MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ chế thu hút nhân tài cần được “cởi trói”

03-10-2015 - 09:40 AM | Xã hội

Đà Nẵng khởi kiện 7 nhân tài vi phạm hợp đồng khi tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố (đề án 922), yêu cầu số nhân tài này bồi thường số tiền hơn 10 tỉ đồng và tiếp tục khởi kiện hơn 10 nhân tài khác. Quan điểm của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực cao (Trung tâm PTNNLC) TP. Đà Nẵng là phải kiện để đảm bảo công bằng.

Gia đình các học viên lên tiếng

Theo Trung tâm PTNNLC Đà Nẵng, việc khởi kiện các nhân tài là “cực chẳng đã” vì nhiều lần đối thoại nhưng phía học viên và gia đình thiếu hợp tác, trây ỳ. Đà Nẵng triển khai đề án 922 từ năm 2004 nhằm thu hút nhân tài về cống hiến, phục vụ tại TP. Đến nay, Đà Nẵng đã có 630 lượt học viên tham gia đề án với kinh phí đào tạo đại học, sau đại học khoảng 600 tỉ đồng. Học viên sau khi kết thúc đào tạo phải công tác tại TP trong vòng 7 năm, nếu không thực hiện đúng hợp đồng, phải bồi hoàn phí đào tạo gấp 5 lần. Riêng sau năm 2013 phải bồi hoàn 100% mức đào tạo. Thế nhưng đến nay có đến 64 người vi phạm hợp đồng (chiếm khoảng 10%). Trong đó, có 15 người đã bị trung tâm khởi kiện ra tòa án hành chính, 7 trường hợp bị xét xử.

Đáng chú ý, có 20 học viên vì lý do kết quả học tập không đạt bị ra khỏi đề án; 27 người chủ động xin ra và được TP đồng ý. Điều này đồng nghĩa, một số tiền không nhỏ đã bị thất thoát vô ích. Các tình huống khởi kiện cũng khác nhau, trong đó, có học viên sau khi kết thúc khóa học về lại TP phục vụ được một thời gian lại muốn đi học lên nữa nhưng TP không đồng ý, dẫn đến học viên bỏ làm việc, “bay” qua nước ngoài. Ngược lại có học viên nhận được học bổng tiến sĩ sau khi kết thúc khóa học mong muốn ở lại học.

Tiếp xúc PV , ông Huỳnh Bửu (bố của học viên Huỳnh Văn Long, SN 1991, kỹ sư xây dựng, Trường Đại học Nottingham, Anh) cho biết: “Tôi không biết lấy đâu ra số tiền 2,7 tỉ đồng vi phạm hợp đồng để bồi thường như tòa tuyên. Tôi đã có đơn kháng cáo lên tòa cấp cao hơn. Con tôi không phải ở lại làm việc bên đó mà em nó học quá giỏi, đỗ thủ khoa sau khóa học nên nhận được học bổng 3 năm học lên tiến sĩ. Đây là cơ hội hiếm hoi để con tôi phát huy hết khả năng sáng tạo của mình rồi về cống hiến cho Đà Nẵng”. Cùng khóa học và cùng nhận được học bổng học 3 năm tiến sĩ với Long còn có Hồ Viết Luận (SN 1991, trú quận Sơn Trà). Ông Hồ Niên (64 tuổi, bố Luận) mếu máo: “Điều tôi mong muốn nhất lúc này là TP cho phép con tôi hoàn thành khóa học tiến sĩ. Sau đó, cháu sẽ về làm việc tại Đà Nẵng chứ đừng bỏ rơi con tôi. Nếu thực hiện theo bản án, mỗi tháng tôi chỉ đóng được 5 triệu đồng thôi vì gia đình tôi mới thoát nghèo được 3 năm nay”.

Điều cả hai ông Bửu, Niên nhận thấy không công bằng là con các ông không thể nằm trong nhóm “chung chung” bị kiện khi học hết khóa ở lại nước ngoài không về phục vụ như các học viên khác được.

Không kiểm soát được rủi ro

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm PTNNLC Đà Nẵng - cho hay, con số 10% vi phạm hợp đồng không phải quá nhiều nhưng cũng đủ để cảnh báo Đà Nẵng cần phải suy nghĩ lại, có những chế tài phù hợp với việc đào tạo nhân tài. Bởi, việc đào tạo nhân tài theo đề án đang tiềm ẩn rủi ro. Luật sư Đỗ Pháp - Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng - cho rằng: “Việc khởi kiện nhân tài như vậy tính nhân văn không cao lắm. Cơ chế, chính sách thu hút nhân tài cần được “cởi trói”.

Thực tế đã chứng minh có không ít nhân tài du học tại nước ngoài với số kinh phí tự họ bỏ ra khá lớn nhưng vì tâm huyết, trách nhiệm với quê hương, họ vẫn sẵn lòng về “đầu quân” cho Đà Nẵng với mức lương không tương xứng trình độ, năng lực của họ.

Như vậy, thay vì bỏ tiền ra đưa nhân tài đi đào tạo, vì sao TP không thay đổi cơ cấu và định hướng chính sách thu hút nhân tài? Theo LS Đỗ Pháp: “Đào tạo 10 người, chắc gì TP nhận hết được 10 người đó. Vì vậy, thu hút nhân tài mới là vấn đề quan trọng”. Trở lại câu chuyện kiện nhân tài, LS Đỗ Pháp cho rằng: “Không thể kiện chung chung như vậy được. Nếu các học viên bỏ hẳn, TP mới tính. Đằng này học viên nhận được học bổng không lẽ bỏ phí. Xử như vậy vô tình “xử oan”, thiếu nhân văn đối với một số đối tượng. Chủ trương này tốt nhưng quá trình thực hiện lộ rõ nhiều bất cập nên phải làm lại!”.

Theo NHIỆT BĂNG - HỮU LONG

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên