MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chỉ người tài mới có thể xoay chuyển tình thế”

13-02-2014 - 14:50 PM | Xã hội

“Chỉ người tài mới có thể xoay chuyển tình thế, và đất nước đang cần những người như vậy!”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân nói với chúng tôi

Ông Vân cũng cho rằng, cần có tiêu chí cụ thể để đánh giá tài năng của các vị được Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Thưa ông, theo dự kiến thì tới đây Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn có thể sẽ được xem xét sửa đổi. Việc này có mối liên hệ gì với đề xuất hiến định trọng dụng nhân tài và soạn thảo Luật Trọng dụng nhân tài mà ông từng phát biểu trước Quốc hội?

Tất nhiên là có liên hệ chặt chẽ. Bởi mỗi người được Quốc hội giao trọng trách thì phải có thực tài và quan trọng hơn là Quốc hội phải góp phần tạo ra cơ chế cho họ phát huy tài năng. Còn việc xem xét điều chỉnh quy trình lấy phiếu tín nhiệm là đương nhiên vì bất cứ quy định nào ngay lập tức cũng chưa thể hoàn hảo, cần được kiểm nghiệm, bổ sung để hoàn thiện.

Vậy theo ông nên sửa theo hướng nào?

Quan trọng nhất là phải đưa ra được tiêu chí đánh giá, đưa ra căn cứ để đại biểu dựa vào đó mà đánh giá tài năng các vị được lấy phiếu. Nghĩa là hàng năm các vị phải có chương trình hành động. Ở vị trí đứng đầu đất nước thì chương trình đó có thể báo cáo trước Quốc hội, còn các vị khác thì gửi bằng văn bản để các vị đại biểu tự nghiên cứu. Chương trình đó cũng giống như là kế hoạch và lộ trình hành động, chứa đựng những công việc thuộc chức trách của các vị ấy. Có như vậy, đại biểu mới đủ căn cứ để đối chiếu mà đánh giá.

Lần lấy phiếu tín nhiệm thứ nhất ở kỳ họp Quốc hội giữa năm 2013 cho dù được đánh giá là “cuộc cách mạng về nhận thức” thì chủ yếu lá phiếu vẫn dựa vào cảm tính, do thiếu thông tin so sánh. Đã là cảm tính thì có thể đúng, có thể sai. Nếu có chương trình hành động cụ thể làm căn cứ, thì chỉ có những người ích kỷ hẹp hòi mới không tín nhiệm những vị làm được nhiều việc ích nước, lợi dân.

“Chỉ người tài mới có thể xoay chuyển tình thế” 1Tài năng kém hay đức hạnh kém thì nên gọi đúng tên gọi là “kém” chứ không nên nói là tín nhiệm thấp. Ông Lê Thanh Vân

Tôi cũng cho rằng, Quốc hội vừa lấy phiếu tín nhiệm lại vừa bỏ phiếu tín nhiệm (với những người hai lần liên tục được trên 50% đại biểu tín nhiệm thấp - PV) là không hợp lẽ. Có thể lấy phiếu tín nhiệm ở hội đồng nhân dân, ở Mặt trận Tổ quốc và đó là kết quả để đại biểu tham khảo khi bỏ phiếu tín nhiệm, bởi những ý kiến của những cơ quan ấy cũng mang tính đại diện cho nhân dân. Nhưng đặt ra quy trình đó, thì việc bỏ phiếu có thể sẽ rườm rà, bởi quy trình và thủ tục.

Một điều nữa mà tôi cho rằng, cần thay đổi nhận thức từ cả hai phía. Người được bỏ phiếu nếu thấy mình tài hèn sức mọn thì cũng nên vui vẻ rời bỏ cương vị của mình bằng việc đệ đơn xin từ chức. Còn người bỏ phiếu cũng không nên vì định kiến theo dư luận, do thiếu thông tin, hay chỉ vì không thỏa mãn yêu cầu nào đó của bản thân mình mà lại bỏ phiếu tín nhiệm thấp khi họ có thực tài.

Sau lần lấy phiếu thứ nhất thì khá nhiều ý kiến của cử tri và cả đại biểu cho rằng chỉ nên để hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm, cá nhân ông nghĩ thế nào?

Đúng là khi đi tiếp xúc cử tri thì nhiều ý kiến cho rằng để ba mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp - PV) là chưa phản ánh được rành mạch chất lượng cán bộ. Tài năng kém hay đức hạnh kém thì nên gọi đúng tên gọi là “kém” chứ không nên nói là tín nhiệm thấp. Có thể nhiều người cho rằng không nên dùng từ bất tín nhiệm, nhưng cũng đừng vì thế mà không minh bạch, rạch ròi.

Bởi thế, tôi cho rằng, chỉ nên để hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

7 năm trước, vào ngày 9/2 Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên đối thoại trực tuyến với nhân dân. Trong đó có hai bạn đọc đã hỏi Thủ tướng rằng “một số vị bộ trưởng hiện nay khả năng yếu kém, bất tài, dư luận đã lên tiếng chỉ trích nhưng vẫn đương chức đương quyền. Vậy Thủ tướng có động thái gì, cải đổi gì và phải thay đổi chính sách sử dụng, bổ nhiệm nhân sự hiện nay như thế nào để có được người có tài, có tâm phục vụ đất nước? câu hỏi này theo ông hiện nay có còn tính thời sự không ạ?

Thực ra, thì việc cử ra bộ trưởng đâu chỉ thuộc trách nhiệm phê chuẩn của Quốc hội, mà bản thân họ đã có quá trình rèn luyện, được phát hiện và được thẩm định qua nhiều quy trình do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành rồi. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa họ mặc nhiên được công nhận là có thực tài. Quan trọng là sau khi được phê chuẩn rồi, thì tài năng của họ bộc lộ như thế nào, được đánh giá bởi những tiêu chí gì trong thực tiễn thực hiện trọng trách được giao.

Như trên tôi đã nói, nếu mỗi vị bộ trưởng đều đưa ra được chương trình hành động cho cả nhiệm kỳ và lộ trình của từng năm cùng với các đột phá vào những điểm then chốt nhất, yếu kém nhất của ngành mình phụ trách, thì Quốc hội cũng dễ dàng đánh giá hơn.

Trong số các vị bộ trưởng đương nhiệm hiện nay, tôi thấy Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là một trong những người có nhiều hoạt động đúng tầm, nhất là ở các đề xuất và quyết tâm tái cơ cấu đầu tư công, cải cách thể chế kinh tế.

Tôi cũng được biết Bộ trưởng Vinh vừa lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo đề cương nghiên cứu cải cách thể chế kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030. Một trong sáu nội dung lớn tại đây là thu hút và trọng dụng nhân tài trong bộ máy quản lý nhà nước. Một số vị chuyên gia cho rằng, đây phải là nội dung được thực hiện đầu tiên và chỉ cần thực hiện tốt nội dung này thì sẽ có chuyển biến lớn. Ông có cùng quan điểm?

Bộ trưởng Vinh đã đúng và ý kiến chuyên gia lại càng đúng. Con người là tác giả của các lý thuyết, là chủ thể của hành động và là thể nhân của những vi phạm các quy tắc do chính mình đặt ra, bởi vậy, con người phải là nhân tố tối quan trọng, cần phải đặt lên hàng đầu. Trong 6 kỳ Quốc hội khóa 13, tôi đã ba lần phát biểu về vấn đề con người.

Lần thứ nhất tôi đề xuất xây dựng Luật Trọng dụng nhân tài. Lần thứ hai khi thảo luận về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tôi đã đề nghị cần tái cơ cấu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Rất mừng là thông điệp đầu năm 2014 Thủ tướng có đề cập đến điều này.

Lần thứ ba, khi thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tôi cũng nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục nhân cách của con người. Xưa kia bố mẹ đưa con đến nhận thầy bao giờ cũng có lễ khai tâm, mở mang cái tâm của trẻ trước. Đó là điều vô cùng hệ trọng. Lần đó tôi có nói rằng, một người mà có nhân nghĩa, lễ, trí, tín thì không trộm cắp; người có liêm sỉ thì không mua tước bán quan.

Quay về chuyện cải cách thể chế, con người là gốc rễ của chính sách, con người chất lượng cao thì ban hành chính sách hợp với thời thế; có chuẩn mực về tri thức và đạo đức thì điều hành thực thi chính sách tốt; và có giáo dục tốt, có nhận thức tốt thì không thể vi phạm pháp luật.

Bởi vậy, nếu đề án cải cách thể chế đưa việc thu hút và trọng dụng nhân tài lên hàng đầu, theo tôi là rất đúng và rất trúng. Lúc này đất nước đang rất cần nhân tài để xoay chuyển tình thế.

Vậy theo ông thì Quốc hội có thể làm được việc gì để hỗ trợ hành động của Bộ trưởng Vinh nói riêng và đẩy mạnh cải cách thể chế nói chung?

Bộ trưởng Vinh phải có đề án thuyết phục trình Chính phủ để Chính phủ trình ra Quốc hội. Tôi nghĩ, chắc chắn Quốc hội sẽ ủng hộ, cá nhân tôi sẽ công khai phát biểu ủng hộ.

Còn về lâu dài, thì như tôi đã đề xuất, là cần có Luật Trọng dụng nhân tài. Ở đâu cũng có người tài, nhưng cơ hội để bộc lộ và thi thố tài năng thì liên quan đến thể chế, nếu không, dù có thực tài nhưng quyền năng bị giới hạn thì tài năng cũng không thể phát tiết được.

“Chỉ người tài mới có thể xoay chuyển tình thế” 2Năm 2014 là năm được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Đây là cơ hội để người tài triển khai thi thố, bộc lộ tài năng, góp phần đưa đất nước đi lên một cách vững chắc. Ông Lê Thanh Vân

Theo tôi có bốn lý do rất quan trọng cần có Luật Trọng dụng nhân tài.

Lý do thứ nhất, là từ lịch sử cho thấy các vị thánh đế, minh vương sau khi lên ngôi, thì việc đầu tiên là xuống chiếu cầu hiền. Vì nhân tài là tinh hoa của đất trời, là trụ cột của giang sơn, xã tắc. Người tài là người có “đạo trị bình đủ phép kinh luân, môn thao lược hơn đời trí dũng”, đủ khả năng xoay chuyển cục diện, hóa hung thành cát. Năm 1946, Bác Hồ của chúng ta cũng đã có công thư gửi các ủy ban hành chính kháng chiến đề nghị phát hiện nhân tài tiến cử cho Trung ương. Việc làm ấy là giá trị tốt đẹp có thể tiếp thu và kế thừa.

Lý do thứ hai, nhân tài là tài sản đặc biệt, cần được trọng dụng để phụng sự cho sự nghiệp kiến thiết đất nước. Có nhân tài sẽ có tất cả. Nếu không khai thác nguồn tài nguyên đặc biệt này, thì rất lãng phí và là điều vô cùng đáng tiếc. Bởi nhân tài trong lĩnh vực chính trị có thể mở lối cho đường hướng phát triển đúng quỹ đạo của đất nước; nhân tài trong quản lý có thể xây dựng hệ thống thang bậc trật tự kỷ cương; trong khoa học công nghệ có thể có phát minh, sáng chế làm thay đổi diện mạo nhiều vấn đề lớn; trong khoa học giáo dục có thể đưa ra những công thức chuẩn mực để đào tạo con người…

Lý do thứ ba, là có những vấn đề của đất nước trong thời kỳ đổi mới chưa được giải quyết tốt, ngay cả việc lựa chọn các giải pháp để thực hiện mục tiêu mà Đảng và nhà nước đặt ra có phải lúc nào cũng sáng suốt đâu. Vậy thì, biết trọng dụng nhân tài đúng cách, sẽ khắc phục được tình trạng đó.

Thứ tư, Đảng và nhà nước ta và ngay cả các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều văn bản đề cập đến nhân tài, nhưng nội dung thì chưa nhất quán, cách làm còn khác nhau. Bởi vậy, cần có văn bản đủ tầm ở một đạo luật để điều chỉnh việc trọng dụng nhân tài.

Theo ông thì với sự ra đời của Hiến pháp mới và “thời tiết” chính trị, xã hội hiện nay, 2014 sẽ nhiều cơ hội hơn cho người tài hay không?

Năm nào cũng vậy, đều có thuận lợi và khó khăn cả thôi. Điều quan trọng là nhận thức đúng mức khó khăn để tìm cách khắc phục, cái đó hẳn rất cần đến người tài. Tôi nhớ ai đó đã nói “nhân tài chỉ khác người thường ở phương pháp mà thôi”.

Người thường khó có thể nhận diện chính xác được các quy luật vận động của tự nhiên và xã hội, để từ đó đưa ra các giải pháp xử lý tốt các vấn đề lớn. Năm 2014 là năm được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Đây là cơ hội để người tài triển khai thi thố, bộc lộ tài năng, góp phần đưa đất nước đi lên một cách vững chắc.

Theo Nguyên Thảo

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên