MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bổ sung trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ

19-06-2015 - 10:54 AM | Xã hội

Với 410 phiếu thuận, 6 không tán thành và 17 không biểu quyết, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua sáng 19/6

Bên cạnh nhiều nội dung xin “giữ như dự thảo”, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng 19/6 với 410 phiếu thuận, 6 vị không tán thành và 17 vị không biểu quyết cũng đã có một số quy định được bổ sung.

Theo đó, Thủ tướng có thêm trách nhiệm: “Chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội".

Đề nghị bổ sung quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong việc thúc đẩy, kiến tạo phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng theo quy định tại Điều 52 Hiến pháp cũng đã được tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.

Ý kiến khác cũng được tiếp thu là quy định nhiệm vụ của Chính phủ trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, tài sản khác thuộc sở hữu toàn dân, tài sản công, tài nguyên thiên nhiên.

Cụ thể, khoản 6 điều 8 của dự thảo luật quy định: Chính phủ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật. Thống nhất quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực quốc gia; thống nhất quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước, các tài sản công khác và thực hiện các chế độ tài chính theo quy định của pháp luật trong các cơ quan nhà nước; thi hành chính sách tiết kiệm, chống lãng phí.

Với nhiều nội dung đã được tranh cãi nhiều chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn xin giữ nguyên như dự thảo.

Chẳng hạn, Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, còn nội dung, thời gian cụ thể của mỗi lần báo cáo Thủ tướng được chủ động lựa chọn cho phù hợp.

Hay, về số lượng thứ trưởng, có ý kiến đề nghị giảm 1/3, ý kiến khác đề nghị bỏ quy định về “trường hợp đặc biệt”, thay quy định “Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định” bằng “Quốc hội quyết định” để tránh tình trạng tăng số thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ so với quy định của luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ nguyên quy định số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6.

Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Biểu quyết riêng về nội dung này có 401 đại biểu tán thành, 35 không tán thành và 4 người không biểu quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội cho phép không quy định “cứng” tỷ lệ nữ tham gia Chính phủ trong luật.

Đề nghị quy định Thủ tướng Chính phủ là đại biểu Quốc hội còn các thành viên khác của Chính phủ không đồng thời là đại biểu Quốc hội cũng không được tiếp thu.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên