MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia bình luận về Thông điệp 2014 của Thủ tướng

04-01-2014 - 16:48 PM | Xã hội

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bình luận về Thông điệp đầu năm mới 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về một số điểm trong thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

PV: Thưa ông, ông có ấn tượng gì với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong bài viết nhân dịp năm mới 2014 về “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”? 

Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi thấy thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về bản chất giống như một báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 3 năm đã làm được và định hướng những công việc lớn còn phải làm tiếp trong năm 2014 và 2015 để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.

PV: Trong bài viết này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Theo ông, vì sao?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI từ tháng 01/2011 đã chỉ rõ 3 khâu đột phá để thực hiện Nghị quyết và đưa nước ta tiến lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là, tạo đột phá về thể chế, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đột phá về cơ sở hạ tầng và đột phá về nguồn nhân lực.

Trong năm 2014 này, trong thông điệp của mình, Thủ tướng tập trung nói về đột phá về thể chế. Như vậy, chúng ta phải thấy rằng, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, khâu đột phá về thể chế là một khâu tốn ít tiền kinh phí nhất, cần phải tập trung làm nhất thì làm vẫn chưa đạt được yêu cầu. Cho nên, Thủ tướng phải nhấn mạnh năm 2014 và năm 2015 là năm triển khai đột phá về thể chế.

Còn đề cập đến dân chủ là Thủ tướng muốn nói đến vai trò to lớn của đông đảo người lao động, đông đảo nhân dân trong việc giảm sát bộ máy nhà nước, thực hiện nhiệm vụ của nhân dân giao cho. Qua các việc đấu tranh phòng chống tham nhũng vừa qua, những vấn đề lớn đều phát hiện từ nhân dân, bộ máy công quyền của chúng ta chậm phát hiện được. 

Cho nên, trong những nhiệm vụ đột phá của Hiến pháp năm 2013 là tạo một khuôn khổ pháp lý chính trị, dân chủ hơn nữa, trả lại quyền thực chất cho người dân để người dân giám sát bộ máy nhà nước.

PV: Ông bình luận gì về ý kiến Thủ tướng đề cập rằng:“Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực”?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trong lộ trình triển khai Hiến pháp sửa đổi năm 2013, nhiệm vụ của Quốc hội và đã trở thành Nghị quyết và chuyển sang để Chính phủ tổ chức thực hiện là chúng ta phải sửa lại đồng bộ hệ thống luật, đặc biệt là hệ thống luật doanh nghiệp 2005.  Trong đó, phần chương luật doanh nghiệp nói về doanh nghiệp nhà nước là trọng tâm.

Qua tổn thất của Vinalines, Vinashin và của nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, chúng ta thấy rằng trách nhiệm quản lý của chủ sở hữu đối với  phần vốn nhà nước tại một doanh nghiệp nhà nước vừa qua là làm chưa đạt yêu cầu. Cho nên chúng ta phải làm tiếp tục khâu này.

Ở đây, cần phải nói thêm là, chúng ta đừng nói quá cho anh em làm doanh nghiệp, việc họ đầu tư ra ngoài ngành hoặc họ làm các ngành nghề khác nhau, đấy là do đặc điểm lịch sử của đất nước ta để lại như thế. 

Ví dụ: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, trong 1 tập đoàn có cả Mobifone và Vinaphone, nó là đặc thù phát triển của đất nước chúng ta. Cho nên bây giờ chậm đổi mới Vinaphone và Mobifone so Tập đoàn Bưu chính Viễn thông như hiện nay là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải là trách nhiệm của anh em dưới tập đoàn. Cho nên, ở đây chúng ta phải rạch ròi trách nhiệm của anh em doanh nhân, doanh nghiệp với trách nhiệm của anh em quản lý nhà nước. Và đây chính là phần đầu mà Thủ tướng đã nói là phải thực hiện dân chủ trong xã hội. Chúng ta phải thực hiện tốt dân chủ, chúng ta mới nói được việc sai sót đó thuộc về ai.

Theo Xuân Thân – Thu Thủy

cucpth

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên