập VCS nhé khi mà ROE tăng trưởng năm 2018 đã chậm lại và tốc độ pha loãng CP đang nhanh, việc mua vào thời điểm này nên xem xét cẩn thận dù giá CP đã giảm khá sâu.

Tại sao các các quỹ đầu tư của nước ngoài đầu tư vào chứng khoán Việt Nam hầu như đều thắng lớn, vì họ nghiên cứu kỹ doanh nghiệp và khi mua thì nắm giữ thời gian tính bằng năm. Thật ra họ không hay gì hơn chúng ta, hơn ở tính chuyên nghiệp thôi, tiền nhiều các quỹ xác định hàng năm lợi nhuận trên 20% là thành công. Họ bỏ 1.000 tỷ với họ không phải con số quá lớn (chưa được 50 triệu USD) mua VNM MWG FPT,…hoặc nhiều CP tăng trưởng khác, chọn điểm mua phù hợp thì sau 1 năm giá nào cũng lời hơn 200 tỷ từ nhận cổ tức bằng tiền và CP và sự tăng trưởng về giá, thậm chí có những CP do thị trường chung đang rơi vào giai đoạn sụt giảm làm giá CP cũng giảm theo nhưng họ vẫn lời nhờ nhiều doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền rất cao đương nhiên thời gian nắm giữ phải lâu hơn.

Dĩ nhiên vào những đợt thị trường chung rơi vào thị trường con gấu kéo dài NĐT cần thoát ra thị trường và kiên nhẫn chờ đợi đến lúc mà các doanh nghiệp làm ăn vẫn tốt tăng trưởng đều hàng năm mà thanh khoản trên thị trường quá cạn kiệt, đâu đâu cũng nghe than thở đầu tư vào CP sẽ lỗ, sẽ chết thì đó chính là lúc tuyệt vời nhất để mua vào dĩ nhiên là CP tốt như đã nói ở trên. Trừ những nhà đầu tư quá trường vốn như Warrent Buffet (WB) và một số nhà đầu tư khác họ mua CP và bất chấp thị trường chung thì lại là bài toán khác, ví dụ WB mua CP coca cola, America express,… hơn mấy chục năm nay và không bán ra bao giờ bất chấp khủng hoảng kinh tế, bất chấp chiến tranh họ vẫn giữ và vẫn thu lợi nhuận đều đặn theo năm tháng. Thông thường những nhà đầu tư dài hạn thường mua vào khi thị trường chung sụt giảm, thị trường phản ảnh sai về giá trị doanh nghiệp và giá của các CP tốt cũng bị giảm theo và đó là cơ hội vàng để mua vào các CP thật sự tốt.

Chính vì nhiều tiền các quỹ mua không cần sử dụng margin và kiểm soát tâm lý rất tốt. Còn nhiều NĐT chúng ta tiền ít nhưng cậy mình thông minh bỏ một vài tỷ 1 năm lời 20% chỉ có vài trăm triệu thì chê ít quá mà muốn lời 2,3 tỷ hoặc hơn nữa. Cái tư tưởng ham lời nhiều, lời nhanh khiến NĐT giao dịch quá nhiều, nghiên cứu không kỹ doanh nghiệp, chọn hàng vội vàng sai điểm mua lại sử dụng margin quá nhiều, bị thị trường xỏ mũi, mất kiểm soát tâm lý, mua cao bán thấp, nôn nóng gỡ gạc và dẫn đến nhiều NĐT thua lỗ.

Như vậy vô hình chung chúng ta tự biến mình thành những con bạc trên thị trường, bị biến động ngắn hạn của giá CP chi phối hàng giờ, hàng ngày làm mất kiểm soát, mua bán loạn xạ. Lạ một điều khi ta mua 1 kg cá, một bó rau chỉ vài chục nghìn ta đắn đo cá có tươi có rẻ không, rau có bị thuốc sâu hay không vậy mà khi vào một lệnh mua lô cổ phiếu hàng chục, hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng ta lại nóng vội không suy xét đánh giá kỹ lưỡng, cẩn thận mà thường là mất kiểm soát bị cuốn theo thị trường. Hôm nay tăng quá lòng tham không kiềm chế được mua vào vội vã sợ nó tăng mất thì hụt ăn nhưng liền sau đó 1,2 phiên giá CP bắt đầu giảm hoặc hôm nay thị trường giảm quá lại không kiềm chế được sự sợ hãi và vội vàng bán ra vì sợ nó còn giảm nữa nhưng nó lại tăng trở lại, lúc nên mua vào thì ta lại bán mà lúc nên bán ta lại mua và cái vòng lẩn quẩn như thế làm NĐT cứ thua lỗ mãi,…

Ôi thôi muôn màu muôn vẻ các hành vi sai lầm khi con người bị cảm xúc xấu chi phối. Vnindex tăng từ 600 điểm lên 700 rồi 800 điểm nhiều NĐT lời nhưng cũng có nhiều người than lỗ, lên 1000 cũng có rất nhiều người than lỗ, lên đến 1200 cũng có người than lỗ, sau đó điều chỉnh có 200 điểm còn 1000 điểm là hầu như cả làng muốn bỏ chạy, bởi chúng ta cứ bị biến động ngắn hạn của thị trường chi phối tự ta biến ta thành những con bạc và điều thua lỗ tất nhiên sẽ đến trong khi giá nhiều CP tốt vẫn tăng bền vững theo thời gian. Tham gia TTCK với tâm lý cờ bạc, muốn ăn đậm, ăn nhanh thì tôi thấy hầu như đều thua lỗ dù cho NĐT có nhạy bén đến đâu đi nữa (bởi deal này ta có thể lời nhưng do vội vàng mất kiểm soát thì deal sau hoặc deal sau nữa ta sẽ nhanh chóng trả lại khoản lời đó cho thị trường thậm chí lỗ nặng).

Theo tôi nếu chúng ta xác định 1 năm lời khoảng 20%, mua giữ hoặc đánh xoay vòng các cổ phiếu tăng trưởng và đầu ngành hoặc các CP tiềm năng khác, tùy trạng thái và tính cách khác nhau của các CP, 1 năm giao dịch 2,3 lần thôi chọn điểm ra vào hợp lý không bị cảm xúc chi phối thì xác suất thành công rất cao. Đấy là nói giao dịch ngắn và trung hạn còn những nhà đầu tư có tâm lý mua và giữ mãi mãi thì cách lựa chọn CP sẽ khác, theo kinh nghiệm là CP càng cô đặc ít cổ phiếu trôi nổi trên thị trường và ít bị biến động giá theo thị trường chung, đương nhiên lợi nhuận cũng biến động khác nhau nhờ lãi kép mang lại. Giữ mãi mãi không có nghĩa là không bán ra CP mà chúng ta sẽ bán khi doanh nghiệp có dấu hiệu xuống dốc rõ ràng trong hoạt động kinh doanh hoặc các tác động làm kết quả kinh doanh không thuận lợi.

Nói thêm về tính kỷ luật và sự kiên nhẫn trong đầu tư, các nhà đầu tư lỗi lạc như Benjamin Graham, Livermore, Philip fisher, William O’nell,… đều khuyên các NĐT phải tuân thủ kỷ luật với kế hoạch đặt ra và kiên nhẫn với kế hoạch của mình nhưng khi các NĐT ứng dụng thì thường không rạch ròi được giữa kỷ luật và kiên nhẫn. Ví dụ khi ta mua vào 1 giao dịch mà không thành công lời khuyên của một số NĐT lỗi lạc là nên cắt lỗ khi lỗ 7-8% bất chấp thị trường chung thế nào.

Như vậy thì kiên nhẫn là khi nào và như thế nào là phù hợp nhất, nhiều CP cắt lỗ rồi lại lên giá trở lại nếu tuân thủ kỷ luật thì không nên hối tiếc vì có thể nhiều CP sẽ giảm hơn nữa và việc cắt lỗ sẽ rất khó khăn, giảm 20%,30% thì hy vọng nó lên lại, CP vẫn tiếp tục rơi khi giảm 50% thì chịu đựng hết nỗi mới bán thì CP lại lên giá lại, nên nhiều người mới có câu nói nỗi đau của kỷ luật nhẹ nhàng hơn rất nhiều nỗi đau của sự hối hận.

Vậy bây giờ bài toán như thế nào là phù hợp nhất giữa kỷ luật và kiên nhẫn. Theo Jack Bogle nhà sáng lập quỹ đầu tư hàng đầu Vanguard "nếu NĐT cảm thấy khó khăn với khoản lỗ 20% hoặc sâu hơn thì bạn không nên đầu tư chứng khoán nữa", là một NĐT khôn ngoan sẽ biết rằng dù có nổ bom hạt nhân thì nó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến CP bạn đang nắm giữ, chỉ cần bỏ qua những biến động ngắn hạn bạn sẽ không phải lo sợ nữa. Dĩ nhiên Jack Bogle nói vậy là nói đến các CP rất tốt chứ nếu ta lỡ mua KSS ACM,…hoặc các cổ phiếu làm ăn bết bát khác mà nghe theo vị này giữ mãi CP thì chắc chỉ có mà bán nhà để trang trải khó khăn.

Tóm lại bài học rút ra là gì, theo tôi NĐT nên nghiên cứu kỹ doanh nghiệp từ KQKD ổn định, cơ cấu nợ đảm bảo, dòng tiền hoạt động luôn dương, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, ban lãnh đạo có tâm luôn chia cổ tức cao bằng tiền cho cổ đông, định hướng tương lai bền vững, kết quả kinh doanh tăng trưởng đều và cao hàng năm…Nhà đầu tư nên mua vào và nắm giữ lâu dài bỏ qua những biến động hàng ngày vì trên thị trường thường có những đội lái và giá CP hôm nay tăng ngày mai giảm là chuyện bình thường họ làm gì mặc kệ họ. Ta mua CP là ta mua cái tương lai phát triển của một doanh nghiệp dù cho đội lái là ai, là một thế lực nào đi chăng nữa họ có thể làm giá CP tăng rất mạnh hoặc giảm rất mạnh trong ngắn hạn nhưng rồi theo thời gian thị trường sẽ nhận ra và định giá đúng giá trị thật của doanh nghiệp và doanh nghiệp tốt sẽ tăng bền vững còn doanh nghiệp làm ăn không tốt, gian dối sẽ giảm về đúng giá trị tệ hại của nó.

Điều quan trọng ta cần chọn điểm mua khi thị trường chung sụt giảm giá CP rất tốt mà đang rẻ thì càng tuyệt vời nhưng tuyệt đối không sử dụng margin hoặc rất ít bởi vốn vay tác động tâm lý rất lớn đến NĐT khi giá CP giảm và việc nắm giữ lâu dài mà mua CP bằng tiền vay là không ổn vì theo thời gian tiền lãi vay sẽ ăn mòn lợi nhuận,… khi chọn điểm mua hợp lý thì giá CP sẽ ít có tình trạng rớt 20% hoặc hơn còn trường hợp mua khi thị trường chung đảo chiều giảm nghĩa là mua hơi sớm, giá CP có thể giảm mạnh hơn 20% hoặc sâu hơn thì ta vẫn thực hiện như WB, Jack Bogle,… kiên trì nắm giữ rồi theo thời gian thị trường sẽ nhận định đúng giá trị doanh nghiệp và giá CP sẽ tăng trở lại và đặc biệt NĐT còn nhân lợi nhuận lên nhiều lần nhờ lãi kép.

Còn trường hợp mắc sai lầm hoặc do vội vàng không tìm hiểu kỹ mua nhầm CP làm ăn không tốt hoặc CP không có tương lai rõ ràng,… thì cắt lỗ ngay khi giá giảm 7-8% không chút do dự vì bất cứ lý do gì cho dù khi bán ra giá CP có tăng lại 1vài phiên cũng không tiếc nuối vì đó là kỷ luật.

Người Việt Nam ta nổi tiếng thông minh, thi Toán quốc tế đạt nhiều giải nhất. Tại sao chúng ta lại có ít NĐT thành công trên TTCK, cái thị trường mà các bộ óc thông minh có thể chiến thắng việc còn lại chỉ là tuân thủ các quy tắc, chúng ta không thành công vì sự nóng vội, thiếu kiên nhẫn, không kỷ luật, giao dịch không chuyên nghiệp, dễ mất bình tĩnh,…chứ tuyệt đối chúng ta không thua về trí tuệ. Nhắc đến TTCK là hầu như ai cũng sợ cho đó là nơi cờ bạc, ai chơi cũng lỗ. Phải làm sao để xóa bỏ định kiến này, làm sao có nhiều NĐT thành công trên thị trường. Tôi tin chắc rằng rồi chúng ta sẽ làm được và việc có nhiều NĐT chứng khoán thành công sẽ là một trong những lý do làm cho đất nước ta ngày càng văn minh, hiện đại và dân chủ hơn. Bởi theo tôi một NĐT chứng khoán thành công có thể nói người đó rất uyên bác, thông thái và bản lĩnh vững vàng.

Hãy rèn luyện để mỗi chúng ta ngày càng giao dịch chuyên nghiệp hơn. Để thực hiện điều này theo tôi ta phải luyện tập hàng ngày cụ thể như chơi môn thể thao yêu thích, ngồi thiền, rèn luyện trí não như đọc nhiều sách chứng khoán để học hỏi kinh nghiệm của các NĐT lỗi lạc, đọc báo cáo tài chính, xem bảng điện như thế nào cho hợp lý chứ việc dán mắt vào bảng điện hàng giờ hàng ngày sẽ tác động rất lớn đến tâm lý giao dịch làm nhà đầu tư dễ mất bình tĩnh,…; tham gia các khóa đào tạo phân tích kỹ thuật, đào tạo phân tích cơ bản, đọc và tìm hiểu kỹ các biểu đồ,…

Nếu chiến thắng được cảm xúc xấu của bản thân thì tất cả NĐT chúng ta đều có thể thành công trên TTCK. Theo kinh nghiệm qua nhiều năm giao dịch của mình, chỉ cần bình tĩnh nghiên cứu kỹ doanh nghiệp, xác định được dòng dẫn sóng hàng năm và quan sát sự vận động của các mã đầu ngành tăng trưởng,… mua và nắm giữ đến hết trend tăng, tránh bị cuốn theo thị trường, hạn chế sử dụng margin quá nhiều, không giao dịch quá nhiều,…vậy là chúng ta đã gần như nắm chắc phần thắng. Nói thì dễ nhưng bản thân mỗi người đều có cái tôi và mỗi chúng ta sẽ bị cảm xúc chi phối khác nhau trước sự biến động giá hàng ngày của cổ phiếu vậy nên chúng ta cần rèn luyện hàng ngày và nhiều năm để có thể tàn nhẫn với cảm xúc, chiến thắng được bản thân chúng ta theo tôi là chiến thắng vĩ đại nhất.

Chỉ số IQ cao chưa hẳn đã thành công, WB nói trên TTCK không phải người có IQ cao sẽ chiến thắng người có IQ thấp hơn mà khả năng phớt lờ sự sợ hãi trước những biến động giá hàng ngày mới là nhân tố chính dẫn đến thành công. Tại sao ông có tài sản hơn 80 tỷ USD mà ông lại ở trong ngôi nhà cũ kỹ từ thập niên 50 của thế kỷ trước vì ngôi nhà đó ông có được cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn chính điều này làm bản thân ông luôn thăng bằng rất tốt cho việc kiểm soát tâm lý trong đầu tư của ông ấy, dĩ nhiên tố chất trong con người ông về kiểm soát cảm xúc mới là quan trọng nhất; ông ăn uống thì rất tiết kiệm, đi xe cũ kỹ, không ăn chơi đàn đúm gái gú,…tất cả những điều này tạo cho ông luôn luôn thư thái không bao giờ chịu áp lực về tiền bạc mà phải bán ra cổ phiếu để chi tiêu, để giải quyết nhu cầu cá nhân,…làm phá vỡ các kế hoạch đầu tư ban đầu của ông, không làm ông mất kiểm soát mà dẫn đến các quyết định sai lầm.

Hãy đến với TTCK với tâm thế của một nhà đầu tư, có đủ sự đam mê cần thiết, hãy xem việc đầu tư như là một nghề thực thụ, cần cù rèn luyện, khiêm tốn học hỏi hàng ngày chắc chắn mỗi NĐT đều sẽ thành công.

Trần Nhật Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên