MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

23 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi chậm tiến độ

18-08-2015 - 21:16 PM | Xã hội

Theo các báo cáo cập nhật của các cơ quan chủ quản, nhờ nỗ lực chung của các ngành, các cấp, 10/23 dự án về cơ bản đã giải quyết xong các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng, thiếu vốn kế hoạch ODA

Trong bối cảnh các quốc gia có thu nhập trung bình (MIC) đã kết hợp việc huy động nguồn vốn ODA với các nguồn tài chính phát triển khác, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP), sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối, các quỹ từ thiện, xã hội,... để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA như thế nào là trao đổi của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông với Người Đồng Hành.

Bài 1: Trên 15 tỷ USD vay ưu đãi

Như vậy, số liệu giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi tại các bộ, ngành đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm tương đối rõ. Còn tại các địa phương thì sao, thưa Thứ trưởng?

* Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Trong khối các địa phương, TP. Hà Nội hiện đang quản lý 18 chương trình, dự án và tiểu dự án gồm 16 dự án đầu tư và 02 dự án hỗ trợ kỹ thuật với tổng số vốn ODA và vay ưu đãi ký kết là 67.554 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, TP. Hà Nội, tổng vốn ODA giải ngân đạt 682 tỷ đồng, bằng 180% kế hoạch năm, tổng vốn đối ứng giải ngân đạt 893 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm. Nhìn chung vốn ODA cho các dự án hiện vẫn được giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết với các nhà tài trợ.

Thành phố Hải Phòng hiện đang quản lý 08 dự án ODA với tổng vốn 13.885 tỷ đồng sử dụng vốn ODA của các nhà tài trợ như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Chính phủ Phần Lan, Hàn Quốc, Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB,… trong đó vốn ODA chiếm 9.820 tỷ đồng; vốn đối ứng là 4.064 tỷ đồng.

Trong Quý II năm 2015 công việc thực hiện giải ngân của các dự án ODA cơ bản còn chậm so với kế hoạch. Tổng số vốn giải ngân từ đầu năm đến 15/7/2015 là 335,5 tỷ đồng, đạt khoảng 39,9% so với kế hoạch năm 2015, giảm 0,6 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, giải ngân vốn ODA là 226,1 tỷ đồng giảm 0,53 lần so với năm 2014, giải ngân vốn đối ứng là 109,5 tỷ đồng giảm 0,7 lần so với năm 2014. Qua đánh giá, trong tổng số 08 dự án đang triển khai, có 03 dự án được xếp loại tốt, 03 dự án xếp loại khá, 01 dự án xếp loại trung bình và 01 dự án xếp loại kém.

Tại Thành phố Đà Nẵng, trong quý II năm 2015, thành phố Đà Nẵng có 08 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý đang được triển khai, với tổng vốn đầu tư khoảng 386,7 triệu USD, trong đó vốn ODA là 302,3 triệu USD, chiếm 78,18%, vốn đối ứng đạt 84,4 triệu USD, chiếm 21,82% tổng vốn.

Tổng giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng của các dự án được báo cáo trong quý II năm 2015 đạt 143.540 triệu đồng, trong đó, tổng vốn ODA giải ngân đạt 90.408 triệu đồng. Qua đánh giá xếp loại, cả 08 dự án do UBND thành phố Đà Nẵng quản lý, bao gồm 03 dự án đầu tư và 05 dự án hỗ trợ kỹ thuật đều được xếp loại thực hiện tốt.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang quản lý thực hiện 13 dự án, gồm 09 dự án đầu tư và 04 dự án hỗ trợ kỹ thuật với tổng giá trị 76.052 tỷ đồng (59.616 tỷ đồng vốn ODA và 16.409 tỷ đồng vốn đối ứng), trong 6 tháng đầu năm 2015, TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân được 1.914 tỷ đồng vốn ODA, đạt 44,2% kế hoạch, đồng thời giải ngân được 163 tỷ đồng vốn đối ứng đạt 30,2% kế hoạch vốn được giao.

Trong tổng số 13 dự án, có 01 dự án được xếp loại tốt, 08 dự án xếp loại trung bình và 04 dự án xếp loại kém. Các dự án có khối lượng giải ngân cao gồm Dự án Nâng cấp đô thị thành phố Hồ Chí Minh, Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Tp. HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (Tuyến 1),…

Tại Thành phố Cần Thơ, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 11 chương trình, dự án ODA đang thực hiện với tổng vốn đầu tư là 5.364,970 tỷ đồng trong đó vốn ODA là 3.773,316 tỷ đồng và vốn đối ứng là 1.591,654 tỷ đồng. Cho đến nay, các chương trình, dự án ODA đang thực hiện trên địa bàn đã giải ngân được khoảng 799,849 tỷ đồng vốn ODA và 494,533 tỷ đồng vốn đối ứng.

Tính từ đầu năm 2015, thành phố Cần Thơ đã giải ngân được 202,997 tỷ đồng vốn ODA đạt 81,49% so với kế hoạch năm và 49,943 tỷ đồng vốn đối ứng đạt 32% so với kế hoạch năm. Tình hình triển khai thực hiện các dự án ODA trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong quí II năm 2015 với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và chủ đầu tư, đến nay đã tháo gỡ nhiều vướng mắc còn tồn đọng trong thời gian trước.

Tại khối các bộ, ngành Trung ương, có những công trình, chương trình dự án nào được Bộ KH&ĐT đánh giá thực hiện tốt, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Trở lại tình hình giải ngân vốn OĐA và vốn vay ưu đãi của các bộ, ngành TW, Bộ KH&ĐT ghi nhận nhiều chương trình, dự án của Bộ GTVT đạt tỷ lệ giải ngân cao và vượt kế hoạch như: Kết nối đồng bằng sông Mê Kông, Hành lang ven biển phía Nam, Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải phòng, Nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai...

Một số dự án do Bộ Công Thương như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 (ADB), Dự án Thủy điện Huội Quảng (Pháp), Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn và lưới điện truyền tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Nhật Bản), Dự án Phân phối điện hiệu quả (WB), Dự án Thủy điện Trung Sơn (WB),…

Một số dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có khối lượng giải ngân cao trong 6 tháng đầu năm 2015 như: Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, Dự án Tăng cường quản lý thủy lợi và cải tạo hệ thống thủy nông, Dự án Bắc Sông Chu – Nam Sông Mã, Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long,…Tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, có Dự án Tạo lập hệ thống vòng khí thải carbon với cao su thiên nhiên - ĐH Bách Khoa HN, Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, Chương trình Phát triển giáo dục trung học, Dự án Giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường, Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam,…

Tại Bộ Y tế, có Dự án Quỹ Toàn cầu Vòng 9 phòng chống lao Việt Nam do Quỹ toàn cầu viện trợ không hoàn lại, Dự án Hỗ trợ Y tế vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, sử dụng vốn vay ADB, Dự án Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em do UNICEF viện trợ không hoàn lại, Dự án tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh, giai đoạn 2 do Đức viện trợ không hoàn lại...

Đó là những điểm sáng trong bức tranh huy động, quản lý và sử dụng các nguồn vốn vay quý giá này.

Và trong bức tranh ấy, vẫn còn nhiều vệt màu xám, thưa Thứ trưởng?

*Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Tình hình thực hiện các dự án trong Danh sách chậm tiến độ (trình Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2426/BKHĐT-KTĐN ngày 24/4/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, còn tới 23 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi chậm tiến độ năm 2015.

Để có được danh sách này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và dựa trên hệ thống tiêu chí cụ thể. Một là, đây là các dự án bị nhà tài trợ xếp loại dự án chậm, không đáp ứng yêu cầu và cần theo dõi để tháo gỡ vướng mắc; hai là, các dự án được phê duyệt và thực hiện trên 3 năm nhưng giải ngân không đáng kể; ba là, các Dự án có khả năng bị chậm tiến độ do một số vấn đề gây cản trở.

Theo các báo cáo cập nhật của các cơ quan chủ quản, nhờ nỗ lực chung của các ngành, các cấp, 10/23 dự án về cơ bản đã giải quyết xong các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng, thiếu vốn kế hoạch ODA.

Đó là các dự án: Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện; Thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc; Xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hoá) thuộc dự án Cấp nước và nước thải đô thị; Phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án đô thị Vinh; Dự án Giảm thất thoát nước; tăng cường, mở rộng mạng lưới cấp nước và tăng cường thể chế cho Tổng Công ty Cấp nước Sài gòn giai đoạn 2011 – 2015;

Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc; Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiểu dự án TP. Mỹ Tho, TP. Rạch Giá; Chương trình tín dụng chuyên ngành SPL VI; Nhóm các dự án IFAD. Tuy nhiên, với việc bổ sung thêm Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Danh sách dự án chậm có 14 dự án cần tiếp tục được giám sát thường xuyên.

Về các dự án đường sắt đô thị, ngoại trừ dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên tiến độ thực hiện đã có cải thiện, 4/6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều bị chậm trễ nghiêm trọng.

Đây đều là những dự án đầu tư có quy mô và vốn đầu tư lớn, nên việc kéo dài thời gian thực hiện sẽ đẩy chi phí thực hiện dự án lên rất cao, giảm hiệu quả đầu tư và gây lãng phí nguồn lực. Việc đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc cho các dự án đường sắt đô thị hiện đang yêu cầu bức thiết.

Gần đây, ngày 16/7/2015, 4 Ngân hàng phát triển (ADB, AFD, KFWJICA) đã có công thư gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp cao đối với các dự án đường sắt đô thị để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án đường sắt đô thị đã triển khai và lập kế hoạch xây dựng các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới cho hiệu quả.

Bài 3: Cần có cơ chế cụ thể riêng cho chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng

Theo Song Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên