MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI: "Doanh nhân cũng như ánh sáng và không khí"

15-10-2014 - 16:01 PM | Xã hội

Trong thời đại đổi mới hội nhập kinh tế toàn cầu, niềm tự hào của doanh nhân không phải là chiến thắng mà quan trọng làm sao hàng hóa của Việt Nam có thể xuất khẩu sang các cường quốc lớn.

Liên quan đến chủ đề kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2014) ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương Mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những giây phút trải lòng xúc động nhân ngày đặc biệt này.

Theo ông Vũ Tiến Lộc ngày doanh nhân Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, các nước trên thế giới không có ngày doanh nhân nhưng ở Việt Nam đã dành một ngày riêng tôn vinh họ. Vai trò của doanh nhân cũng đơn giản như ánh sáng, không khí vậy ai cũng hiểu vai trò doanh nhân quan trọng như thế nào đối với đất nước.

Ông Lộc kể lại, doanh nhân có nhiều giai đoạn thăng trầm, có thời gian họ không có trong từ điển thậm chí là đối tượng bị cải tạo trong các cuộc cải tạo công nghiệp. Doanh nhân từng bị ghẻ lạnh và bị coi là còn buôn, con then trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Chính vì lẽ đó, cần phải có ngày doanh nhân để tôn vinh những giá trị mà họ đã đóng góp cho xã hội.

“Chúng ta rất phấn khởi sau 30 năm đổi mới, lần đầu tiên doanh nhân có một tên chính thức, một ngày trọng đại cho riêng mình”, ông Lộc nêu.

Nói về chính sách xây dựng của nhà nước về đôi ngũ doanh nhân, ông Lộc nhận định, lần đầu tiên trong lịch sử 80 năm, Đảng ta đã có một nghị quyết xây dựng đội ngũ doanh nhân. Đến 2013, Hiến pháp đã xác định vai trò của doanh nhân và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nhân. “Đối với doanh nhân, quyền tự do kinh doanh là thiêng liêng, có ý nghĩa sống còn. Đó là một động lực quan trọng để đội ngũ doanh nhân không ngừng phát triển, khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế”, ông Lộc nói.

Ông Lộc cho hay, thời đại hoàng kim của kinh doanh đã qua đi, cái thời gian mà chỉ cần 1 triệu đồng là đủ đăng kí giấy phép kinh doanh và có thể tham gia vào các hoạt động kinh doanh như mua một miếng đát trong dự án, mua một số cổ phiếu ngay ngày hôm sau đã có thể sinh lãi… Không ít doanh nhân đã giàu có bằng cách đó vì chớp được cơ hội, thời cơ.

Làm kinh doanh những năm đầu tiên giống như đi trẩy hội, ai cũng có thể kinh doanh, đầu tư cái gì cũng có lãi. “Chính vì lẽ đó, rất nhiều doanh nhân đã quên đi những vấn đề cơ bản là nền tảng của kinh doanh như quản trị doanh nghiệp, nền tảng con người, công nghê mà chỉ say sưa đầu cơ cổ phiếu sinh lời, bất động sản bong bóng….để khi thế giới khủng hoảng, Việt Nam lao đao chịu tác động thì giới doanh nhân mới vỡ lẽ ra nhiều điều.  Doanh nhân đã trải qua những năm tháng khó khăn nhất, đã phải chống chọi với một cơn bão lớn nhất  từ trước đến nay… Mấy năm qua hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã phải giải thể. Đó là một giá phải trả cho một giai đoạn phát triển không bài bản, xa rời các giá trị kinh doanh cốt lõi”, ông Lộc trải lòng.

Theo thống kê, đến tháng 9/2014 có khoảng 485.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn có lãi đã cao hơn nhưng có tới  67% số doanh nghiệp đang kinh doanh không có lãi. Năng suất của Việt Nam mới chỉ bằng 1/15 Singapore và không được cải thiện nhiều trong hàng chục năm qua. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức hơn nhưng ông có một niềm tin vững chắc vào môi trường doanh nghiệp, vào đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Họ thực sự là những người dũng sĩ!

Ông Lộc nhận định, Chính Phủ đang triển khai những chính sách quan trọng về cải cách thể chế, đột phá cải cách thủ tục hành chính với việc ban hành hàng loạt các quyết định quan trọng về cổ phần hóa, thoái vốn, nêu quyết tâm phải cổ phần hóa một nửa số doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Chính Phủ đã ra nghị quyết cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính theo chuẩn ASEAN bởi muốn hội nhập sâu rộng với thế giới trước tiên  phải hội nhập vào ASEAN.

Ông Lộc cho rằng, bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn đứng 6 -7 trong các nước ASEAN bây giờ phải phấn đấu đứng thứ 3, ngang với Maylaysia về thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh. Đó là mục tiêu rất quan trọng của Chính Phủ để tạo ra môi trường kinh doanh thực sự lành mạnh.

“Qua rất nhiều rất nhiều song gió, bão tố đến giờ phút này tôi có thể khẳng định chúng ta có thể sống rồi. Nhưng để phát triển phải tháo gỡ các khó khăn, đừng trói chân, trói tay doanh nghiệp nữa. Cơn bão đã dần đi qua, niềm tin doanh nghiệp đã bắt đầu trở lại…đây là một tín hiệu đáng mừng”, ông Lộc nói.

Theo một khảo sát của VCCI cho thấy, niềm tin vào môi trường kinh doanh tốt hơn nhiều so với thời gian trước, nhiều người kỳ vọng vào làn sóng đầu tư mới của doanh nhân. Một làn sóng căn cơ, bài bản hơn, định vị doanh nghiệp doanh nhân, chú ý công nghệ hơn.

Ông Lộc khằng định, doanh nghiệp đã trưởng thành hơn sau bão tố, làm ăn căn cơ bài bản hơn có nhiều động lực phát triển mới.

Nói về lòng yêu nước của đội ngũ doanh nhân, ông Lộc khẳng định sự kiện giàn khoan HD 981 đã khiến lòng yêu nước của doanh nhân trỗi dậy, bảo vệ chủ quyền đất nước. “Tuy nhiên, xét đến cùng muốn bảo vệ đất nước không còn cách nào khác chúng ta phải giàu lên, mạnh lên. Chúng ta phải có đội ngũ doanh nhân mạnh, có nội lực, sức mạnh lớn  mới có thể đẩy lùi các cuộc chiến tranh”, ông Lộc cho hay.

Tuy nhiên trong thời đại đổi mới hội nhập kinh tế toàn cầu ông Lộc lại cho rằng niềm tự hào của doanh nhân không phải là chiến thắng mà quan trọng làm sao hàng hóa của Việt Nam có thể xuất khẩu sang các cường quốc lớn, những thị trường khó tính nhất. Lòng yêu nước của doanh nhân không được trừu tượng mà cụ thể bằng các hàng hóa Made in Việt Nam. Trước đây chúng ta chú ý cái to tát, quy mô lớn, sản phẩm thật to nhưng cái nhỏ làm chưa được thì sao làm cái to. Dù sản xuất tuơng ớt, tăm tre nhưng hãy làm tử tế làm sao để xuất tương ớt, tăm tre vào Mỹ. Niềm tự hào của chúng ta ngày nay là sản xuất ra những sản phẩm tử tế, thiết thực. Đây mới là chiến thắng vĩ đại nhất của thế hệ doanh nhân thời đại mới.

Ông Lộc cho rằng, bối cảnh thế giới đã thay đổi, cạnh tranh ngày nay không chỉ về giá, chất lượng mà còn cạnh tranh ở khía cạnh trách nhiệm xã hội. Nhiều nước trên thế giới chọn các sản phẩm dựa trên trách nhiệm xã hội, vì cộng đồng của doanh nghiệp đó. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Chính vì vậy bên cạnh phát triển mạnh sản xuất thì các doanh nghiệp Việt hãy phấn đấu trở thành một doanh nghiệp tử tế.


Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên