MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Thăng: Lãnh đạo thử mua vé tàu xe xem khổ thế nào?

19-01-2016 - 14:29 PM | Xã hội

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói lãnh đạo thử đóng vai người dân đi mua vé tàu xe xem khổ sở thế nào?

Tại Hội nghị tổng kết công tác giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020 của Thanh tra Bộ GTVT sáng nay (19/1), Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu trong dịp Tết này, tất cả các đơn vị chức năng của Bộ, Sở GTVT các địa phương tập trung phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Thanh tra để mọi việc tốt hơn

Bên cạnh biểu dương những kết quả đạt được trong năm qua của Thanh tra GTVT, Bộ trưởng yêu cầu trước mắt dịp Tết này, tất cả các đơn vị phải đảm bảo phương tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

“Không được để người dân không có phương tiện về quê. Các lĩnh vực đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không phải tăng cường phương tiện an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng nhồi nhét khách. Tại một số ga đường sắt, bến xe còn chen nhau mua vé, cần khắc phục ngay”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, người dân phải chen nhau mua vé rất khổ sở, nhưng lại phải mua vé giá cao nữa. Lãnh đạo thử đóng vai như người dân mua vé tàu xe để thấy có được tấm vé khổ sở thế nào? Chúng ta cần phải cố gắng giảm tối đa nhồi nhét khách, nâng giá vé, cò vé... Phải thấu hiểu mới ra được chính sách tốt và giải pháp tốt.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GTVT sẽ tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất cho thanh tra GTVT làm việc.

Bộ trưởng cũng đề nghị phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thanh tra chuyên ngành GTVT, để từ đó đề xuất với các cơ quan Chính phủ, Quốc hội. Ngành GTVT với đặc thù sử dụng vốn lớn nhất, tiềm ẩn rủi ro nguy cơ tham nhũng, thất thoát, tiêu cực. Chỉ có chuyện cấp phù hiệu tăng cường dịp lễ tết thôi cũng có chuyện. Bộ trưởng đề nghị các giám đốc Sở GTVT và Thanh tra GTVT, các cục vụ cần tiếp tục phối hợp để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra Bộ cần xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra dài hạn, nhưng phải theo đúng điều kiện thực tế theo hướng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, làm tốt hơn, chấp hành pháp luật tốt hơn. "Chúng ta tổ chức hàng trăm nghìn cuộc thanh tra, nhưng cũng đặt lại vấn đề với chừng ấy cuộc thanh tra sẽ mất bao nhiêu thời gian và công sức của doanh nghiệp để làm việc với thanh tra? Có phải thanh tra nhiều là tốt không? Vấn đề là thanh tra chất lượng, chỉ ra những sai sót để doanh nghiệp làm tốt hơn", Bộ trưởng nói và đề nghị cần thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ.

Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn bè của dưới. Thanh tra phải nâng cao bản lĩnh, trình độ, tiếp thu ý kiến của người dân và báo chí. Người ta đứng ở các góc độ khác nhau phản ảnh, cần tiếp thu xử lý mọi việc công tâm khách quan, không được “đặt vấn đề” gì với người ta. Phải khắc phục ngay, thanh tra nhưng không được gây khó khăn và phiền hà cho doanh nghiệp. Việc gì có lợi cho dân, cho nước, cho doanh nghiệp thì phải làm. Đa số cán bộ là tốt, nhưng vẫn còn bộ phận không nhỏ tiêu cực.

"Thanh tra phải phối hợp với cơ quan truyền thông và lắng nghe, cầu thị những phản ánh để khắc phục. Các cơ quan của Bộ phải phối hợp với Sở GTVT các địa phương để thực hiện tốt hơn nữa. Các cơ quan trong Bộ cũng phải phối hợp tốt hơn. Cái gì đem lại lợi ích, hạnh phúc cho người dân phải cố gắng làm. Làm không phải để đánh bóng thương hiệu.

Về cán bộ thanh tra, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện nghiêm túc luân chuyển cán bộ, xử lý cán bộ nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật. Xử lý kỷ luật và cách chức là một trong những giải pháp cuối cùng, không ai muốn cách chức cán bộ. Không vị thủ trưởng nào muốn cách chức cán bộ cấp dưới cả. Làm thế nào để tốt lên, chứ không phải cách chức là hay. Tạo đồng thuận và yên lòng trong người dân. Phải có sự đồng lòng của toàn ngành ta mới làm được. Cùng với thanh tra kế hoạch phải có thanh tra đột xuất.

Thanh tra ngành GTVT xử lý vi phạm quá khổ, quá tải

Thanh tra ngành GTVT xử lý vi phạm quá khổ, quá tải

Thanh tra đột xuất đơn vị tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng

Theo báo cáo của Thanh tra GTVT, trong giai đoạn 2011 – 2015, Thanh tra Bộ GTVT đã thực hiện 76 cuộc thanhh tra, kiểm tra chuyên ngành, tập trung lĩnh vực kiểm soát tải trọng, xếp hàng hóa trên phương tiện, vận tải đường thủy đường bộ, đăng kiểm, đào tạo sát hạch lái xe...

Qua đó, Thanh tra bộ đã xử phạt và kiến nghị xử phạt tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 1 vụ việc lên cơ quan điều tra liên quan đến lĩnh vực làm giả Giấy chứng nhận sức khỏe với số lượng lớn; kiểm tra việc thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT tại tất cả các địa phương trong cả nước.

Thanh tra các Cục, Tổng cục chuyên ngành đã thực hiện hơn 485 nghìn cuộc thanh tra; xử phạt vi phạm hơn 938 nghìn vụ.

Giai đoạn 2016 – 2020, Thanh tra GTVT tiếp tục đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành GTVT; tăng cường thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATGT ở các lĩnh vực; chỉ đạo giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại dứt điểm từ cơ sở; thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng của Bộ GTVT và Chỉ thị số 08/CT-BGTVT về Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tập trung cải cách hành chính; tăng cường thanh tra đột xuất các cơ quan, đơn vị tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực...

Theo Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Thanh Hà, để đạt được những mục tiêu này, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp, giải pháp cũng như cách thức điều hành và cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ vào hoạt động thanh tra; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy trình nghiệp vụ; đẩy mạnh nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ, thanh tra viên...

Cũng tại Hội nghị, nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đã được Bộ trưởng GTVT và Chánh Thanh tra Bộ tặng Bằng khen, Giấy khen.

 

Theo Thiện Anh

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên