MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư, Chủ tịch địa phương không ứng cử ĐBQH: Nên hay không?

25-03-2016 - 08:14 AM | Xã hội

Bí thư, Chủ tịch phải dành nhiều tâm sức, thời gian cho công việc của địa phương nên không thể tham gia đầy đủ hoạt động Quốc hội.

Trước các ý kiến cho rằng: việc ba lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng không ứng cử đại biểu Quốc hội đang tạo tiền lệ cho cả nước, đại diện thành phố Đà Nẵng đã trả lời đó là chuyện bình thường và chỉ là chấp hành quy định của Trung ương. Tuy nhiên, chuyện lãnh đạo chủ chốt có nên ứng cử vào Quốc hội không hay nên chuyên tâm dành nhiều thời gian cho công việc địa phương cũng là vấn đề đáng bàn, nhất là khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 đang đến gần.

Theo ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì việc lãnh đạo chủ chốt của các địa phương không tham gia ứng cử Quốc hội là chuyện bình thường, không phải là hiện tượng lạ. Nó là việc làm đúng đắn vì trong 5 tiêu chuẩn ứng cử viên đại biểu Quốc hội có một tiêu chuẩn quan trọng là phải có điều kiện hoạt động Quốc hội.

Từ hoạt động của Quốc hội thời gian qua cho thấy tình trạng đại biểu kiêm nhiệm là cán bộ trong cơ quan hành pháp nghỉ họp nhiều trong các phiên thảo luận tại nghị trường là thực tế. Do vậy, lựa chọn đại biểu Quốc hội là phải ưu tiên những người có đủ điều kiện về thời gian, tâm sức dành cho hoạt động của Quốc hội. Có như vậy mới không ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của cơ quan đại diện dân cử cao nhất

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa bày tỏ quan điểm, trước đây, thông thường lãnh đạo tỉnh là Bí thư tỉnh ủy hoặc Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhưng đồng thời là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội. Nhưng các vị trí chủ chốt do một người đảm trách sẽ không thuận lợi vì lãnh đạo chủ chốt đó phải giữ trọng trách tại địa phương, dành nhiều tâm sức, thời gian cho công việc của địa phương nên không thể tham gia đầy đủ hoạt động Quốc hội.

Cũng vì bận công việc nên họ không có thời gian nghiên cứu tài liệu để đóng góp cho hoạt động xây dựng luật, giám sát. Bên cạnh đó, vì giữ trọng trách, có quan hệ với Trung ương nên tình trạng né tránh, ngại va chạm thường xảy. Dư luận vì thế cũng phàn nàn đặt câu hỏi nhiều lãnh đạo ít phát biểu hoặc phát biểu không thể hiện được những vấn đề bức xúc của cử tri.

Ông Lê Văn Cuông cho rằng đây cũng là nét mới so với trước. Để Quốc hội thể hiện đúng vai trò đại diện dân cử thì việc tăng chuyên trách, giảm tỷ lệ đại diện hành pháp trong Quốc hội là xu thế tốt. Quốc hội nên đa dạng nhiều tiếng nói của các chuyên gia để tham gia sâu sắc dự án luật hoặc có điều kiện giám sát hoạt động của nhà nước tốt hơn.

Trước ý kiến cho rằng việc lãnh đạo chủ chốt tham gia ứng cử Quốc hội là cần thiết vì họ là những người nắm được các bức xúc của địa phương, tiếng nói của cuộc sống họ sẽ giúp cho việc hoạch định chính sách tốt hơn, hơn nữa, họ sẽ giúp cho Nghị quyết hay luật được thông qua tại Quốc hội sẽ triển khai ở địa phương nhanh hơn, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật không đồng tình. Ông cho rằng trong các đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương đều có các cán bộ lãnh đạo chủ chốt và việc các cán bộ lãnh đạo chủ chốt tham gia thì họ đã mang tiếng nói vào nghị trường rồi.

Vẫn đảm bảo những chủ trương, kế hoạch mong muốn của chính quyền địa phương đều được chuyển tải đến Quốc hội thông qua các đại diện đó chứ không phải cứ nhất thiết những người đứng đầu tỉnh. Ngoài ra, Quốc hội hoạt động công khai, mọi vấn đề được thảo luận công khai, truyền hình trực tiếp nên dù họ không tham gia Quốc hội vẫn tiếp cận được hoạt động của Quốc hội dưới nhiều kênh và sản phẩm cuối cùng là các luật, rất rõ hành lang pháp lý mà họ rất dễ tiếp cận.

Theo ông Lê Minh Thông, điều quan trọng việc cử tri lựa chọn ai là quyền của cử tri. Các ứng cử viên được lựa chọn vào danh sách chính thức họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn. Vì vậy cho nên vấn đề là làm thế nào để cử tri có nhiều thông tin nhất về các ứng cử viên, không chỉ thông tin về hồ sơ lý lịch mà cả thông tin về uy tín, năng lực các ứng cử viên.

Chúng ta phải tổ chức tốt hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi làm việc, nơi cư trú vì những chỗ đó cử tri hiểu rất rõ các ứng cử viên. Và những thông tin đó phải công khai để cử tri hiểu rằng người đó ở cơ quan như thế này, ở nơi cư trú thì như thế kia. Chúng ta cung cấp nhiều thông tin về ứng cử viên cho cử tri càng tạo nhiều căn cứ để cử tri lựa chọn và cử tri sáng suốt. Bằng những thông tin khách quan, đầy đủ, công bằng của các ứng cử viên thì cử tri có sự lựa chọn đúng đắn

Ý kiến của cử tri không lệ thuộc vào người đó là cán bộ chủ chốt hay không chủ chốt. Mà cử tri họ lựa chọn người đó có đại diện cho họ được không, có nói lên tiếng nói của họ hay không, có bảo vệ lợi ích của họ hay không và có thực sự đại diện cho họ hay không. Một khi được cử tri tín nhiệm bầu thì đó là đại biểu của nhân dân, người đó phải gắn bó với nhân dân, phải nói tiếng nói của nhân dân, phải phụng sự lợi ích của nhân dân. Đó là tiêu chí để cử tri lựa chọn chứ không phải chức vụ hay không chức vụ./.

Theo Vân Hồng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên