MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải cách bộ máy: Chờ đợi ở những chữ “phải”

11-02-2014 - 08:28 AM | Xã hội

Cán bộ công chức không những không giảm mà còn tăng 25% sau 5 năm thực hiện nghị quyết về tinh giảm biên chế.

Một khí thế sôi nổi ngay từ những ngày đầu năm 2014, bởi thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho năm nay đã nhấn mạnh đến vấn đề cải cách thể chế và coi đây là đột phá hàng đầu. Giới chuyên gia kinh tế, cũng như dư luận nhiệt tình ủng hộ thông điệp này của Thủ tướng.

Tuy nhiên, điều đang được chờ đợi hơn cả, là thông điệp này, sẽ được hiện thực hóa thế nào. Bởi thực tế, vấn đề cải cách thể chế là nhiệm vụ đã được đề ra từ Đại hội 11.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM, TS. Trần Du Lịch, nói: “Đầu tư để đổi mới thể chế ít tốn kém nhất và hiệu quả nhất, song lại rất khó làm vì đụng tới lợi ích của từng bộ phận”.

“Tương tàn” tinh giản?

Chưa bao giờ, vấn đề “lợi ích từng bộ phận”, với tên gọi phổ biến hơn là “lợi ích nhóm” trở nên nóng như nửa nhiệm kỳ vừa qua. Trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Chính phủ khóa 13, Thủ tướng muốn thể hiện một tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt trong cải cách thể chế.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Thủ tướng đã bắt đầu thông điệp bằng nhiệm vụ đổi mới thể chế, đề cập đúng trọng tâm, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân đang bức xúc rất nhiều về yếu kém của bộ máy.

Đây cũng có thể xem như sự nối dài của dư âm cuộc lấy phiếu tín nhiệm, lần đầu tiên thực hiện ở Quốc hội vào mùa hè năm ngoái với nhiều thành viên Chính phủ có kết quả kém vui. Chỉ còn nửa nhiệm kỳ để xốc lại bộ máy và lấy lại niềm tin, e rằng thời gian khó đủ, vì thế, “có thể yêu cầu bộ máy nhà nước các cấp bắt đầu thực hiện ngay một số hành động không tốn kém tiền bạc nhưng có thể đáp ứng những mong đợi của quần chúng và doanh nghiệp”, TS. Doanh nói.

Mấy ngày qua, truyền thông tốn nhiều giấy mực về “sự kiện” Bộ Nội vụ có dự thảo tờ trình Chính phủ chính sách tinh giản biên chế, theo đó, khoảng 100.000 người có thể sẽ mất việc. Dự kiến, việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện trong vòng 6 năm (2014 - 2020), trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Mức phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, còn một người thôi việc là khoảng 90 triệu đồng, nên tổng kinh phí dự kiến để thực hiện chính sách tinh giản biên chế là khoảng 8.000 tỷ đồng.

100 nghìn người tưởng là con số “to”, nhưng sẽ không thấm tháp là bao so với con số khoảng 2,8 triệu công chức cả nước. Song, cũng đã khiến dư luận nhiều phấn chấn. Dù vậy, ai sẽ trong diện phải ra đi, không phải là bài toán dễ giải. Bởi, nếu so sánh với mức 100 triệu đồng để trở thành công chức mà Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội có nêu ra hồi tháng 1 năm ngoái, với mức 75 triệu đồng và 90 triệu đồng để “giải quyết” công chức, thì rõ ràng vẫn là... “lỗ nặng”.

Vì vậy, không khó để hình dung rằng cuộc tinh giản này có nhiều khả năng trở thành cuộc “tương tàn” và cắt giảm không đồng nghĩa với việc chất lượng bộ máy sẽ được nâng lên, thậm chí còn suy yếu hơn khi người được việc sẽ có nhiều hơn nguy cơ thành mất việc, nhất là trong bối cảnh “vấn nạn “chạy” đã trở thành trào lưu được thừa nhận”, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nhận định.

Chờ đợi ở những chữ “phải”


Nhìn lại những cuộc cắt giảm đã từng diễn ra trước đó. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong một phiên thảo luận tại tổ của các đoàn đại biểu Quốc hội về kinh tế - xã hội, diễn ra hồi cuối tháng 10 năm ngoái, đã cảm khái mà nói rằng: “Dân nộp thuế cho ta ngồi đây. Bộ máy cồng kềnh thế này dân è cổ nuôi, làm việc không hiệu quả thì có lỗi với dân. Cái gì giờ cắt được thì mạnh dạn cắt”.

Thế nhưng, cán bộ công chức không những không giảm mà còn tăng 25% sau 5 năm thực hiện nghị quyết về tinh giảm biên chế. “Ghế” thứ trưởng ở các bộ cũng rầm rộ tăng mà như Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út có than phiền là: “Hiện nay không còn bộ nào chỉ có 4 thứ trưởng như Quyết định 36 của Chính phủ đề ra. Có bộ có đến 9 thứ trưởng, 4 bộ có 7 thứ trưởng, 9 bộ có 6 thứ trưởng, 7 bộ có 5 thứ trưởng...”.

Trong thông điệp cho năm 2014 của mình, Thủ tướng viết: “Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ...”.

Người dân đang chờ đợi những chữ “phải” đó có làm được hay không, với hy vọng đó sẽ không phải là một câu chuyện dài về gây dựng niềm tin. Hai năm trước, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế đã được đẩy lên cao trào mà Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành từng gọi đó là “mốt”. Mong rằng không có cái tên như vậy cho câu chuyện cải cách thể chế.

Theo Lê Châu

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên