MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thịt lợn, thịt gà Việt Nam “khó từ khâu sản xuất đến tiêu thụ”

23-06-2017 - 11:20 AM | Thị trường

"Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư hay phát triển sản xuất kinh doanh do nhiều quy định bất cập. Đó cũng là lý do chính dẫn đến việc sản xuất, thương mại nội địa hay xuất khẩu nông nghiệp còn yếu kém, nhất là hai ngành hàng thịt lợn và thịt gà", bà Trần Thị Thanh Nhàn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết.

Trải qua cuộc khủng hoảng thịt lợn và mới đây là việc giá thịt gà, trứng lao dốc, nhưng không chỉ có lý do về người nông dân khi chăn nuôi tự phát mà trách nghiệm chính thuộc về cơ quan quản lý khi không kết nối sâu rộng được đến người nông dân, doanh nghiệp để dự báo và xử lý khủng hoảng nhanh chóng mà còn do các nguyên nhân đã có từ lâu.

Khó khăn chồng chất từ khâu sản xuất đến tiêu thụ

Tại hội thảo "Các rào cản thể chế ảnh hưởng tới thương mại nông sản tại thị trường nội địa”, bà Trần Thị Thanh Nhàn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: "Thủ tục xin cấp phép đầu tư cho vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung phải tuân thủ qua 8 bước, ngay cả với những dự án nằm trong quy hoạch. Đất đã vào khu quy hoạch tập trung không được quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất".

Đồng thời, các chính sách quy hoạch và hỗ trợ phát triển các khu giết mổ tập trung chưa hiệu quả, chồng chéo, chưa hợp lý nên chưa khuyến khích việc giết mổ ở các cơ sở tập trung. Việc cạnh tranh không lành mạnh và không khuyến khích cơ sở giết mổ tự đầu tư nâng cấp cũng là nguyên nhân khiến ngành giết mổ chưa phát triển.

Về kiểm dịch, kiểm soát chất lượng sản phẩm, việc thu phí kiểm dịch theo lô hàng không tính lớn, nhỏ làm tăng phí cho doanh nghiệp nhỏ, khó cạnh tranh. Luật Thú y quy định bỏ kiểm dịch nội tỉnh nhưng lại khó khăn trong kiểm soát, không tạo công bằng giữa doanh nghiệp chấp hành và không chấp hành quy định.

Tương tự, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng: "Việc tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi hiện nay còn yếu, phụ thuộc nhiều khâu trung gian và khó kiểm soát, chưa truy xuất được nguồn gốc. Ngoài ra, việc áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) chưa được người chăn nuôi chú trọng, quan tâm và tự nguyện tham gia thực hiện".

Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất lớn trong chăn nuôi, nhất là hình thức hợp tác xã chậm phát triển, hoạt động chưa hiệu quả và chưa có sự phối hợp tốt giữa ngành Nông nghiệp với các địa phương trong việc hướng dẫn, đề xuất tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Không ngăn chặn được thịt nhập khẩu kém chất lượng

Đồng thời, những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật cho thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu, đặc biệt là nội tạng động vật. Hay thiếu trang thiết bị trong kiểm nghiệm hóa chất trong thịt nhập khẩu, xử lý thịt nhập khẩu, thịt kém chất lượng. Điều này gây khó khăn trong quản lý, cạnh tranh không bình đẳng giữa hàng chất lượng cao, thấp, hàng trong nước và nhập khẩu.

Không chỉ vậy, còn nhiều bất cập, rào cản trong quy định về tiêu thụ, bán buôn, bán lẻ. Việc chưa có tiêu chí đánh giá, kiểm soát việc công bố nhãn sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch, gây bất bình đẳng giữa các đơn vị tuân thủ theo tiêu chuẩn sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm với đơn vị sản xuất tự phát, tự công bố chất lượng. Trong khi vẫn còn những bất cập trong quy định về phân cấp quản lý nhà nước.

"Một lý do quan trọng là các biện pháp chế tài không nghiêm là một trong những nguyên nhân chính làm cho người chăn nuôi không chấp hành các nội dung triển khai liên quan đến quản lý chăn nuôi. Trong khi thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, là đối tượng hộ gia đình, đối tượng bếp ăn tập thể còn hạn chế còn thị trường xuất khẩu chiếm thị phần nhỏ, chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên chưa mang tính bền vững", ông Công cho hay.

Để giải quyết tình trạng này, bà Trần Thị Thanh Nhàn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: "Cần có sự thống nhất phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và phân phối sản phẩm động vật. Như sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương theo hướng phân công lại, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ban, ngành,…

Ngoài ra, Nhà nước cần khuyến khích xã hội hóa công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tập trung vào dịch vụ kỹ thuật (kiểm nghiệm, tư vấn, chứng nhận) để thu hút vốn từ tư nhân; khuyến khích các mô hình giám sát chất lượng theo chuỗi do các cá nhân thực hiện.

Theo Hạ An

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên