MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7.000 lít dầu chứa chất siêu độc: “Cha chung không ai khóc”?

14-08-2014 - 07:45 AM | Xã hội

Liên quan lô hàng máy biến thế chứa hơn 7.000 lít dầu nhiễm hóa chất siêu độc PCB ngay bờ vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, dư luận đặt câu hỏi liệu có tình trạng “cha chung không ai khóc”?

Vì sao suốt bảy năm trời khối hóa chất độc hại như vậy vẫn nằm ngay bên bờ vịnh Hạ Long? Chúng tôi  trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Tổng cục Hải quan về vấn đề này.

Tỉnh chờ Bộ

Vì sao bảy năm trời một lượng dầu khổng lồ chứa hóa chất siêu độc vẫn nằm ngay cạnh vịnh Hạ Long không được di chuyển đi nơi khác? Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, khi nhập lô hàng này về Việt Nam, phía doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin kê khai nhập khẩu máy biến thế từ Hàn Quốc chứ không khai báo lô hàng có chứa PCB nên đầy đủ điều kiện làm thủ tục nhập khẩu. Cơ quan hải quan cửa khẩu đã tiếp nhận hồ sơ và đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu. 

Khi nhận được công văn của Cục Bảo vệ Môi trường thông báo lô hàng này có chứa PCB - loại chất độc hại chứa các đồng vị phóng xạ có hại đến sức khỏe của con người, bị cấm vận chuyển vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã làm việc với các đơn vị liên quan và không cho thông quan lô hàng. 

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết thêm, theo Luật Bảo vệ Môi trường, trong trường hợp này chủ hàng hóa phải tái xuất hoặc thải bỏ, tiêu hủy lô hàng. 

Tuy nhiên, theo ông Vũ Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng có biến động về tổ chức. Trước kia đơn vị này trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin, sau đó thì phá sản, chuyển đổi từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp kia. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho vụ việc kéo dài gần bảy năm vẫn chưa giải quyết được.

Tuy nhiên, trong trường hợp không tìm được chủ thể lô hàng nhưng trước mối nguy hại khổng lồ có thể xảy ra, tại sao các đơn vị chức năng không đứng ra xử lý?

Ông Hoàng Danh Sơn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Ninh cho biết, do lô hàng chưa được thông quan, vẫn lưu giữ tại cảng Cái Lân nên việc quản lý lô hàng thuộc về ngành hải quan. Sở Tài nguyên và Môi trường có muốn đến xem xét lô hàng cũng phải được sự cho phép của ngành hải quan.

Lô hàng này lại nhiễm PCB, là chất thải nguy hại nên nhiều trách nhiệm liên quan thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường như vấn đề hướng dẫn, cấp phép vận chuyển, tiêu hủy, xử lý PCB. 

Khu vực lưu giữ hai container đã được lập hàng rào bảo vệ

Trong khi đó, công văn của Sở TN&MT Quảng Ninh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, ra văn bản hướng dẫn Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long vận chuyển hai container chứa thân máy biến thế, dầu nhiễm PCB từ cảng Cái Lân về thành phố Hải Phòng vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía Bộ.

“Phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ”

Hiện nay, theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Tỉnh đã tìm ra được doanh nghiệp là chủ thể lô hàng và đưa ra phương án giải quyết là vận chuyển lô hàng về kho an toàn của doanh nghiệp ở Hải Phòng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đôn đốc Công ty Cửu Long, có văn bản làm việc với Bộ TN&MT về quy trình xử lý để giải quyết vụ việc trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Hải quan do lô hàng chưa thông quan nên doanh nghiệp cũng không có toàn quyền quyết định với lô hàng. Do không thể tái xuất nên để giải quyết vụ việc, cần phải cho thông quan lô hàng. Trước mắt doanh nghiệp nên xây dựng phương án xử lý lô hàng. Các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt phương án xử lý. Khi tìm được phương án phù hợp thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin phép thông quan lô hàng. 

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương này muốn xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất. Vì thế, Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn sớm nhất để xử lý. Tỉnh cũng sẽ có trách nhiệm đứng ra xử lý lô hàng. Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh sẽ quyết tâm xử lý triệt để với sự hỗ trợ tích cực của Bộ TN&MT và sự vào cuộc của doanh nghiệp.

Theo Nguyễn Hoài - Đỗ Hoàng

cucpth

Tiền Phong

Trở lên trên