MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn nhà nước sẽ không bị điều chỉnh bởi các quy định của Luật Chứng khoán

Nhằm tạo điều kiện cho việc thoái vốn và thoái vốn của DNNN được thuận lợi, nhiều quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng khi thoái vốn nhà nước và thoái vốn DNNN sẽ được dỡ bỏ.

Kế hoạch từ nay đến 2020 là tiếp tục thoái vốn nhà nước và thoái vốn DNNN khoảng 15.000 tỷ đồng.

Sẽ bán trước 9% vốn tại Vinamilk

Tại Hội nghị thoái vốn nhà nước vừa được tổ chức tại TP.HCM chiều ngày 25/10, ông Nguyễn Hồng Hiền, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, SCIC đã bán vốn thành công tại 928 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 830 DN, bán một phần vốn tại 79 DN và bán quyền mua tại 19 DN) với giá vốn là 6.199 tỷ đồng và thu về 14.675 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn thu được gấp 2,5 lần giá vốn (cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1,48 lần).

Điểm quan trọng giúp cho công tác bán vốn của SCIC mang lại hiệu quả cao là việc nghiên cứu kỹ thị trường và doanh nghiệp để xác định giá khởi điểm hợp lý, lựa chọn thời điểm bán phù hợp, xây dựng và duy trì mạng lưới các nhà đầu tư quan tâm, tổ chức bán công khai minh bạch. Nguyên tắc này sẽ được áp dụng với trường hợp của Vinamilk. Theo ông Hiền, trước hết SCIC sẽ bán 9% cổ phiếu trong những tháng cuối năm 2016, số cổ phần còn lại đang cân nhắc bán theo chỉ đạo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc bán vốn nhà nước và thoái vốn DNNN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, mới chỉ thoái vốn được 42% kế hoạch 26.000 tỷ đồng. Như vậy, từ nay đến năm 2012, kế hoạch là sẽ phải thoái vốn khoảng 15.000 tỷ đồng còn lại.

Theo ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương (Văn phòng Chính phủ), đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề vì vừa phải làm sao đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tránh lợi ích nhóm và không làm thất thoát vốn nhà nước.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất

Ông Hoàng Văn Thu, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, dù hoạt động thoái vốn nhà nước thu được những kết quả nhất định nhưng thực tề vẫn còn nhiểu vướng mắc. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định thay thế các nghị định cũ (hiện đang tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước).

Chẳng hạn, DN muốn chào bán chứng khoán phải hội đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định của Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, tại Điều 12 Luật Chứng khoán và Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, sẽ loại trừ trường hợp chào bán chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định pháp luật về cổ phần hóa, quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Như vậy, nếu chiếu theo quy định trên, trường hợp thoái vốn nhà nước và thoái vốn của DNNN sẽ không bị điều chỉnh bởi các quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo Luật chứng khoán.

Đối với vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, dự thảo sửa đổi sẽ không đánh giá lại tài sản hình thành theo hợp đồng BOT hay hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (không bao gồm quyền sử dụng đất thuê) mà doanh nghiệp đã đầu tư và đã ký hợp đồng cho thuê lại, đã xác định đơn giá thuê trong hợp đồng và thu tiền ngay một lần cho toàn bộ thời gian của dự án.

Về chuyển đổi Công ty TNHH MTV do tập đoàn, tổng công ty đầu tư 100% vốn (doanh nghiệp cấp 2) sang công ty cổ phần sẽ bổ sung nội dung quy định cụ thể đối với việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp cấp 2 (Nghị định 59 hiện nay chưa quy định cụ thể và tách biệt cho cổ phần hóa doanh nghiệp cấp 2).

Theo đó, thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp cấp 2 có mức vốn chủ sở hữu theo sổ sách kế toán từ 5.000 tỷ đồng trở lên sẽ do Thủ tướng quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, các bộ, địa phương lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa, quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và trình Thủ tướng phê duyệt (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2297/TTg-ĐMDN ngày 16/12/2015).

Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HOSE cho biết, đối với các doanh nghiệp đấu giá, HOSE sẽ hỗ trợ công bố thông tin và quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp đấu giá; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục sau đấu giá (chuyển thành công ty cổ phần, niêm yết, đăng kí giao dịch trên các sở giao dịch chứng khoán); tích cực kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán.

Thảo Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên