MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Quá tin vào các báo cáo phân tích, tôi đã phải trả giá đắt

Một phần chưa hiểu nhiều về doanh nghiệp, phần vì tin tưởng báo cáo phân tích của công ty có uy tín và chuyên viên phân tích giỏi vậy là tôi đã quyết định phần 1/3 tài khoản mua 30k cổ phiếu VSC.

Không thể phủ nhận thực tế rằng báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đã mang lại không ít lợi ích cho nhà đầu tư, góp phần nâng cao kiến thức cho người đọc nhưng quá tin vào báo cáo phân tích cũng dễ bị mất tiền.

Mời quý độc giả trải nghiệm câu chuyện của nhà đầu tư Nguyễn Thành Tư và đừng quên gửi bài dự thi của mình cho chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Khi tham gia đầu tư chứng khoán tôi được khuyên hãy đọc các bác cáo phân tích của các công ty chứng khoán uy tín và đầu tư theo họ. Không phủ nhận có nhiều bài phân tích với chuyên môn sâu, chất lượng tốt mang lại nhiều lợi ích to lớn, tuy nhiên vẫn có nhiều báo cáo phân tích mang tính phong trào và đánh giá phiến diện làm cho nhà đầu tư mua theo bị thiệt hại nặng nề.

Vào một ngày cuối tháng 8/2016 tôi được bạn môi giới của mình gửi cho một bản báo cáo phân tích định giá và khuyến nghị MUA cổ phiếu VSC, kèm với đó là dòng chú thích chuyên gia thực hiện báo cáo phân tích này là một CFA Charterholder tại công ty chứng khoán hàng đầu. Là người từng học về tài chính tôi biết rằng để đạt được CFA Charterholder là một điều vô cùng khó khăn với 3 kỳ thi khốc liệt kèm theo tối thiểu 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính mới được cấp, ở Việt Nam cũng không có nhiều. Vì thế ngay lập tức tôi đã đọc báo cáo phân tích cổ phiếu VSC rất cẩn thận, chú ý từng giả định … và tôi đã tóm tắt được nội dung chính như sau:

- VSC rất tiềm năng với việc đã đưa cảng VIP Greenport vào hoạt động, nó sẽ giúp VSC tăng sản lượng làm hàng gấp 2 lần trong năm 2017, điều này thúc đẩy tăng doanh thu và lợi nhuận của VSC rất mạnh trong các năm 2016-2018, tóm tắt dự báo kết quả kinh doanh cụ thể như ở dưới:

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Quá tin vào các báo cáo phân tích, tôi đã phải trả giá đắt - Ảnh 1.

Một phần chưa hiểu nhiều về doanh nghiệp, phần vì tin tưởng báo cáo phân tích của công ty có uy tín và chuyên viên phân tích giỏi vậy là tôi đã quyết định phần 1/3 tài khoản mua 30k cổ phiếu VSC giá 71,5k/cp vào ngày 22/08/2016.

Thật không may cổ phiếu VSC sau đó tăng được 1 phiên lên 74k/cp rồi từ đó đi ngang và giảm dần với gia tốc ngày càng nhanh hơn và đến cuối tháng 1/2017 khi có kết quả kinh doanh cả năm 2016 đáng thất vọng với doanh thu và lợi nhuận lần lượt thấp hơn 25% và 13% so với dự báo của CTCK, tôi đã chán nản và cắt lỗ với giá 56k/cp. Kết thúc thời gian nắm giữ 5 tháng đầy lo âu với khoản lỗ 470 triệu đồng cả phí giao dịch tương đương với 22%.

Tất nhiên báo cáo phân tích đưa ra dự báo lợi nhuận lệch là chuyện bình thường, nhưng với trường hợp của báo cáo VSC này thì quả thực quá lố, KQKD của VSC năm 2017 sau đó còn vô cùng thảm hại, khi chỉ đạt 1,303 tỷ doanh thu thấp hơn 27% và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 237 tỷ thấp hơn tới 72% so với dự báo, thật không thể tin nổi.

Sau này tôi đã nhận ra sai lầm lớn là dự báo doanh thu và lợi nhuận VSC rất kém và không thực tế:

- Dự báo doanh thu và lợi nhuận dựa vào tổng công suất tăng lên (cung tăng) để tính toán mà chưa tính đến yếu tố cầu làm hàng tại VSC

- Không loại trừ được việc làm hàng cảng mới tăng lên mạnh có một nguyên nhân chính là rút bớt làm hàng từ cảng cũ

- Giá làm hàng thời điểm 2016-2017 đang trong xu hưởng giảm mạnh và tiếp tục giảm mạnh khi cung vượt quá cầu về làm hàng tại khu vực cảng hải phòng

- Cầu Bạch Đằng ảnh hưởng rất lớn đến cảng cũ ở phía trong Sông Cấm

- Chi phí lãi vay tính thấp hơn so với thực tế rất nhiều

Tương tự tôi cũng mua 25.000 cổ phiếu HBC theo khuyến nghị của công ty chứng khoán top đầu khác vào ngày 12/9/2017 với nguyên giá 61k/cp (giá điều chỉnh khoảng 40,1k/cp) sau khi nhận được từ bạn môi giới với luận điểm họ đưa ra rất tươi đẹp:

- HBC là nhà thầu lớn thứ 2 Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 30,1%/năm trong giai đoạn 2012-2016, động lực tăng trưởng của HBC đến từ sự hồi phục của ngành xây dựng và sự gia tăng đầu tư của nhóm khu vực kinh tế tư nhân.

- Các giá trị hợp đồng đã ký đảm bằng trăng trưởng doanh thu bình quân 26% trong 1-2 năm tới

- Trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng nhanh sẽ giảm bớt ảnh hưởng nếu có của các khoản phải thu với KQKD của HBC

- Dự báo HBC sẽ hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận và tăng trưởng tích cực trong năm 2018. Dự báo doanh thu 2018 đạt 22,647 tỷ đồng (34.2% yoy), LNST ước đạt 1,255 tỷ đồng.

- Dự báo doanh và lợi nhuận cũng như định giá như ở hình dưới:

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Quá tin vào các báo cáo phân tích, tôi đã phải trả giá đắt - Ảnh 2.

Lại một lần nữa tôi phải ôm hận, tôi đã cắt lỗ HBC với mức lỗ lên đến 40% (bán giá 24k/cp) lỗ 400 triệu đồng sau 7 tháng nắm giữ sau khi cổ phiếu tạo đỉnh vào cuối năm 2017 và lao dốc không phanh, sau đó giá cổ phiếu có lúc còn xuống dưới 19k/cp. Sai lầm đối với báo cáo phân tích cổ phiếu đã được rút ra:

- Dự báo KQKD doanh nghiệp xây dựng không gắn với tình hình tiêu thụ sản phẩm của ngành bất động sản, vì thực tế tiêu thụ đã chậm lại từ cuối 2017 do đó việc các dự án sẽ triển khai chậm hơn làm doanh thu không được như kỳ vọng

- Khi BĐS đang ở vùng thình nhất thì giá nguyên vật liệu thường tăng gia mạnh nhất (đây là quy luật rồi) trong khi các doanh nghiệp xây dựng không thể chuyển toàn bộ chi phí đó cho chủ đầu tư, do đó biên lợi nhuận gộp về cơ bản sẽ giảm chứ không thể tăng như dự báo của báo cáo này

- Sai lầm lớn nhất của báo cáo này là không đánh giá đúng rủi ro mà HBC phải đối mặt, đối với 1 công ty tăng trưởng bằng cách đánh đổi rủi ro thì khi các chủ đầu tư gặp khó khăn thì sẽ rất nguy hiểm; bạn cứ thử tưởng tượng HBC doanh thu năm 2017 đạt 16 nghìn tỷ trong khi phải thu đã lên đến 9,2 nghìn tỷ, và khi 5%-10% số này chủ nợ không trả được thì mọi thành quả của HBC đạt được cả năm chỉ là hơn 800 tỷ đồng tan tành thành mây khói.

- Nợ vạy/vốn chủ sở hữu = 190% là quá cao và rất rủi ro, tỷ lệ này đã tăng liên tục trong những năm qua, việc nợ vay tăng là để bù đắp cho hoạt động kinh doanh bị chiếm dụng vốn lớn, đây là tăng trưởng bất chấp rủi ro, ngoài ra HBC sẽ phải chịu rủi ro lãi suất rất lớn

- Các giả định của mô hình định giá rất kém thực tiễn, đặc biệt với 1 cổ phiếu chu kỳ, thực thế qua chưa đến 1 năm từ ngày có báo cáo đã thấy sự sai lệch cực lớn kết quả kinh doanh 2018 chỉ đạt khoảng 800 tỷ đồng so với dự báo 1.256 tỷ, dòng tiền âm lớn đến hơn 905 tỷ đồng

Vậy báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán có giá trị không?

- Dù còn những báo cáo phân tích chất lượng thấp do trình độ chuyên môn cũng như trải nghiệm của các chuyên viên phân tích còn hạn chế, tuy nhiên không thể phủ nhận thưc tế rằng báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đã mang lại không ít lợi ích cho nhà đầu tư, góp phần nâng cao kiến thức cho người đọc cũng như làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn

Làm thể nào để khai thác được tính hữu ích của báo cáo phân tích và hạn chế được những khuyết điểm của nó?

- Tận dụng khai thác những thông tin mà nhà đầu tư cá nhân khó có thể tiếp cận được: Đa phần các bộ phận phân tích tại các công ty chứng khoán lớn đều được xây dựng dựa trên cơ sở thu thập thông tin trong những lần đi thăm doanh nghiệp và gặp gỡ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo do đó nó cung cấp các thông tin cập nhật và tương đối chính xác cho nhà đầu tư, thay vì chỉ tiếp cận được báo cáo thường niên 1 năm có 1 lần.

- Các báo cáo ngành và vĩ mô là cực kỳ quan trọng, với 1 cá nhân thì rất khó khăn có thể tiếp cận được các nguồn dữ liệu về vĩ mô, ngành. Vì vậy việc tận dụng được các nguồn dữ liệu này của các báo cáo phân tích sẽ mang lại cho nhà đầu tư nguồn dữ liệu tập trung, đầy đủ và cập nhật có độ tin cậy cao

- Báo cáo phân tích định giá doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư học hỏi được các phương pháp phân tích đánh giá của những chuyên gia chuyên nghiệp, học được phương pháp dự báo lợi nhuận, định giá doanh nghiệp sao cho phù hợp nhất đối với mỗi loại hình đặc thù của doanh nghiệp

- Để tránh các báo cáo phân tích có chất lượng thấp, nhà đầu tư cần thiết phái trang bị cho mình những kiến thức nhất định về phân tích, định giá từ việc học hỏi liên tục và không ngừng qua sách báo, các chỉ dẫn được công nhận, khi đó sẽ loại bỏ được những báo cáo không phù hợp

- Hãy tập vào một nhóm doanh nghiệp nhất định và tìm hiểu sâu về nó, khi đó bạn dễ dàng nhận diện được những sai lầm nếu có của các báo cáo phân tích

- Tích cực đọc thật nhiều báo cáo về cùng một mã cổ phiếu để có được góc nhìn đa chiều và công tâm, tránh việc các bạn phân tích mắc lỗi yêu cổ phiếu quá.

Nguyễn Thành Tư

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên