MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công an chuẩn bị các dự luật trình kỳ họp Quốc hội

05-05-2014 - 08:38 AM | Xã hội

Theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, tại kỳ họp thứ 7 (khai mạc vào cuối tháng 5), Bộ Công an chuẩn bị, trình dự án Luật Công an nhân dân (CAND sửa đổi)

Dự án Luật Căn cước công dân và phối hợp chuẩn bị báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với Luật CAND, trong 8 năm thi hành đã góp phần quan trọng xây dựng bộ máy, bố trí lực lượng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ, nâng cao vị thế, mở rộng quan hệ quốc tế, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định của luật đã bộc lộ vướng mắc, bất cập hoặc chưa đầy đủ như: nhiệm vụ, quyền hạn của CAND; cấp bậc hàm, hạn tuổi phục vụ, chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ... 

Thực tiễn đòi hỏi Luật CAND năm 2005 phải được sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ, thống nhất với các luật nêu trên. Trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương mới về bảo vệ Tổ quốc, về bảo vệ an ninh, trật tự đòi hỏi phải quán triệt, thể chế hóa bằng các luật, trước hết là Luật CAND.

Dự án Luật CAND đã được UBTV Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4 vừa qua. Một trong những vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm là quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND. Về vấn đề này, quán triệt ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, Điều 23 dự thảo Luật đã sửa đổi Điều 24 Luật CAND năm 2005 theo hướng quy định cụ thể các chức vụ của sĩ quan Công an có cấp bậc hàm cao nhất cấp úy, cấp tá, cấp tướng, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp và thực tiễn tổ chức, hoạt động của CAND, có xem xét tương quan với sĩ quan Quân đội nhân dân. 

Theo đó, cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ cấp trưởng cao hơn cấp phó một bậc; bổ sung quy định về việc thăng cấp bậc hàm cấp tướng đối với sĩ quan biệt phái; cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng của đơn vị thành lập mới do Thủ tướng Chính phủ quy định. Sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất từ Thượng tá trở xuống nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc và có quá trình cống hiến thì được xem xét, thăng cấp bậc hàm cao hơn một bậc do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Đối với dự án Luật Căn cước công dân cũng đã được UBTV Quốc hội cho ý kiến bước đầu. Tổng kết của Bộ Công an cho thấy, sau 14 năm thực hiện các quy định pháp luật về căn cước công dân, các quy định này còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ nên hiệu lực thi hành thấp. 

Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản nên cần phải được quy định trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao là luật. Các thông tin về căn cước công dân có ý nghĩa quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu giao dịch của cơ quan, tổ chức, công dân nhưng lại gắn liền với bí mật đời tư cá nhân. Song pháp luật hiện hành chưa quy định về thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác các thông tin về căn cước công dân để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như đáp ứng quyền, lợi ích chính đáng của công dân...

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức việc soạn thảo Luật căn cước công dân bảo đảm đầy đủ các bước theo trình tự, thủ tục luật định. Quá trình soạn thảo, Bộ Công an đã hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong nước có liên quan đến căn cước công dân để đánh giá những quy định còn bất cập, không phù hợp; đồng thời, tham khảo pháp luật của một số nước trên thế giới (Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Singapore…). Tổng kết 14 năm (1999 - 2013) thực hiện Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 về CMND; tổ chức khảo sát tình hình quản lý căn cước công dân tại một số địa phương trọng điểm... 

Việc xây dựng dự án luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.

Về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước. Kỳ họp này, Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp cơ quan hữu quan chuẩn bị báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án để Quốc hội thảo luận, thông qua. 

Dự luật quy định nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, của tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú là phải đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất trong việc giải quyết cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. 

Người nước ngoài có nhiều hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và được xác định quốc tịch theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu đó...

Theo M.Đăng

cucpth

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên