MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bổ sung nhiều quyền lợi cho người lao động

03-12-2014 - 17:10 PM | Xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, gồm 9 Chương, 125 Điều, bổ sung nhiều quyền lợi cho người lao động và quy định rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.

Ở tù vẫn được hưởng lương hưu

Cụ thể, Luật này bổ sung các quy định: người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng nếu bị phạt tù giam thì trong thời gian thi hành án vẫn được hưởng lương hưu; nếu có căn cứ xác định việc hưởng BHXH hàng tháng không đúng quy định của pháp luật, cơ quan BHXH thực hiện tạm dừng hưởng, trong thời hạn 30 ngày cơ quan BHXH nơi tạm dừng phải giải quyết hưởng tiếp hoặc ra quyết định chấm dứt hưởng BHXH nêu rõ lý do.

Những người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng nếu ra nước ngoài định cư sẽ được nhận trợ cấp một lần.

Về cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu, Luật BHXH (sửa đổi) quy định cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu theo lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH đối với lao động nam để được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trong đó, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018, tỷ lệ 45% tương ứng với 16 năm đóng BHXH, tương tự, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.

Như vậy, từ năm 2020 trở đi, lao động nam có đủ 20 năm đóng BHXH được tính bằng 45%, từ năm 2018 trở đi lao động nữ có đủ 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% cho cả nam và nữ, mức tối đa bằng 75%

Tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi tăng từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi.

Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc

Luật BHXH (sửa đổi) lần này cũng mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người lao động có hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Một số nhóm đối tượng đã được thực hiện theo các quy định hiện hành được Luật hóa như học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Đối với BHXH tự nguyện, Luật sửa đổi bỏ quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, bỏ quy định mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) để phù hợp với khả năng tham gia của người dân, quy định người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng BHXH tự nguyện một cách linh hoạt ngoài các phương thức đã quy định lần này cho phép có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ.

Bảo hiểm hưu trí cũng được bổ sung thành chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.

Theo H.Vân

cucpth

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên