MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo hiểm y tế tự nguyện mà vẫn nhiêu khê

05-07-2015 - 10:38 AM | Xã hội

Vì còn nhiều vướng mắc, BHXH đã tạm lùi thời gian thực hiện quy định bán thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình tới ngày 1/1/2016.

Trong những tháng đầu năm nay, có một bước thụt lùi trong việc tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện ở tỉnh Kon Tum. Theo số liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương, tính từ ngày triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 1/1/2015 đến nay, cả tỉnh Kon Tum chỉ có 7.202 người mua bảo hiểm y tế tự nguyện, so với cùng kỳ năm ngoái giảm gần 1.200 người.

Vì sao một chính sách xã hội có ý nghĩa nhân văn, giúp người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế chất lượng cao, chăm lo sức khỏe cho người dân lại không nhận được nhiều sự ủng hộ?

Hơn 1 tháng đã trôi qua, song chị Lê Thị Bích Phượng, thôn Nghĩa An, xã Ya Chim, thành phố Kon Tum vẫn tỏ ra khá bức xúc khi kể lại hành trình mua bảo hiểm y tế tự nguyện cho bố mẹ mình. Chị Phượng cho biết, để mua được bảo hiểm y tế cho bố mẹ, năm lần bảy lượt chị phải chạy đi chạy lại từ nhà ra xã, rồi ra điểm bán bảo hiểm y tế ở Bưu điện tỉnh. Quãng đường phải đi cộng lại cũng tới hàng trăm cây số. Khổ hơn cả là việc phải hoàn thành các thủ tục giấy tờ để mua được bảo hiểm: “Đi một lần thì mình đâu có biết là cần phải giấy tờ gì. Họ bảo là phải phô tô chứng minh.

Giấy tờ của em trong Sài Gòn bắt buộc phải điện để gửi chứng minh với bảo hiểm về. Lại phải đưa cho bên phường họ xác nhận, rồi đưa cho tổ xác nhận. Đi phải năm lần mà chưa mua được bảo hiểm gì hết. Có nhiều người họ bỏ họ không muốn mua nữa”.

Trong một cuộc tiếp xúc mới đây với các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, cử tri Nguyễn Đức Tuyến, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum cho rằng, khoản 3, điều 13 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi quy định bắt buộc tất cả các thành viên trong hộ gia đình phải tham gia bảo hiểm y tế là một hình thức để cùng chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm. Quy định này cũng nhằm mục đích khuyến khích tất cả người dân tham gia bảo hiểm y tế và là chủ trương rất nhân văn. Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục bán bảo hiểm lại quá rườm rà, cứng nhắc không tạo thuận lợi cho người mua.

“Muốn mua bảo hiểm cả gia đình bắt người ta phải phô tô toàn bộ những thẻ bảo hiểm của người gia đình đã mua. Trong hộ khẩu có một người trong gia đình vì làm ăn ở xa hoặc vì nhiều lý do khác họ không phô tô được thẻ bảo hiểm họ đã mua thì bảo hiểm không bán cho người ta. Thế thì người dân trông chờ bảo hiểm ở chỗ nào? Tin cậy bảo hiểm ở đâu? Tin cậy bảo hiểm để tạo điều kiện dễ cho người ta, để người dân dễ mua bảo hiểm thì lại gây khó khăn cho người mua bảo hiểm. Đó là một cái rất khó khăn cho dân”.

Tại tỉnh Kon Tum, việc bán bảo hiểm y tế tự nguyện cho người dân được Bảo hiểm Xã hội tỉnh hợp đồng với ngành Bưu điện bán tại điểm bưu điện ở các địa phương. Thực tế cho thấy cùng với thủ tục còn quá rườm rà, nhiêu khê thì khả năng chuyên môn của nhân viên bưu điện- những người trực tiếp thực hiện công việc giao dịch với người dân cũng là vấn đề cần quan tâm. Ngoài ra, trên lý thuyết như ở thành phố Kon Tum, người có nhu cầu có thể thực hiện mua ngay tại điểm bưu điện văn hóa xã nhưng thực tế thì người dân vẫn phải tới điểm bán bảo hiểm y tế ở Bưu điện tỉnh để thực hiện giao dịch cuối cùng.

Bà Lê Thị Quý, số nhà 100, đường Ngô Đức Kế, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum cám cảnh: “Đâu phải ai cũng ở phường đâu. Những người ở xã họ lặn lội người ta ra đến nơi lại không có. Cứ bảo bây giờ khắc phục tôi bảo cái này một mình dân khắc phục không nổi. Ai đến cũng nói chứ không phải một mình tôi. Trước khi đến mua mình đóng tiền ở xã nhưng đến lúc có bảo hiểm tiếp tục vòng lên bưu điện tỉnh. Gì thì gì cũng cứ phải quay về Bưu điện tỉnh”.

Trước những ý kiến phản ánh của cử tri địa phương, bà Phạm Thị Điệp, Trưởng Phòng thu- Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết: “Thực tế những bất cập đó cũng thấy là rất rõ ràng nhưng Bảo hiểm Xã hội thì cũng phải làm theo những văn bản quy định của cấp trên”.

Thực tế cho thấy, việc mua bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình người dân có nhiều cái lợi. Cụ thể người thứ nhất mua, phải đóng mức tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, tương đương với trên 600 nghìn đồng. Đến người thứ hai, thứ ba, thứ tư trong gia đình lần lượt chỉ phải đóng bằng 70%, 60% và 50%. Từ người thứ năm trở đi chỉ phải đóng bằng 40%.

Biết là có lợi, song cử tri tỉnh Kon Tum cho rằng, với một gia đình nông dân có 5 người, thu nhập chỉ trông vào đồng ruộng thì việc phải chi khoảng 2 triệu đồng một năm để mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình cũng không phải là số tiền nhỏ. Đây cũng là nguyên nhân nữa khiến gần 1.200 người dân ở tỉnh Kon Tum trong những tháng đầu năm nay không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.

Trước việc bán bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình thủ tục còn nhiều bất cập, rườm rà, cứng nhắc, được biết Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã quyết định tạm lùi thời gian thực hiện quy định bán thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình tới ngày 1/1/2016.

Đây là việc làm cần thiết và được cử tri tỉnh Kon Tum ủng hộ. Cử tri địa phương mong muốn, một chính sách nhân văn, giúp người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế chất lượng cao, chăm lo sức khỏe cho người dân để đi vào cuộc sống cần phải được thực hiện một cách mềm dẻo và linh hoạt.

PV

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên